Một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi và kiến nghị các giải pháp khắc phục

07/08/2014
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã giành một Chương, với 04 Điều quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự (Chương VII, từ Điều 162 đến Điều 165). Ngoài ra, tại Điều 118 đến Điều 121 của Luật Thi hành án dân sự quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự đối với một số trường hợp cụ thể, thì chấp hành viên đang tổ chức thi hành án có quyền xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền) khi đương sự không thực hiện yêu cầu hay quyết định của chấp hành viên. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự còn được thực hiện trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.


Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự phần nào đã tác động đến hiệu lực và hiệu quả công tác tổ chức thi hành án dân sự của các cơ quan Thi hành án dân sự nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự, nhằm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội và của cấp trên giao hàng năm.

Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, việc vi phạm hành chính diễn ra khá phổ biến, nên việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm hành chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc xử phạt vi phạm hành chính vừa có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa người vi phạm không thực hiện hành vi vi phạm hành chính nữa, vừa là tiền đề để chấp hành viên tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo để thi hành án đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi, như:

 - Việc xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền ít được chú trọng thực hiện: Xuất phát từ đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính thường là người phải thi hành án (tức là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền, tài sản và buộc phải thực hiện các quyền nhân thân khác). Hành vi vi phạm hành chính của đương sự thường liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, nên khi xử phạt vi phạm hành chính (chủ yếu là hình thức phạt tiền), thì tính khả thi của việc xử phạt không cao (vì họ không có tiền để thi hành án thì có tiền đâu để nộp phạt…), nên tâm lý ngại xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiện nay là một thực trạng cần phải có giải pháp để khắc phục. Để minh chứng cho vấn đề này, chúng tôi xin trích dẫn số liệu xử lý vi phạm hành chính trong 06 tháng đầu năm 2014 của các cơ quan Thi hành an dân sự tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau: Trong 06 tháng đầu năm 2014 (số liệu từ ngày 01/10/2013 đến ngày 31/3/2014), các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi chưa xử lý vụ việc vi phạm hành chính nào.

- Thẩm quyền xử phạt không phù hợp với hành vi vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 118 đến Điều 121 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì chấp hành viên đang tổ chức thi hành án, có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi như: “Người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định thì chấp hành viên quyết định phạt tiền…” (Điều 118); “Người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu…” (Điều 119); “Người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền...” (Điều 120); “Trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động…” (Điều 121).

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ thì đối với các hành vi vi phạm hành chính “Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” thì bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Nhưng, theo quy định tại Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng, nên đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 118 đến Điều 121 Luật Thi hành án dân sự thì thẩm quyền xử phạt thuộc về Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Như vậy, để xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên, chấp hành viên phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển ngay đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự để xử phạt theo thẩm quyền (khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Do đó, trong thực tế thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do địa bàn công tác và khoảng cách về đơn vị hành chính (có đơn vị cấp huyện cách tỉnh đến hàng trăm ki lô mét, trong khi đường xá đi lại khó khăn), nên việc xử phạt và thực hiện việc xử phạt thường không đảm bảo thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cũng như thời hạn của Luật Thi hành án dân sự để chấp hành viên tiến hành các hoạt động tác nghiệp tiếp theo.

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chấp hành viên quá thấp so với yêu cầu của thực tiễn thực hiện công vụ: Theo quy định tại Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 68 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ thì chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng. Trong khi đó, các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định tại Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ thì mức xử phạt thấp nhất là cảnh cáo và khung xử phạt thấp nhất bằng tiền là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính (đối với tổ chức là gấp đôi) và khung hình phạt tiền cao nhất là từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính (đối với tổ chức là gấp đôi), đồng thời, việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể (Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo các quy định trên thì chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ chỉ được xử phạt vi phạm hành chính đối với một hành vi vi phạm duy nhất là “Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng” và hình thức xử phạt là phạt cảnh cáo (khoản 1, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ). Như vậy, về quy định của pháp luật, thì chấp hành viên được phạt tiền đến 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhưng thực tế thì chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ không đươc quyền phạt tiền (vì vượt quá thẩm quyền), mà chỉ được phạt cảnh cáo. Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự lấy chấp hành viên là trung tâm của việc tổ chức thi hành án, nên quy định chấp hành viên là người duy nhất có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chấp hành viên quá thấp so với yêu cầu của thực tiễn thực hiện công vụ đã gây khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, làm giảm đi tính chủ động và độc lập của chấp hành viên trong khi thi hành công vụ, làm giảm hiệu quả tổ chức thi hành án của chấp hành viên.

Để việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự đạt hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả tổ chức thi hành án dân sự của chấp hành viên nói riêng và của các cơ quan Thi hành án dân sự nói chung, chúng tôi kiến nghị các giải pháp khắc phục như sau:

- Thứ nhất, chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự trong khi thi hành công vụ phải triệt để thi hành pháp luật; kiên quyết lập biên bản đối với các hành vi vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt (trường hợp thuộc thẩm quyền) hoặc đề nghị người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa người vi phạm không thực hiện hành vi vi phạm hành chính nữa, vừa là tiền đề để chấp hành viên tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo để thi hành án đạt hiệu quả.

- Thứ hai, đề nghị cấp có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ) sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành (trong đó có Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ) theo hướng quy định thẩm quyền xử phạt phải phù hợp với hành vi vi phạm hành chính và nâng cao thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên thi hành án dân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và hành vi vi phạm.

Phạm Huy Ân