Tại buổi làm việc với Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ), ông Marc Schmitz, chủ tịch Hiệp hội đã dành thời gian trao đổi với Đoàn về tổ chức UIHJ. Theo đó, hiện nay UIHJ có 93 thành viên trên toàn thế giới. Tại châu Á có các quốc gia như Thái Lan, Kazakstan, Dubai, Mông Cổ… UIHJ là đại diện cho các thành viên tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế và bảo đảm sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Hiệp hội hỗ trợ các thành viên cải thiện hệ thống pháp luật về thủ tục thi hành án, tăng cường sự hài hoà giữa pháp luật quốc gia với các hiệp định quốc tế liên quan cũng như nỗ lực làm sâu sắc hơn những ý tưởng, dự án và sáng kiến nhằm giúp nâng cao vị thế và sự độc lập của chức danh thi hành án trong mối quan hệ với các chức danh tư pháp khác. Đặc biệt, UIHJ rất chú trọng hỗ trợ về mặt chuyên môn cho những người làm công tác thi hành án, thực thi các bản án, quyết định của tòa án qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo và các khoá đào tạo chuyên sâu. UIHJ cũng đã ban hành Bộ luật toàn cầu về thi hành án (Global Code of Enforcement). UIHJ coi đây là Bộ luật mẫu quốc tế với sự chọn lọc các quy định chung về thi hành án dân sự từ các quốc gia để trở thành các chuẩn mực chung để các thành viên tham khảo.
Tại buổi làm việc với Hội đồng quốc các chức danh tư pháp Cộng hoà Pháp, ông Patrick Safar – Phó Chủ tịch Hội đồng và ông Gerard Suissa – Thừa phát lại đã giới thiệu và trao đổi với Đoàn về cơ cấu tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ của Hội đồng Quốc gia các chức danh tư pháp Pháp. Đặc biệt, Đoàn đã trao đổi, thảo luận sâu, cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự tại Cộng hòa Pháp; thủ tục kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản là động sản và bất động sản tại Pháp; kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại; mối quan hệ giữa thừa phát lại và tòa án, Bộ Tư pháp và các chức danh tư pháp khác.
Trong chuyến công tác, Đoàn công tác của Tổng cục cũng đã đến làm việc và nghiên cứu trực tiếp với Văn phòng thừa phát lại tại Paris. Tại đây Đoàn đã trao đổi với các thừa phát lại về hoạt động thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, án chưa có điều kiện thi hành và hồ sơ thi hành án. Đoàn cũng đã đến thăm nhà bảo tàng về thừa phát lại - nơi lưu trữ nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến công tác thừa phát lại, thi hành án dân sự của Cộng hoà Pháp.
Tại buổi làm việc với UIHJ, Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội với Tổng cục Thi hành án dân sự trong nhiều năm qua. Bày tỏ sự cảm ơn đối với sự hỗ trợ của Hiệp hội đã dành cho Bộ Tư pháp, Tổng cục trong thời gian gần đây bằng việc thường xuyên mời đại diện Bộ Tư pháp, Tổng cục tham dự các hội thảo chuyên môn, hội nghị thường niên về công tác thi hành án dân sự mặc dù Việt Nam chưa phải là thành viên của tổ chức này. Mục đích của chuyến công tác là nhằm trực tiếp trao đổi, nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của Hiệp hội; chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn tổ chức, hoạt động, ảnh hưởng của tổ chức UIHJ đối với các quốc gia thành viên; các điều kiện để trở thành thành viên của UIHJ; quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên.
Tại Bỉ, Đoàn đã đến làm việc với Hội đồng quốc gia các chức danh Tư pháp Vương quốc Bỉ. Ông Frank Maryns - Chủ tịch Hội đồng và ông Patrick Gielen, cố vấn các vấn đề quốc tế đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng quốc gia các chức danh tư pháp Vương quốc Bỉ.
Tương tự như ở Pháp, người làm công tác thi hành án dân sự ở Bỉ được nhà nước trao quyền và được nhà Vua Bỉ bổ nhiệm. Công tác thi hành án dân sự do thừa phát lại thực hiện và được tổ chức theo 2 cấp: Hội đồng thừa phát lại quốc gia và Văn phòng thừa phát lại tại 12 địa hạt trong toàn Vương quốc. Tại các buổi làm việc, đoàn đã trao đổi sâu về quy trình, thủ tục thi hành án dân sự; vấn đề kê biên, phát mại, định giá, bán đấu giá tài sản là động sản và bất động sản; vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự. Đặc biệt, tại Văn phòng Thừa phát lại Modoro khu vực Brussels, đoàn đã được giới thiệu, trao đổi và tìm hiểu sâu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình thi hành án dân sự từ khâu tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, nộp tiền thi hành án…; các biểu mẫu trong hoạt động thi hành án dân sự được số hóa chi tiết trên môi trường kỹ thuật số, điện tử.
Phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng quốc gia các chức danh Tư pháp Vương quốc Bỉ, Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao hoạt động thi hành án dân sự của Vương quốc Bỉ, đặc biệt vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình thi hành án dân sự. Đây là mô hình Việt Nam cần học tập và ứng dụng trong thực tiễn thi hành án dân sự của Việt Nam.
Lê Thị Thu Hiền, Phó Chánh văn phòng Tổng cục