Dự Khai mạc Hội nghị tập huấn có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Hội nghị tập huấn và đồng chí Phan Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, thành viên Ban Tổ chức; đồng chí Nguyễn Hùng Vừa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột; đồng chí Bùi Đăng Thủy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị được tổ chức cho 404 đại biểu là Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Trưởng Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, Chấp hành viên, Thẩm tra viên là đại biểu các cơ quan Thi hành án dân sự 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Quảng Bình, Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia Hội nghị tập huấn còn có đại diện Cục Công tác phía Nam và một số tổ chức tín dụng.
Tại buổi lễ, thay mặt cho Ban Tổ chức Hội nghị tập huấn, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Hội nghị đã phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực đã khẳng định sự cần thiết của Hội nghị tập huấn, nhấn mạnh mục đích của Hội nghị nhằm giới thiệu, triển khai những văn bản mới, đưa pháp luật đi vào thực tiễn, đặc biệt hướng tới việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn công tác thi góp phần bảo đảm chấp hành đúng pháp luật và hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018. Đây là diễn đàn để các báo cáo viên chia sẻ các kinh nghiệm nghiệp vụ đúc rút từ công tác hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiểm tra công tác thi hành án dân sự trong những năm qua. Đồng chí Lê Thị Kim Dung cũng khẳng định, với 20 chuyên đề tập huấn chuyên sâu đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, Hội nghị dành cho khu vực miền Bắc tại Hà Nội và Hội nghị dành cho khu vực phía Nam tại Đắk Lắk là cơ hội để các đồng chí Lãnh đạo, Chấp hành viên các tỉnh, thành, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp cùng nhau tranh luận, tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, làm mới thêm kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình trên cơ sở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, giữa Báo cáo viên và đại biểu dự tập huấn.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung cũng đã truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, cũng như của Lãnh đạo Tổng cục về việc yêu cầu các học viên nghiêm túc chấp hành nội quy Hội nghị, tập trung theo dõi chuyên đề, tích cực tranh luận, trao đổi ý kiến; đặc biệt là tìm phương án giải quyết các bài tập tình huống vướng mắc điển hình liên quan đến các chuyên đề cốt lõi do Ban Tổ chức đưa ra để các đoàn tổ chức thảo luận sau mỗi ngày làm việc. Để đảm bảo hiệu quả lâu dài và thiệt thực của Hội nghị tập huấn, đồng chí cũng yêu cầu các Lãnh đạo Cục kịp thời tổ chức tập huấn lại các nội dung trên cho đội ngũ Lãnh đạo, Chấp hành viên, Thẩm tra viên và các công chức liên quan của địa phương mình.
Trong ngày khai mạc, đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe 04 chuyên đề quan trọng. Theo đó, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 đã báo cáo ngắn gọn chuyên đề về “Kỹ năng ra quyết định thi hành án và những sai sót, vướng mắc thường gặp liên quan đến việc ra quyết định thi hành án chủ động, án liên đới, án tuyên các kỳ hạn khác nhau” và “Kỹ năng kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án và và những sai sót, vướng mắc thường gặp liên quan đến kê biên tài sản của hộ gia đình, tài sản vợ chồng, tài sản chung, tài sản doanh nghiệp và tài sản của người thứ ba”. Tiếp đó, Hội nghị cũng được nghe đồng chí Phan Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 trình bày chuyên đề “Kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án và những sai sót, vướng mắc thường gặp trong việc xác minh, xác minh lại và phân loại án” và chuyên đề “Kỹ năng xác định giá, lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá, sử dụng chứng thư thẩm định giá và một số nội dung cần lưu ý khi thực hiện Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Ngay sau khi báo cáo 04 chuyên đề với những vấn đề gai góc, dễ xảy ra sai sót nhất do thực tiễn đa dạng và biến động không ngừng, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được rất nhiều câu hỏi của các đại biểu, xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ hoạt động tổ chức thi hành án dân sự tại địa phương. Dự kiến trong 04 ngày làm việc, từ ngày 08/11/2017 đến ngày 11/11/2017 tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, song song với các chuyên đề chuyên sâu về nghiệp vụ thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được xây dựng, lựa chọn đưa vào chương trình Hội nghị, Hội nghị sẽ tiếp tục dành thời gian thích đáng cho việc trao đổi, tranh luận, chia sẻ ý kiến giữa các đoàn và với báo cáo viên nhằm tìm ra phương án tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn những năm vừa qua.
Bảo Ngọc – Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo