Ý kiến trên được Đại biểu đưa ra tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV sáng nay, 8/11.
Xử lý nợ xấu của c tổ chức tín dụng còn vướng mắc từ thể chế
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa nhận định, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã trở thành tâm điểm quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia thị trường. Nợ xấu ngân hàng khiến việc luân chuyển vốn giữa các khu vực của nền kinh tế bị đình trệ, đặc biệt là dòng vốn chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh.
Theo ĐB, việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết, đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai; công tác chỉ đạo cũng quyết liệt, đồng bộ.
Theo báo cáo số 402 ngày 12/10/2021 của Chính phủ, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến 30/6/2021 đạt trung bình khoảng 5,95 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,43 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trước khi có Nghị quyết.
Các chỉ số khác, như kết quả xử lý nợ xấu nội bảng; kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của tổ chức mua bán nợ cũng đạt được những kết quả rất nổi bật.
Ngay khi Nghị quyết 42 ra đời, ngoài Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đã kịp thời ban hành, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và thực tiễn đã mang lại kết quả khả quan.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa cho rằng, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), các cơ quan THADS địa phương có thể nói là một lực lượng có vai trò quan trọng trong quá trình triển khai, thực hiện xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong hệ thống cơ quan THADS, tính từ 01/10/2016 đến cuối tháng 9/2021, tổng số án tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 3% về việc, gần 60% về tiền so với tổng số việc/tiền phải thi hành án của toàn quốc.
Toàn hệ thống cơ quan THADS đã thi hành xong 22.482 việc, thu được hơn 126.184 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Từ những số liệu trên cho thấy, số việc, số tiền cơ quan THADS phải tổ chức thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng ngày càng tăng. Năm 2021 cao gấp 1,6 lần về việc, gấp 1,3 lần về tiền so với năm 2017. Qua đây có thể thấy được sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước.
Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình thực hiện các quy định của Nghị quyết số 42 và các quy định của Luật THADS liên quan đến xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc từ thể chế, như chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau; thủ tục xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng theo Luật đất đai; định về thuế, phí, án phí khi xử lý tài sản bảo đảm...
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa nhấn mạnh, trước diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ gia tăng nợ xấu của của các Tổ chức tín dụng đã được Chính phủ nêu rõ trong Báo cáo số 402.
“Nếu chúng ta không có các giải pháp căn cơ, xem xét đánh giá một cách tổng thể để hạn chế nợ xấu và giải quyết các khó khăn vướng mắc cho lực lượng tham gia vào quá trình giải quyết nợ xấu thì nợ xấu rất khó được giải quyết”, Đại biểu nói.
Sửa đổi, bổ sung cơ chế về xử lý tài sản thi hành án
Trước tình hình này, Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa đổi, bổ sung cơ chế về xử lý tài sản thi hành án để tháo gỡ các khó khăn trong công tác thi hành án dân sự khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, tiến tới sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2014 theo hướng rút gọn các trình tự, thủ tục trên tinh thần không làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các bên.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 42 giai đoạn cuối áp dụng; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đối với lực lượng THADS.
"Có thể nói đây là lực lượng hết sức đặc thù, đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng; sức ép quá nặng của công việc (bình quân một Chấp hành viên/1 năm thi hành 221 việc khoảng 70 tỷ đồng); không có cơ chế bảo vệ cho Chấp hành viên là những người trực tiếp thi hành Bản án; không thu hút được lực lượng lao động chất lượng cao vào làm việc; rồi hiện tượng bỏ việc, chuyển việc diễn ra thường xuyên và nhiều năm nhưng vẫn chưa có hướng để giải quyết triệt để", Đại biểu nói.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc của cơ quan THADS mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Vì vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ, đầu tư hơn nữa cho lực lượng THADS trong thời gian tới.
Nhấn mạnh công tác thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế là vấn đề mà Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đại biểu đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tiền tố tụng, các cơ quan tố tụng với chức trách, nhiệm vụ được giao kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ Tư pháp tiếp tục xác định thi hành án tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo Tổng cục THADS đẩy nhanh thi hành án tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ việc có giá trị lớn.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác THADS, phải xem đây là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đảm bảo những vụ việc khó khăn, phức tạp phải có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự.
Hà Dung
Nguồn: baophapluat.vn