Tọa đàm việc thực hiện chỉ tiêu và lấy ý kiến dự thảo Thông tư về thi hành án dân sự tại Khu vực phía Nam

13/05/2018
Ngày 11/5/2018, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ thi hành án dân sự, lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thống kê trong thi hành án dân sự. Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam; đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1; một số công chức Cục Công tác phía Nam và Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Khu vực phía Nam.

Buổi sáng, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về việc thực hiện chỉ tiêu, tỷ lệ thi hành án dân sự, nhất là những thuận lợi, khó khăn và tìm ra những nguyên nhân về chủ quan, khách quan để có giải pháp phù hợp.
Đồng chí Trần Hoài Phú, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam báo cáo đánh giá Khu vực phía Nam bao gồm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Phú Yên trở vào đến Cà Mau. Đây là địa bàn trọng điểm của cả nước về công tác thi hành án dân sự, tập trung một lượng lớn án phải thi hành, tính chất rất phức tạp, giá trị thi hành cao. Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; năm 2016-2017 là hai năm cả nước tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thử XII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm (2016-2021) của đất nước. Đây là năm chú trọng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng tăng tưởng, phát triển bền vững, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; kiên quyết xử lý nợ xấu và các Ngân hàng thương mại yếu kém; kinh tế của đất nước tuy đã lấy lại đã tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nợ xấu tuy có giảm dần nhưng còn ở mức cao. Mặc dù, Nghị Quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội quy định về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2015 đã bãi bỏ các chỉ tiêu về tỷ lệ thi hành án dân sự xong về việc và về tiền được quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội nhưng việc giao chỉ tiêu về công tác thi hành án dân sự vẫn luôn được Lãnh đạo Bộ và Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm. Chính vì vậy, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm việc giao chỉ tiêu thi hành án dân sự cũng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình đặc điểm chung của nền kinh tế cả nước cũng như từng địa phương trong Khu vực.
Nhìn lại công tác thi hành án dân sự của Khu vực trong điều kiện số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là về tiền; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn; tổ chức, bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện, thể chế pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và tỷ lệ chỉ tiêu giao cũng luôn có sự thay đổi nhưng bằng tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn của toàn thế đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, các cơ quan thi hành án dân sự đã triển khai thực hiện và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, công tác thi hành án dân sự ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trong các chỉ tiêu để ra.
Đồng chí Nguy Huy Hoàng, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh nêu một số kinh nghiệm trong việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ ở đơn vị có nhiều án giá trị phải thi hành lớn, như: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền Thành phố và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố trong công tác tổ chức cán bộ, trong việc tổ chức thi hành những vụ án lớn, phức tạp, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các quận, huyện để thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác của các Chi cục Thi hành án dân sự trong đó tập trung ở những đơn vị có nhiều yếu kém, khó khăn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án; tập trung hoàn thành việc xây dụng và vận hành phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức và thống kê thi hành án dân sự. Chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác xác minh, phân loại âm đảm báo chính xác về số liệu và thực tế hồ sơ thi hành án; chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giải quyết án có trọng tâm, trọng điểm theo tùng đơn vị hoặc theo tỉnh phất loại vụ việc thi hành án; tập trung chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thì hành dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện nhất là các vụ việc có điều kiện kéo dài trên 3 năm nhưng chưa được giải quyết xong. Tăng cường chất lượng các cuộc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với các đơn vị trực thuộc; căn cứ vào kết quả năm 2016, Cục Thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức kiểm tra kết quả thi hành án dân sự tại các đơn vị trực thuộc, đồng thời, tùy theo tình hình thực hiện nhiệm vụ, sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất theo chuyên đề tại một số đơn vị. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, phân loại xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở các khiếu nại về thi hành án; xác định cụ thể nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo để có biện pháp giải quyết phù hợp; không để phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố các bức xúc, kéo dài; giải quyết dứt điểm các trường hợp khiếu nại, tố các tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tập trung thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt, đảm bảo thì công đúng tiến độ về thời gian, chất lượng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và kịp thời giải ngân theo quy định.
Đại diện Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ nêu những bất cập trong việc thực hiện chỉ tiêu như án lớn, phức tạp; đương sự không hợp tác, Chấp hành viên lại phải làm rất nhiều báo cáo; thụ lý mới nhiều, có đơn vị chịu áp lực nên có thể chuyển án có điều kiện sang chưa có điều kiện thi hành. Đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương nêu khó khăn trong thực hiện giảm chuyển kỳ sau khó do nhiều vụ việc kê biên nhưng bán đấu giá tài sản chưa thành; án miễn, giảm đề nghị Quốc hội giảm, miễn một lần đối với những trường hợp nhất định. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cho rằng việc giao chỉ tiêu là một trong những giải pháp để Chấp hành viên phải chú trọng thi hành án, khi Tổng cục chưa giao chỉ tiêu thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai tạm giao chỉ tiêu; việc giao chỉ tiêu nên có giao chỉ tiêu cứng từ 2 đến 5 năm và có giao chỉ tiêu mềm điều chỉnh hàng năm theo số lượng thụ lý thi hành thực tế; tránh giao chỉ tiêu cào bằng, không đều nhau vì có Chấp hành viên lâu năm, có Chấp hành viên mới bổ nhiệm, luân chuyển, sơ cấp, trung cấp, cao cấp; tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của địa phương và nhiều giải pháp, biện pháp khác.
Đồng chí Phạm Hồng Đức, Cục trưởng Cục Thi hành án dân tỉnh Bà Rại Vũng Tàu cho rằng cần thiết kế lại 04 chỉ tiêu cứng, ví dụ chỉ tiêu giảm đã hết rồi nhưng vẫn phải giao, không còn cơ chế trả đơn, số việc chuyển kì sau càng ngày càng tăng, chỉ nên để 02 chỉ tiêu cứng thi hành xong về việc và về tiền, còn lại bổ sung vào chỉ tiêu khác kiểm tra và công tác cán bộ là chỉ tiêu cứng; có vụ việc yếu tố nước ngoài tống đạt thời gian dài nên rất khó hoàn thành chỉ tiêu. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Xuyên Mộc phản ánh thực tế chỉ tiêu giảm việc và tiền chuyển kỳ sau hiện nay có gì đó không ổn, vì đối với việc có điều kiện làm may mắn trong năm thì giảm được nhưng nếu sang năm mới bán được tài sản thì mới đạt được chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau, kỳ báo cáo kết thúc năm trùng với Tòa án, thường thì chuyển nhiều án, do đó không nên quy định chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau.
Đồng chí Sơn Duy Oai, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang đề cập giải pháp tập trung kiểm tra các Chi cục và rà soát những vụ việc lớn để chỉ đạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của Chấp hành viên vì có trường hợp Chấp hành viên làm không hết việc, còn có hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, công tác dân vận, tiếp xúc với người dân; tăng cường công tác phối hợp, nhất là với Tòa án trong giải quyết các vụ phá sản, với Ngân hàng trong thi hành án tín dụng ngân hàng. Tiêu chí xác định để giao chỉ tiêu là quan trọng và cần ổn định theo giai đoạn. Giao chỉ tiêu lấy trung bình 3 - 5 năm mới phát sinh làm cơ sở.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh với biện pháp tập trung các án lớn, muốn đạt chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau thì phải đạt chỉ tiêu thi hành xong, mặt khác phải giáo dục ý thức trách nhiệm của Chấp hành viên để hạn chế tư tưởng vụ việc dễ thì làm việc khó thì để lại sẽ rất khó giảm chuyển kỳ sau; biện pháp điều động, biệt phái Chấp hành viên trong nội bộ ngành để thi hành án ở những nơi nhiều án, án lớn. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau cũng cho rằng giao chỉ tiêu giảm kỳ sau không phù hợp, thường tăng kỳ sau ở giai đoạn cuối năm. Đồng chí Nguyễn Văn Triệu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước cho rằng vấn đề cơ bản nhất là người phải thi hành án có điều kiện hay không và có bán được tài sản hay không. Không ai mua thì mời bên được thi hành án lên để giao tài sản. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre nhận định giao chỉ tiêu phải là động lực tránh là áp lực cho cơ quan thi hành án dân sự, nên trở về 02 chỉ tiêu và tập trung phân loại án có điều kiện hay chưa có điều kiện, loại hoãn, tạm đình chỉ không nên đưa vào chỉ tiêu. Chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau là bất cập.
Đồng chí Lê Trọng Nguyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương là án từ 2017 trở về trước đã rà soát để xử lý nên có thể đạt được chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau. Tuy nhiên, án tín dụng ngân hàng là khó. Đối với chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau nên theo phương án 1 theo dự thảo, nhưng khi phân tích thì dường như không ổn. Đối với phần chỉ tiêu chung tại sao không giao cao hơn. Căn cứ về thời gian, trình tự, thủ tục thi hành án (ví dụ án hoàn trả phải xong 100% phải trong thời hạn bao nhiêu bán tài sản bao nhiêu; chậm xác minh thì bao nhiêu.v.v); chỉ tiêu vướng mắc do khách quan thì trong vòng bao nhiêu phải báo cáo. Thay vì giao 02 chỉ tiêu về việc về tiền bằng việc chia nhỏ ra. Đề xuất cần xây dựng đề án để đánh giá bộ chỉ tiêu đã giao, một số chỉ tiêu không cần giao như giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Buổi chiều cùng ngày 11/5/2018, các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Nội dung thảo luận góp ý đã tập trung rất nhiều vào vấn đề xác định chỉ tiêu chưa có điều kiện thi hành với có điều kiện thi hành; việc thi hành xong, tiền thi hành xong; cách tính tỉ lệ thi hành xong; chỉ tiêu giảm số việc, tiền có điều kiện chuyển kỳ sau.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam đánh giá cao sự cần thiết tổ chức buổi tọa đàm, sự cần thiết phải duy trì chỉ tiêu thi hành án; tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ nhưng điều chỉnh thì phải có cơ sở lý luận; điều chỉnh, bổ sung các điều kiện để thực hiện chỉ tiêu như thể chế, quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục và Cục công tác phía Nam, với mục đích, yêu cầu rất quan trọng.
Về nội dung tọa đàm có nhiều vấn đề rất khó, nhất là thống kê thi hành án dân sự; vấn đề giao chỉ tiêu nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; người thực hiện chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của người quản lý. Ngoài những vấn đề Ban tổ chức tọa đàm gợi ý, các đại biểu đã đề cập khá toàn diện nhưng cũng chọn ra những vấn đề quan trọng để thảo luận. Đề nghị 25 địa phương nếu đã có văn bản góp ý kiến rồi thì gửi, kể cả gửi bổ sung, nếu chưa có thì chỉnh lý gửi về Tổng cục. Tổ soạn thảo tổng hợp các ý kiến, nhóm thành vấn đề và báo cáo Lãnh đạo Tổng cục, nội dung nào tiếp thu hay giải trình cho rõ và lưu ý tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự.
Tọa đàm đạt được mục đích giúp các Cục Thi hành án dân sự trong Khu vực phía Nam có điều kiện trao đổi, thảo luận và đánh giá việc triển khai thực hiện chỉ tiêu thi hành án dân sự; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác thi hành án dân sự; phát hiện và nhân rộng những giải pháp hợp lý để các địa phương tham khảo, vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Qua đó, giúp Tổng cục thi hành án dân sự có thêm cơ sở dữ liệu để tổng hợp, đánh giá và tìm được các phương pháp giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự đúng với tính chất của hoạt động tổ chức thi hành án, đảm bảo tính chính xác, công bằng và khả thi hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để Tổng cục Thi hành án dân sự lấy ý kiến của địa phương phục vụ cho việc xây dụng Thông tư của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê trong thi hành án dân sự.
Lê Tuấn