Khó khăn khi đương sự tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án

28/03/2016
Đương sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để nhằm tẩu tán tài sản là một vấn đề đang diễn ra trên thực tế, tuy nhiên các quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với hành vi này. 


Sau đây xin đưa ra một một số trường hợp thi hành án trong thực tiễn:
Trường hợp 1: Theo quyết định số 16/DSST ngày 16/3/2015 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên anh Nguyễn Văn A và bà Phùng Thị B phải thanh toán trả nợ cho chị Nguyễn Thị L số tiền: 390.000.000đ(ba trăm chín mươi triệu đồng) và lãi suất chậm thi hành án.
Quá trình xác minh cho thấy, anh A chị B có tài sản là 01 mảnh đất diện tích 342m2 tại xã X, huyện Y. Tuy nhiên ngày 06/3/2015 Nguyễn Văn A và bà Phùng Thị B lập hợp đồng công chứng tặng cho con trai  là Nguyễn Văn C, đến ngày 14/3/2015 mảnh đất trên hoàn tất việc sang tên tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, trước thời điểm có bản án đúng 2 ngày!
Theo khoản 1, Điều 168 Bộ luật Dân sự thì: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu”,  tại khoản 2 Điều 439 Bộ luật Dân sự “ đối với tài sản  mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu  đối với tài sản đó”,  đồng thời tại Điều 692 Bộ Luật dân sự thì “việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định về đất đai.” 
Theo quy định tại điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự:
1. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Vận dụng quy định trên thì cơ quan thi hành án không thể xử lý tài sản của ông A, bà B được vì tài sản đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Có thể thấy rõ ràng rằng việc ông A, bà B chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho con trai  là nhằm mục đích tẩu tán tài sản, né tránh việc thi hành án – đây là một phương án mà hiện nay khá nhiều người đã áp dụng để trốn tránh thi hành án. Xét về mặt pháp lý, do việc chuyển giao này thông qua hình thức là “hợp đồng dân sự” nên người được thi hành án không thể tố cáo ông A, bà B có dấu hiệu phạm tội hình sự như “lừa đảo” hay “lạm dụng tín nhiệm” …để chiếm đoạt tài sản . Còn nếu tố cáo ông A, bà B về  tội “không chấp hành án” – theo qui định tại Bộ luật hình sự thì cũng không được. Vì theo điều luật, để khởi tố vụ án thì phải có yếu tố “đã cưỡng chế mà vẫn cố tình không thi hành án”. Trong khi ở đây cơ quan Thi hành án chưa có căn cứ để thi hành án.
Trường hợp 2: Theo quyết định số 10/DSST ngày 16/7/2015 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên anh Nguyễn Văn A  phải thanh toán trả nợ cho chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị Q số tiền: 300.000.000đ(Hai trăm triệu đồng) và lãi suất chậm thi hành án. Ngay sau đó, ngày 26/7/2015 lại có một quyết định của Tòa án tuyên anh Nguyễn Văn A phải thanh toán trả chị Nguyễn Thị B( là chị gái ruột của anh A) số tiền 2.000.000.000(Hai tỷ đồng) Đến khi cơ quan Thi hành án xử lý tài sản của Nguyễn Văn A thì chị Nguyễn Thị B được nhận lại số tiền được chia theo tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với chị L và chị Q mặc dù là người khởi kiện trước.
Chị L, chị Q rất bức xúc với việc chị Nguyễn Thị B được nhận phần lớn tài sản nhưng thực sự không có căn cứ để khiếu nại. Hiện nay có nhiều giao dịch rất đáng nghi ngờ về việc thỏa thuận với người thân làm hợp đồng vay nợ để chia tài sản theo tỉ lệ. Tuy nhiên cơ quan thi hành án không có chứng cứ nào để chứng minh các hợp đồng vay trên là giả tạo.
Theo quy định của pháp luật, tại thời điểm khởi kiện pháp luật cho phép đương sự làm đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp như :kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong toả tài khoản……. Tuy nhiên rào cản lớn nhất khiến người yêu cầu không thực hiện được quyền này là  pháp luật quy định phải nộp khoản tiền tương ứng với nghĩa vụ mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu. Theo khoản 1 Điều 120 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì ngưòi yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, cấm chuyển dịch, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản, tài sản của người có nghĩa vụ sẽ phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá “do Toà án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Chính vì thế mà nhũng người không có điều kiện kinh tế không thể nào áp dụng được biện pháp này.
Theo quy định tại khoản 2 điều 75 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014:
2. Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
Như vậy, để áp dụng được quy định trên yêu cầu phải  “ có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án”. Vậy “căn cứ xác định” ở đây được hiểu như thế nào? Chính vì vậy mà quy định trên vẫn chưa được áp dụng một cách triệt để.
Thực tế Người được thi hành án có thể nộp đơn khởi kiện ông A, bà B ra tòa dân sự, yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông A bà B và con trai vì lý do : Đây là hợp đồng có nội dung trái pháp luật, nhằm mục đích tẩu tán tài sản, né tránh trách nhiệm thi hành án. Cụ thể là nội dung của hợp đồng vi phạm vào điều cấm là “làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức khác” – theo qui định tại Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên đây thực sự là một hành trình rất gian nan.
Do đó, đề nghị cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn việc các đương sự tẩu tán tài sản ngay từ giai đoạn xét xử tại  tòa án. Đặc biệt cần quy định các chế tài pháp lý đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp đương sự có những hành vi gian dối nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án…. đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội