Cần sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi hành án dân sự.

28/03/2014
Hiện nay, trong thực tiễn đang có rất nhiều trường hợp hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau khi ban hành “Quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ” và “Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự”. Do quy định tại Khoản 3 Điều 68 về việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự và quy định tại khoản 1 Điều 126 về việc trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự của Luật Thi hành án dân sự hiện hành chưa rõ ràng, chưa điều chỉnh hết được các trường hợp diễn ra trong thực tiễn, lại chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành nên dẫn tới việc áp dụng pháp luật không thống nhất, áp dụng pháp luật theo kiểu tương tự, thừa thủ tục hành chính. 


Như vậy, theo quy định hiện hành hiểu và áp dụng các quy định trên như thế nào? cần sửa đổi, bổ sung các quy định này ra sao? theo quan điểm của tôi là:

1. Đối với trường hợp trả lại tài sản tạm giữ cho đương sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự.

Đây là một biện pháp bảo đảm mà chấp hành viên áp dụng trong quá trình tổ chức thi hành án, tài sản bị tạm giữ chưa được bản án, quyết định của Tòa án quyết định, khi thực hiện nhiệm vụ nếu cần thiết hoặc theo quy định của pháp luật chấp hành viên tiến hành tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.

Sau khi tạm giữ tài sản, giấy tờ các trình tự tiếp theo sẽ diễn ra hai hướng:

+ Xử lý tài sản, giấy tờ để thi hành án.

+ Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự nếu xảy ra hai trường hợp sau đây:

Một là: Chưa có quyết định cưỡng chế mà đương sự tự nguyện nộp tiền

(vì thời hạn xử lý tài sản, giấy tờ tạm giữ là 15 ngày, nên có trường hợp ngày thứ 14 chấp hành viên mới ra Quyết định cưỡng chế, trong thời hạn đó đương sự tự nguyện thi hành án).

Hai là:  Đương sự chứng minh được tài sản, giấy tờ bị tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án.

Ở đây tôi chỉ bàn về vấn đề trả lại tài sản cho đương sự.

Theo quy định tại điểm b, Khoản 3 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự thì “Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án….”

Khi trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự theo quy định tại Thông tư 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp thì chấp hành viên phải ban hành “Quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự” Theo mẫu B16-THA hoặc C16-CCTHA.

Tuy nhiên, trong thực tiễn việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án lại diễn ra rất ít. Mà trường hợp sau khi tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, chấp  hành viên chưa ra quyết định cưỡng chế thì đương sự tự nguyện thi hành án lại rất nhiều, nhưng pháp luật lại chưa điều chỉnh trong trường hợp này.

Vì thế, sau khi áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, chấp  hành viên chưa ra quyết định cưỡng chế mà đương sự tự nguyện thi hành án thì chấp hành viên sẽ lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục để trả lại tại sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự, do chưa có quy định cụ thể nên mỗi người sẽ áp dụng pháp luật khác nhau dẫn đến không thống nhất; có người ban hành “Quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự” có người không ban hành quyết định mà chỉ lập biên bản trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự.

* Theo quan điểm của tôi, áp dụng trường hợp này theo quy định của pháp luật  hiện hành phải là:

+ Nếu đương sự chứng minh được tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì chấp hành viên ban hành quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự theo quy định.

+ Nếu trường hợp sau khi áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ, chưa ra quyết định cưỡng chế mà đương sự tự nguyện thi hành án thì chấp hành viên không cần ban hành “Quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự” mà chỉ cần lập biên bản trả lại tài sản, giấy tờ là xong vì pháp luật chưa quy định trong trường hợp này. Hiện nay, một số trường hợp áp dụng tương tự pháp luật như kiểu “đương sự chứng minh được tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án” để ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự, theo tôi là áp dụng pháp luật tùy tiện, thừa thủ tục hành chính.    

* Từ những phân tích như trên, để thống nhất và áp dụng chung cho cả hai trường hợp này, theo tôi cần hoàn thiện sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 3 Điều 68 Luật Luật Thi hành án dân sự như sau:

Trường hợp đương sự chứng minh được tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án hoặc sau khi áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, chưa ra quyết định cưỡng chế mà đương sự tự nguyện thi hành án thì ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên”.

2. Đối với trường hợp trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật Luật Thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật Luật Thi hành án dân sự quy định “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án; quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự”.

- Thứ nhất: Về mặt khoa học thì quy phạm pháp luật này điều chỉnh chưa phù hợp giữa giả định và quy định; cụ thể: Trường hợp bản án; quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự; cần nhớ rằng tiền và tài sản là hai khái niệm khác nhau, nên nếu đã quy định là: “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự” thì phải giả định là “Trong trường hợp bản án; quyết định tuyên trả lại tiền tài sản cho đương sự” phải thêm chữ tiền trong phần giả định để đảm bảo về mặt khoa học trong quy phạm pháp luật.

- Thứ hai: Quy định về ra “Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự” theo cá nhân tôi có phần trùng lắp và thừa thủ tục hành chính vì:

Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự là khoản chủ động thi hành án được quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự. Khi có các nội dung này trong phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án chủ động (Mẫu B01-THA hoặc C01-THA). Nội dung của quyết định thi hành án này đã thể hiện rất rõ ràng, cụ thể về người được thi hành án, địa chỉ, chi tiết các khoản phải thi hành án về số tiền, tài sản trả lại cho đương sự như nội dung của “Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự” cùng do Thủ trưởng cơ quan Luật Thi hành án dân sự ban hành, vì thế theo tôi không cần thiết phải ra quyết định này mà khi giao trả tiền, tài sản, chấp hành viên sẽ tiến hành lập biên bản là đủ.

- Thứ ba: Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên “Tạm giữ để bảo đảm thi hành án” nhưng sau đó đương sự đã tự nguyện thi hành án, trường hợp này cơ quan Thi hành án dân sự phải tiến hành trả lại tài sản tạm giữ cho đương sự nhưng pháp luật chưa điều chỉnh nên hiện nay một số cơ quan Thi hành án dân sự còn áp dụng khác nhau; có cơ quan áp dụng (tương tự pháp luật) Khoản 1 Điều 126 để ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự, có cơ quan thì lại không áp dụng Khoản 1 Điều 126 để ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự mà khi tiến hành trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự chỉ cần lập biên bản là đủ.

* Theo quan điểm của tôi, áp dụng trường hợp này theo quy định của pháp luật  hiện hành phải là:

+ Đối với trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự  thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự (Mẫu B42-THA hoặc C42-THA).

+ Đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án nhưng sau đó đương sự tự nguyện thi hành án thì không phải ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự (Mẫu B42-THA hoặc C42-THA) vì tuyên “Trả lại cho đương sự” và tuyên “Đảm bảo thi hành án” là hoàn toàn khác nhau, nhưng luật chỉ quy định ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự trong trường hợp tuyên trả lại cho đương sự. Nên, nếu ra quyết định là không đúng pháp luật và thừa thủ tục hành chính.

Đề xuất: Xử lý, trình tự, thủ tục, ban hành các văn bản để trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự là một công đoạn của quá trình tổ chức thi hành quyết định thi hành án, vì thế sau khi Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án thì nên giao cho chấp hành viên giải quyết mà không cần Thủ trưởng phải ban hành quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự (Mẫu B42-THA hoặc C42-THA) theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự hiện hành.

* Từ những phân tích như trên, để thống nhất và áp dụng chung cho cả hai trường hợp này, theo tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 126 Luật Luật Thi hành án dân sự như sau:

+  Sửa đổi Khoản 1 Điều 126

Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự hoặc trong trường hợp bản án, quyết định tuyên tạm giữ để bảo đảm thi hành án nhưng đương sự đã tự nguyện thi hành”.

+ Sửa đổi Khoản 2 Điều 126

Sau khi được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản”.

Nguyễn Đức Hiếu

Cục THADS Hà Tĩnh