Bộ Tư pháp xây dựng đề án thực hiện thí điểm thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh

17/12/2008
Hiến pháp Việt Nam 1992 đã có những quy định mang tính nguyên tắc đặt nền tảng cơ sở cho việc triển khai công tác xã hội hoá trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: Nhà nước bảo đảm và không ngừng pháp huy quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân; công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội…


Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá trong nhiều lĩnh vực, đối với hoạt động tư pháp, Nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ rõ: "Hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này có thể được Nhà nước uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ, cung cấp một số dịch vụ cùng với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó Nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn".

Chủ trương xã hội hoá các hoạt động tư pháp tiếp tục được đề cập trong các văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình … từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”; "Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Thực hiện các Nghị quyết trên của Đảng, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 05-KH/CCTP ngày 22/02/2006, trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ của công tác xã hội hoá trong lĩnh vực thi hành án dân sự đó là "Nghiên cứu mô hình tổ chức Thừa phát lại, trước mắt tổ chức thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh".

Như vậy, Đảng ta đã đề ra chủ trương xã hội hoá một số công việc thi hành án dân sự được coi là một trong những giải pháp để góp phần giảm án dân sự tồn đọng, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ thi hành án. Nội dung chủ yếu của xã hội hoá các hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động thi hành án dân sự nói riêng đó là đối với hoạt động tố tụng, phải phát triển các loại hình dịch vụ để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với hoạt động thi hành án, việc xã hội hoá tập trung ở hoạt động thi hành án dân sự mà trọng tâm là giao cho cá nhân, tổ chức phi Nhà nước thực hiện một số công việc về thi hành án. Thừa phát lại là tổ chức để thực hiện các công việc đó.

Để đưa chủ trương xã hội hoá công tác thi hành án dân sự vào thực tiễn cuộc sống, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành tư pháp triển khai Nghị quyết số 49- NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành theo Quyết định số 1325/QĐ-BTP ngày 25/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) xác định việc triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố là một nội dung quan trọng của ngành Tư pháp từ nay đến năm 2010 và các năm tiếp theo.

Thực hiện chương trình hành động này của ngành tư pháp, hiện nay Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung dự thảo Đề án về cơ bản đã được hoàn thiện bao gồm 4 phần chính đó là: Khái quát về chế định Thừa phát lại; sự cần thiết thực hiện Đề án và quá trình, phương pháp xây dựng Đề án; mục tiêu, mô hình tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức thực hiện. