Những điểm mới, sửa đổi, bổ sung về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

13/01/2022
So với Luật CBCC 2008 và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP) thì Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 112/2020/NĐ-CP) đã có nhiều điểm mới, sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:


1. Quy định các đối tượng có thể bị xem xét xử lý kỷ luật vào chung một văn bản
Trước đây, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức được quy định tại 4 nghị định khác nhau, cụ thể: việc xử lý kỷ luật đối với công chức  áp dụng Nghị định 34/2011/NĐ-CP; việc xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức áp dụng Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ; việc xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã áp dụng chương VI Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phương, thị trấn; việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.[1]
Nghị định 112/2020/NĐ-CP lần đầu tiên đã gộp các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và viên chức trước đây được quy định tại bốn nghị định khác nhau nêu trên về chung một nghị định, tạo thuận tiện cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức từ Trung ương tới địa phương; kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
2. Sửa đổi, bổ sung các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Một là, bổ sung thêm trường hợp đương nhiên bị buộc thôi việc đối với cán bộ. Khoản 1 Điều 78 Luật CBCC 2008 quy định có 04 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm. Ngoài ra, khoản 3 Điều này quy định: “Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc”. So với Luật CBCC 2008, thì Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 bổ sung thêm trường hợp đương nhiên bị buộc thôi việc trong trường hợp cán bộ bị kết án về tội phạm tham nhũng, cụ thể khoản 3 Điều 78 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 quy định: “Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.”
Hai là, hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Điều 79 Luật CBCC 2008 quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức như sau: “1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc. 2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”.
Điều 79 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 sửa đổi các hình thức kỷ luật đối với công chức như sau: “1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc. 2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”.
Theo quy định mới của Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 thì công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc và công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (đã bỏ hình thức kỷ luật hạ bậc lương với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định trước đây tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP). Như vậy, chỉ có công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mới bị hạ bậc lương, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không còn bị hạ bậc lương theo quy định hiện hành. Mục đích của việc sửa đổi Điều 79 Luật CBCC là để tương đồng với các hình thức của Đảng và tương ứng với 4 hình thức kỷ luật của Đảng đối với từng đối tượng[2].
Ba là, bổ sung thêm trường hợp đương nhiên bị buộc thôi việc đối với công chức. Khoản 3 Điều 79 Luật CBCC 2008 quy định: “Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm”. Khoản 3 Điều 79 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 quy định: “Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm”. Như vậy, tương tự như các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 bổ sung thêm trường hợp đương nhiên bị buộc thôi việc đối với công chức trong trường hợp công chức bị kết án về tội phạm tham nhũng.
3. Căn cứ pháp lý, đối tượng và tiêu chí xác định hình thức kỷ luật cán bộ, công chức
Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật như sau:
Đối với cán bộ có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
Trước đây theo quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì công chức có một trong các hành vi vi phạm ứng với mỗi hình thức kỷ luật sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật đó: khiển trách (Điều 9), cảnh cáo (Điều 10), hạ bậc lương (Điều 11), giáng chức (Điều 12), cách chức (Điều 13), buộc thôi việc (Điều 14). Hiện nay, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã thay đổi hoàn toàn cách xác định các hành vi vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng. Cụ thể, khoản 1 Điều 6 quy định chung về các hành vi bị xử lý kỷ luật, bao gồm: “Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật”.
Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật phải căn cứ vào mức độ hậu quả của hành vi vi phạm gây ra và các hình thức kỷ luật thấp hơn là một trong những căn cứ để áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn. Cụ thể:
Một là, về các mức độ hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, bao gồm:
 - Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong công chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong công chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong công chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Hai là, căn cứ pháp lý, đối tượng và các trường hợp vi phạm ứng với mỗi hình thức kỷ luật theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP được thống kê theo bảng dưới đây:
 
STT Hình thức kỷ luật Căn cứ pháp lý Đối tượng Thuộc một trong các trường hợp sau đây
1 Khiển trách Khoản 1 Điều 6; điểm a khoản 2 Điều 6; điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này[3]
 
1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
6. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
7. Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;
8. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;
9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.
2 Cảnh cáo Điểm b khoản 1 Điều 7, điểm b khoản 2 Điều 7, để b khoản 3 Điều 7 và Điều 9 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức 1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại Điều 8 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngán chặn.
3 Hạ bậc lương Điều 6, điểm c khoản 2 Điều 7, Điều 10 Nghị định số 112/2020-NDĐ-CP Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.
4 Giáng chức Điều 6, điểm c khoản 3 Điều 7, Điều 11 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.
5 Cách chức Điều 6, điểm c khoản 1 Điều 7, điểm d khoản 3 Điều 7, Điều 12 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định này mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.
6 Buộc thôi việc Điều 6, điểm d khoản 2 Điều 7, điểm đ khoản 3 Điều 7, Điều 13 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức 1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
 
 
4. Bổ sung quy định tái phạm khi xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Nghị định số 112/2020/NĐ-CP lần đầu tiên đã quy định cụ thể về vấn đề tái phạm khi xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Theo đó, khoản 8 Điều 2 Nghị định 112/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm. Đồng thời, ngoài thời hạn 24 tháng thi hành thì vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét kỷ luật.
Về vi phạm lần đầu, theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì tùy vào mức độ của hậu quả gây ra mà cán bộ, công chức có thể phải chịu hình thức kỷ luật tương ứng gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
5. Cán bộ, công chức, viên chức đã qua đời được miễn kỷ luật
Nghị định 112/2020/NĐ-CP áp dụng chung cho cả cán bộ, công chức nên việc miễn trách nhiệm kỷ luật với các đối tượng này cũng có nhiều nội dung mới. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP nêu 04 trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật gồm:
- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm (kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011);
- Công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật CBCC 2008 (kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011);
- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ (trước đây khoản 3 Điều 5 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP chỉ quy định công chức được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ thì được miễn trách nhiệm kỷ luật);
- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời (đây là quy định hoàn toàn mới được bổ sung so với quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP).
6. Sửa đổi, bổ sung mới các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức
Trước đây, Điều 4 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định 4 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, gồm:
- Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép.
- Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
- Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung mới các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép (kế thừa Nghị định số 34/2011/NĐ-CP);
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Quy định được sửa đổi, bổ sung này làm rõ hơn mức độ nghiêm trọng của loại bệnh (bệnh hiểm nghèo, đang mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm nặng) và hình thức điều trị (nội trú) để tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng, tránh tình trạng lợi dụng quy định chưa rõ ràng của pháp luật để trì hoãn hoặc kéo dài việc xử lý kỷ luật.
- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức là nam giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nam giới (trách nhiệm của người chồng, cha trong gia đình) trong việc chăm sóc con nhỏ dưới 12 tháng tuổi trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng.
- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
So với Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố và trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền là những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Các quy định mới đã bao quát hết các trường hợp và tạo thuận lợi cho việc xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức trong thực tiễn.
7. Trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu
Kể từ ngày 01/7/2020, thời điểm Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 chính thức có hiệu lực pháp luật thì cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng có thể bị xử lý kỷ luật. Nếu phát hiện cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mà có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật, bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức kỷ luật đó (theo khoản 18 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 và Điều 22, Điều 23 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP). Do đó, việc xử lý kỷ luật các đối tượng này được Chính phủ hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu:
Khoản 18 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 quy định về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau:
- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
- Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
b) Thẩm quyền xử lý kỷ luật:
Điều 22 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:
“1. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan.
2. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật”.
c) Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật:
Điều 23 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau:
“1. Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.
Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.
Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 22 Nghị định này quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật”.
8. Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Thời hiệu, thời hạn kỷ luật cán bộ, công chức liên quan đến khái niệm chung về “thời hiệu”, “thời hạn” được quy định tại Bộ luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì “1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. 2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra” (Điều 144).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”. Trong số các loại thời hiệu được quy định tại Bộ luật dân sự thì thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là hai loại thời hiệu mà các chủ thể có thể quan tâm hơn liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Theo đó, khoản 1, 2 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự. 2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ”. Cách tính thời hiệu được quy định tại Điều 151 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”. Các quy định khác về thời hạn, thời hiệu được quy định cụ thể tại mục 1 từ Điều 144 đến Điều 157 Bộ luật dân sự 2015.
Theo quy định của Luật CBCC 2008 và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo thực hiện đúng thời hạn và đúng thời hiệu. Cụ thể, Điều 80 Luật CBCC 2008 quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật như sau: “1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng”.
Điều 6, Điều 7 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể hơn về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như sau:
“Điều 6. Thời hiệu xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên có thể thấy việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được thực hiện trong thời hiệu là 24 tháng. Và thời hiệu này được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật. Trong khoảng thời gian 24 tháng tính từ thời điểm xảy ra vi phạm đơn vị hành chính phải tiến hành xử lý vi phạm của cán bộ, công chức theo đúng quy định của pháp luật.
“Điều 7. Thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức.”
Qua các căn cứ nêu trên, ta có thể thấy rõ việc xử lý vi phạm hành chính đối với cán bộ công chức, viên chức cần được thực hiện theo đúng quy định pháp luật cụ thể là trong khoảng thời gian tối đa là 02 tháng kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải tiến hành xử lý kỉ luật.
Sửa đổi, bổ sung Luật CBCC 2008 và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, khoản 16 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 quy định về nội dung này như sau: “1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
a) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
b) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
a) Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
b) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
3. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
4. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật”.
So với quy định của Luật CBCC 2008 và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật có một số điểm mới, sửa đổi, bổ sung sau đây:
Một là, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định dài hơn và tùy thuộc vào loại hành vi vi phạm (02 năm nếu vi phạm ít nghiêm trọng đến mức bị khiển trách; 05 năm với các hình vi vi phạm còn lại, trong khi quy định cũ là 24 tháng). 
Hai là, thời hạn xử lý kỷ luật cũng được quy định dài hơn (không quá 90 ngày (quy định cũ là 02 tháng); nếu có tình tiết phức tạp cần thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ thì không quá 150 ngày (quy định cũ là 04 tháng);
Ba là, bổ sung thêm các trường hợp không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật (khoản 4 Điều 5 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP), gồm:
- Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP[4];
- Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);
- Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bốn là, bổ sung quy định về 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật (khoản 2 Điều 80 Luật CBCC 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC 2008 và Luật Viên chức 2019), gồm:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
9. Về việc xử lý cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật
Luật CBCC 2008 quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (khoản 2 Điều 82). Hạn chế này đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật không phân biệt các loại hình thức kỷ luật và áp dụng chung một khoảng thời gian 12 tháng. Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 đã phân hóa thời hạn khác nhau áp dụng với các nhóm hình thức kỷ luật khác nhau dựa vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, cụ thể như sau:
- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (khoản 17 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019);
- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (khoản 17 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019).
Tác giả: TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục THADS.
 

[1] Điều 25 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về hiệu lực thi hành quy định: “1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2011. 2. Bãi bỏ những quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức…”. Theo quy định này thì kể từ ngày Nghị định số 34/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 05/7/2011), Nghị định này chỉ bãi bỏ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức mà không bãi bỏ quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, do đó, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ vẫn áp dụng quy định của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.
 
[3] Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP: “Điều 9. Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngán chặn”.
 
[4] Điều 3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
3. Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.