Cơ sở khoa học của việc xây dựng các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự

23/04/2017
Nghiên cứu pháp luật về thi hành án dân sự cho thấy quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự chiếm nội dung và số lượng điều luật nhiều nhất trong các quy định pháp luật về nghiệp vụ thi hành án dân sự. Vậy thì, việc xây dựng các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, triết lý căn bản nào để đảm bảo hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án dân sự, bảo đảm thực thi trên thực tế các quyền, nghĩa vụ đã được quyết định trong bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Theo chúng tôi, việc xây dựng các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự cần được xây dựng trên cơ sở khoa học sau đây:


1. Việc xây dựng các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải dựa trên cơ sở lý luận về nghĩa vụ dân sự
Nghĩa vụ, về phương diện lý luận, theo học giả Vũ Văn Mẫu thì “nghĩa vụ là một mối liên hệ pháp lý giữa hai người, nhờ đó một người là trái chủ (hay con nợ) có quyền đòi người kia là phụ trái (hay con nợ) phải thi hành một cung khoản có thể trị giá bằng tiền”. Cung khoản (une prestation) này có thể quan niệm dưới ba hình thức: Một nghĩa vụ chuyển hữu, có mục đích bắt buộc người phụ trái phải chuyển dịch một quyền sở hữu hay một quyền đối với vật nào khác; cũng có thể là một nghĩa vụ tác động hay hành sự nghĩa là một nghĩa vụ phải làm; còn có thể là một nghĩa vụ bất tác động hay bất hành sự. Phát sinh ra nghĩa vụ có thể nói rằng có hai nguồn gốc: Các nghĩa vụ khế ước do ý muốn của các đương sự kết lập dưới các hình thức khế ước hay hợp ước và các nghĩa vụ ngoại khế ước được phát sinh ra ngoài ý muốn của trái chủ cũng như của người phụ trái như trong các trường hợp trách nhiệm dân sự [Việt Nam Dân luật lược khảo  (1963),  Quyển II, trang 13,14,16 Bộ Quốc gia giáo dục].
Triết lý căn bản nêu trên về nghĩa vụ dân sự đã được thể hiện trong các quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ dân sự. Điều thứ 676 Bộ luật dân sự Trung Kỳ 1936 định nghĩa: “Nghĩa vụ là cái dây liên lạc về luật thực tế hay luật thiên nhiên, bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó”. Tinh thần này cũng được thể hiện tại Điều thứ 641, Bộ luật dân sự Bắc Kỳ “nghĩa vụ là mối liên lạc về luật thực tế hay luật thiên nhiên, bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó” tức là nghĩa vụ dân sự được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ tự nhiên. Điều 280 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (bên có quyền). Điều 274 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (bên có quyền). Có thể nhận thấy rằng pháp luật dân sự là luật gốc, còn pháp luật hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động là pháp luật phái sinh. Do vậy, các quan hệ nghĩa vụ trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động đều cùng bản chất với quan hệ nghĩa vụ dân sự. Nói cách khác thì nghĩa vụ dân sự ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là bao hàm cả nghĩa vụ về hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.
Tòa án với tư cách là cơ quan bảo vệ công lý, căn cứ vào pháp luật của quốc gia để xác định và phán xử về quyền lợi, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Thông qua phán quyết của Tòa án các quyền lợi, nghĩa vụ dân sự của chủ thể được luật pháp ghi nhận đã trở nên có hiệu lực cưỡng chế và bên có nghĩa vụ có trách nhiệm phải thực thi phán quyết của Tòa án - cơ quan tư pháp nhân danh công lý để bảo hộ quyền lợi hợp pháp của chủ thể. Có thể nhận thấy rằng các nghĩa vụ được ghi nhận trong phán quyết của Tòa án về căn bản có nguồn gốc từ nghĩa vụ dân sự mà chủ thể đó phải thực hiện trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Nghĩa vụ dân sự là một nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thi hành vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác, do vậy, để bảo đảm quyền lợi của bên có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì họ sẽ phải chịu sự cưỡng chế thi hành của Nhà nước.
