Yêu cầu tập trung thi hành dứt điểm các bản án, quyết định hành chính còn tồn đọng

22/02/2018
Tính đến ngày 30/11/2017, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật và người phải thi hành án là các cơ quan nhà nước là 361 bản án, quyết định. Số bản án, quyết định có vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án và Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định buộc thi hành án là 70 việc. Kết quả, thi hành xong 295 việc (đạt 82%), chưa thi hành xong 66 việc (chiếm 18%). Các khiếu kiện hành chính tập trung nhiều ở một số tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Cà Mau, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Long An, tỉnh Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Tiền Giang và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai liên quan đến các quyết định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, các quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại về đất đai (75%). Trong tổng số 66 vụ việc chưa thi hành xong, có 28 vụ việc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực trong năm 2017, 14 vụ việc bản án, quyết định có hiệu lực trong năm 2016, 24 vụ việc còn lại là các bản án, quyết định có hiệu lực từ năm 2015 trở về trước.


Ngày 26/01/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 959/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thi hành đúng, đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật;  Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan trực thuộc thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật và tập trung thi hành dứt điểm trong năm 2018 các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế thi hành án hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các bản án, quyết định của Tòa án; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án hành chính; kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chức năng thành lập Đoàn Kiểm tra một số địa phương có số lượng lớn các bản án, quyết định phải thi hành án, tập trung vào các địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, dư luận xã hội quan tâm.
Ngày 10/01/2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp để giám sát chuyên đề về “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”. Đoàn giám sát sẽ xem xét, đánh giá thực trạng việc tổ chức thực hiện và chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân và một số vấn đề liên quan; kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và nguyên nhân; kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết, thi hành loại án này. Các nội dung giám sát sẽ tập trung vào việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp; việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân; thực trạng chấp hành pháp luật trong ban hành các quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân, thực trạng việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân tham gia tố tụng hành chính trong trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân bị khiếu kiện và chấp hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án; thực trạng chấp hành pháp luật trong giải quyết, xét xử các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân; thực trạng chấp hành pháp luật trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân; thực trạng chấp hành pháp luật trong kiểm sát việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân và trong việc kiểm sát việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về loại việc này
Có thể nói, thực hiện nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cũng như bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước nguy cơ từ những vi phạm, sai sót của cơ quan công quyền, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Luật này, được sửa đổi, bổ sung năm 2015 cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan công quyền nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Điều này, càng quan trọng hơn khi nước ta đang đẩy mạnh hoàn thiện nhà nước pháp quyền, kiến tạo và tập trung phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Yêu cầu đó đang đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải được tổ chức và hoạt động chặt chẽ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật phải được thượng tôn, mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, hiện tượng tồn đọng án hành chính trong những năm qua cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật của một số cơ quan nhà nước còn chưa nghiêm. Dư luận xã hội đang lo lắng, băn khoăn về tính nghiêm minh của kỷ cương phép nước bởi cơ quan Nhà nước phải là tổ chức cần phải nghiêm túc, gương mẫu.
Tại Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2107 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, báo cáo kết quả việc thi hành án hành chính tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Xuân Bách