Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

20/05/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công
Một câu nói thật giản dị của Bác Hồ nhưng đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta trong nhiều thế kỉ qua.


Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, chiến tranh liên miên. Nhận thức được độc lập tự do là mưu cầu sống của cả dân tộc, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, và trong suốt cuộc đời tìm đường cứu nước cho dân tộc, Người nhận thức sâu sắc đoàn kết chính là sức mạnh quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Cũng vì lẽ đó, Người đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền bá và giáo dục tư tưởng đó trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản. Đó là một hệ thống các luận điểm về vị trí, vai trò, nội dung, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng, nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc, của quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc cần phải dựa trên các nguyên tắc, đó là:
Thứ nhất, phải được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa lợi ích của quốc gia, dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng trong xã hội.
Trong mỗi quốc gia dân tộc bao giờ cũng tồn tại những tầng lớp, giai cấp khác nhau. Mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp lại có lợi ích khác nhau nhưng tất cả các lợi ích khác nhau đó đều có một điểm chung là lợi ích dân tộc. Quyền lợi của các tầng lớp, giai cấp có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào dân tộc đó có được độc lập tự do, có đoàn kết hay không và việc nhận thức, giải quyết đúng đắn các quan hệ lợi ích đó như thế nào.
Nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc theo Hồ Chí Minh là tìm kiếm, trân trọng và phát huy những yếu tố tương đồng, thu hẹp đến mức thấp nhất những yếu tố khác biệt, mâu thuẫn và Người bao giờ cũng tìm ra những yếu tố của đoàn kết dân tộc thay cho sự đào sâu tách biệt, thực hiện sự quy tụ thay cho việc loại trừ những yếu tố khác nhau về lợi ích.
Theo Hồ Chí Minh, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là bình đẳng, dân chủ, tự do. Lợi ích tối cao này là ngọn cờ đoàn kết, là sức mạnh dân tộc và là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là nguyên tắc bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh để Người tìm ra những phương pháp để thực hiện nguyên tắc đó trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của mình.
 Thứ hai, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân
Đây là nguyên tắc xuất phát từ tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta được Người kế thừa và nâng lên một bước trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử.
Tin vào dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc có nghĩa là phải tin tưởng vững chắc vào sức mạnh to lớn và năng lực sáng tạo của nhân dân, phải đánh giá đúng vai trò của lực lượng nhân dân. Người viết “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”.
Thứ ba, đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết lâu dài, chặt chẽ
Theo Hồ Chí Minh, có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh của cách mạng. Muốn đoàn kết thì trước hết phải có Đảng cách mạng để trong thì vận động, tổ chức dân chúng, ngoài thì liên minh với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản ở mọi nơi. Như vậy, để đoàn kết và lãnh đạo cách mạng, điều kiện tiên quyết là phải có một Đảng cách mạng với tính cách là Bộ tham mưu, là hạt nhân để tập hợp quần chúng trong nước và tổ chức, giữ mối liên hệ với bè bạn ở ngoài nước. Đảng cách mạng muốn thống nhất về chính trị và tư tưởng, đảm bảo được vai trò đó, thì phải giữ vững bản chất của giai cấp công nhân, phải được vũ trang bằng chủ nghĩa chân chính, khoa học và cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin, Người nói “Để làm trọn trách nhiệm người lãnh đạo cách mạng, Đảng ta phải dựa vào giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nền tảng vững chắc để đoàn kết các tầng lớp khác trong nhân dân. Có như thế mới phát triển và củng cố được lực lượng cách mạng và đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng”.
Đại đoàn kết một cách tự giác là một tập hợp bền vững của các lực lượng xã hội có định hướng, tổ chức và có lãnh đạo. Đây là sự khác biệt mang tính nguyên tắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết dân tộc với tư tưởng đoàn kết, tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam tiền bối và một số lãnh tụ cách mạng trong khu vực và trên thế giới. Đi vào quần chúng, thức tỉnh quần chúng, đoàn kết quần chúng vào cuộc đấu tranh tự giải phóng mình là mục tiêu nhất quán của Hồ Chí Minh.
Thứ , đại đoàn kết phải chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết phải gắn với tự phê bình và phê bình
Giữa các bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, bên cạnh những điểm tương đồng còn có những điểm khác nhau cần phải giải quyết theo con đường đối thoại, bàn bạc để đi đến sự nhất trí; bên cạnh những nhân tố tích cực vẫn có những tiêu cực cần phải khắc phục. Để giải quyết vấn đề này, một mặt Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm “cầu đồng tồn dị”, mặt khác, Người nêu rõ "Đoàn kết phải gắn với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết và căn dặn mọi người phải ngăn ngừa tình trạng đoàn kết xuôi chiều, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để biểu dương mặt tốt, khắc phục những mặt chưa tốt, củng cố đoàn kết. Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học hỏi những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”.
Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển, Đảng ta và Mặt trận dân tộc thống nhất luôn đấu tranh chống khuynh hướng hẹp hòi, một chiều, chống coi nhẹ việc tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được, đồng thời chống khuynh huớng đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức trong khối đại đoàn kết dân tộc. “Chúng ta làm cách mạng nhằm mục đích cải tạo thế giới, cải tạo xã hội. Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân chúng ta”.
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra phương thức thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đó là phải biết áp dụng phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, nghĩa là đoàn kết phải trên cơ sở tự nguyện, không thể áp đặt, ép buộc. Vì vậy phải tuyên truyền, vận động làm cho mọi người nhận thức được sự cần thiết phải đoàn kết để họ tự nguyện, tự giác tham gia vào một tổ chức đoàn thể trong khối đại đoàn kết. Trong tuyên truyền, vận động, giáo dục phải phản ánh đúng nguyện vọng sâu xa và những quyền lợi cơ bản, chung nhất của toàn thể dân tộc; phản ánh nguyện vọng, quyền lợi riêng phù hợp với từng giai cấp, tầng lớp, từng cộng đồng xã hội cụ thể. Phải nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, giản dị nhưng vẫn rất sâu sắc, sử dụng biện pháp nêu gương, kết hợp giữa lời nói và việc làm.
Phương pháp xử lý các mối quan hệ trong xã hội cũng khác nhau, đối với lực lượng cách mạng (chí cốt là công nhân, nông dân, lao động chân tay, lao động trí óc) thì phải biết khai thác, phát huy sự thống nhất, tương đồng, hạn chế, khắc phục, tiến tới xoá bỏ dần những khác biệt trong mục tiêu, lợi ích; đối với những bất đồng trong nội bộ thì phương pháp xử lý là thẳng thắn, có lý và có tình; đối với lực lượng trung gian (các tầng lớp trên, các trí thức thượng lưu, nhân sĩ, hoàng tộc, quan lại…) thì phải biết xoá bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, khơi gợi, cổ vũ ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, chân thành hợp tác và trọng dụng; đối với các thế lực thù địch thì cần phải chủ động, kiên quyết tiến công tiêu diệt trên cơ sở phân hoá, cô lập chúng đến mức cao độ.
Khối đại đoàn kết bao gồm nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau; nhiều cá nhân khác nhau có lợi ích chung nhưng lại cũng có những lợi ích riêng khác nhau. Những lợi ích riêng đó có thể xung đột nhau, thậm chí lợi ích riêng của một bộ phận nào đó có thể đi ngược lại lợi ích chung. Do đó phải có tổ chức chặt chẽ để luôn đặt được lợi ích chung lên trên hết, trước hết; không để cho một bộ phận hoặc cá nhân nào có thể vì lợi ích riêng mà làm hại đến lợi ích chung. Trong số các thành viên của khối đại đoàn kết thì Đảng cộng sản là tổ chức duy nhất có lợi ích riêng phù hợp với lợi ích chung (ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc ra, Đảng ta không có lợi ích nào khác). Vì vậy, Đảng cộng sản là tổ chức duy nhất xứng đáng nắm quyền lãnh đạo. Đảng là thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất nhưng là thành viên giữ vai trò lãnh đạo, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, phải xây dựng Đảng cộng sản trong sạch và vững mạnh, trí tuệ, cách mạng, thống nhất; xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, chặt chẽ, thống nhất; xây dựng một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhờ sức mạnh của đại đoàn kết mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thấm nhuần được tư tưởng đó, 90 năm qua, Đảng và nhân dân ta đã không ngừng cũng cố khối đại đoàn kết toàn đảng, toàn dân, luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trước đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì việc thực hiện tư tưởng đại đoàn kết của Người càng có ý nghĩa quan trọng, đó là một trong những nhân tố bảo đảm cho quá trình đổi mới, phát triển. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…; Toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, lá lành đùm lá rách; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vv... không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.