Do nghĩa vụ dân sự cần phải cưỡng chế thi hành có nguồn gốc từ nghĩa vụ dân sự mà chủ thể đó phải thực hiện trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động nên đối tượng của nghĩa vụ dân sự cần cưỡng chế có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện. Có nhiều loại nghĩa vụ dân sự như nghĩa vụ trả tiền, giao vật, phải thực hiện hoặc không được thực hiện công việc. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự phải có thời hạn, địa điểm và cách thức nhất định. Cách thức thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể theo định kỳ, thông qua người thứ ba, thực hiện nghĩa vụ có điều kiện, có đối tượng tùy ý lựa chọn, thực hiện nghĩa vụ thay thế được, thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ hoặc liên đới, thực hiện nghĩa vụ có thể phân chia được theo phần hoặc không phân chia được theo phần.  Vì vậy, cần căn cứ vào bản chất của từng loại nghĩa vụ dân sự, các quy định cụ thể của pháp luật dân sự về cách thức thực hiện nghĩa vụ để thiết lập các quy định tương ứng về biện pháp và thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự.
2. Việc xây dựng các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải dựa trên cơ sở bảo đảm quyền con người, quyền sở hữu của chủ thể
Xét theo lý luận về nghĩa vụ dân sự thì việc xây dựng các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự hướng tới việc bảo đảm cho quyền lợi hợp pháp của bên có quyền được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự cũng phải bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền sở hữu hợp pháp của chủ thể phải thi hành án dân sự cũng như các chủ thể có liên quan khác. Việc cưỡng chế để thực hiện quyền lợi của chủ thể này không được làm phương hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ thể khác có liên quan. Người phải thi hành án phải chịu cưỡng chế nhưng quyền lợi hợp pháp của họ cần được pháp luật bảo vệ, pháp luật cần phải trao cho chủ thể có quyền lợi liên quan đến việc cưỡng chế các quyền cơ bản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như được biết, được thông báo về việc cưỡng chế, được tham gia giám sát việc cưỡng chế và được quyền thực hiện các khiếu nại cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình. Sự minh bạch, công khai của pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự còn thể hiện ở sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương, kiểm sát của Viện Kiểm sát đối với hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự để bảo đảm sự thận trọng trong cưỡng chế, tránh sự lạm quyền hay sai sót trong cưỡng chế thi hành án dân sự.
Để việc cưỡng chế thực hiện quyền lợi của chủ thể này không được làm phương hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ thể khác thì quyền lợi hợp pháp của người phải thi hành án cần phải được tôn trọng. Do vậy, nếu buộc phải sử dụng tài sản của họ để thi hành án thì việc định giá, bán tài sản phải bảo đảm tính khách quan về chủ thể tham gia; trình tự, thủ tục bán cũng phải bảo đảm đủ công khai, minh bạch để có thể bán được tài sản với giá cao nhất theo đúng giá trị thực của tài sản. Xét về lý luận thì bán tài sản theo phương thức đấu giá là nhằm bảo đảm thực hiện quy luật giá trị, bảo đảm tốt nhất quyền lợi dân sự của chủ thể có tài sản phải đem ra bán đấu giá để thi hành án, là phương thức bảo đảm quyền con người của bên phải thi hành án.
Quyền con người cần được tôn trọng, do vậy việc xây dựng quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo của pháp luật. Cần phải bảo đảm cho người phải thi hành án được tôn trọng quyền riêng tư, được phép giữ lại những tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của bản thân và gia đình, biện pháp cưỡng chế cũng không được làm tổn hại đến an ninh, quốc phòng, nhu cầu thiết yếu của người lao động. Người phải thi hành án cần được trao quyền đề nghị về thứ tự tài sản có thể kê biên một cách hợp lý. Đối với chủ thể có quyền lợi liên quan nhưng không phải là người phải thi hành án thì cần được pháp luật trao cho các quyền cơ bản để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình như quyền được thông tin về việc cưỡng chế, quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định sở hữu tài sản, quyền được ưu tiên mua tài sản bán đấu giá nếu là đồng sở hữu tài sản kê biên.
Để bảo đảm tính hiệu quả của việc thi hành án dân sự thì ngoài việc căn cứ vào bản chất của từng loại nghĩa vụ dân sự để thiết lập các quy định tương ứng về biện pháp và thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự, pháp luật cũng cần thiết lập một hệ thống các biện pháp cưỡng chế cần thiết có tính đa dạng có thể linh hoạt áp dụng phù hợp với từng trường hợp cụ thể để phát huy và khai thác tối đa hiệu quả của cưỡng chế thi hành án dân sự, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của cả người được thi hành án và người phải thi hành án. Việc xác định hệ thống các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và tính hợp lý của thứ tự ưu tiên giữa các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự cũng như các biện pháp bảo đảm tiền cưỡng chế sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án dân sự. Chẳng hạn như cân nhắc đối việc thi hành nghĩa vụ trả tiền thì có thể thiết lập một hệ thống các biện pháp cưỡng chế để cơ quan thi hành án dân sự có thể tùy trường hợp mà quyết định thu giữ; kê biên, bán đấu giá hoặc khai thác tài sản của người phải thi hành án để thi hành nghĩa vụ trả tiền.
3. Việc xây dựng các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, đơn giản cũng như bảo đảm tính tương thích, thống nhất của hệ thống pháp luật có liên quan
Thi hành án dân sự là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để bảo đảm trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trên cơ sở pháp luật. Do vậy, các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Đất đai, Luật Nhà ở....Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo đúng thẩm quyền, tuân thủ các trình tự, thủ tục và tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Do đó, để hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự thực sự hiệu lực, hiệu quả thì yêu cầu đặt ra là phải có hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch. Sự thống nhất, đồng bộ, minh bạch trong pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự yêu cầu các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự phải logic, không mâu thuẫn, chồng chéo nhau và không trái với các quy định pháp luật liên quan; mặt khác phải rõ ràng, công khai, dễ hiểu, giảm thiểu thủ tục hành chính gây phiền hà, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật, kịp thời bãi bỏ các quy định không phù hợp và bổ sung các quy định mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực tiễn thi hành án dân sự trong đời sống xã hội.
4.
Việc xây dựng các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn thi hành án dân sự nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của cưỡng chế thi hành án dân sự
4.1. Bảo đảm sự chủ động, độc lập của chủ thể tiến hành cưỡng chế đồng thời hạn chế tối đa sự lạm quyền
Chức năng của cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, vì vậy về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự phải độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ đạt được khi cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Thừa phát lại có sự độc lập trong việc áp dụng các quy định pháp luật thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, đòi hỏi các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải được thiết lập theo hướng nâng cao trách nhiệm, sự trung thực, chủ động và tuân thủ pháp luật trong cưỡng chế thi hành án của Chấp hành viên, Thừa phát lại, tạo điều kiện cho họ không bị lệ thuộc vào sự can thiệp, tác động trái pháp luật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, để tránh việc lạm quyền thì quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự cần chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền và xã hội. Điều này đòi hỏi các quy định về chủ thể cưỡng chế thi hành án dân sự phải bảo đảm cho các chủ thể này có thể tổ chức và hoạt động theo mô hình, cơ chế phù hợp, đảm bảo cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm sát có hiệu quả quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự.
4.2.
Bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác và quyền hạn thực tế của chủ thể cưỡng chế thi hành án dân sự
Nghiên cứu thực tiễn công tác thi hành án dân sự trong những năm gần đây cho thấy các cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành số việc và tiền ngày càng tăng, đặc biệt số vụ việc phức tạp, đương sự chống đối cũng gia tăng. Do đó, để đảm bảo hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự đòi hỏi pháp luật cần phải có những quy định theo hướng đảm bảo tốt hơn các điều kiện vật chất, chế độ đãi ngộ, trang thiết bị, phương tiện làm việc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cưỡng chế thi hành án dân sự, nhất là đối phó với tính phức tạp, chống đối của đương sự ngày càng gay gắt hơn. Các cơ quan thi hành án dân sự mặc dù được trang bị một số công cụ, trang thiết bị hỗ trợ thi hành án, tuy nhiên khó đáp ứng yêu cầu, bởi vì yêu cầu đặt ra là việc trang bị phương tiện, công cụ cần phải tương ứng với thẩm quyền trong thi hành án dân sự. Ngoài ra, việc tăng quyền hạn cho Chấp hành viên trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự sẽ bảo đảm tốt hơn hiệu quả của công tác này. Thực tiễn công tác cưỡng chế thi hành án dân sự cho thấy quyền hạn của Chấp hành viên không đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn công tác. Trong thực tiễn, Chấp hành viên không có quyền khởi tố hành vi không chấp hành án; không có quyền khám người, khám chỗ ở, địa điểm để tìm đồ vật có giá trị mà đương sự đang cầm giữ, cất giấu nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền khác thì việc tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự sẽ không có hiệu quả. Việc nghiên cứu cũng cho thấy trong thực tiễn nhiều vụ việc thi hành án dân sự có tính phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh thành, nhiều cơ quan khác nhau vượt quá khả năng và điều kiện của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Do vậy, các quy định về chủ thể cưỡng chế thi hành án dân sự cần phải cân nhắc đến thực tiễn này để bảo đảm tính khả thi của pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong phạm vi cả nước.
ThS. Lê Anh Tuấn
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp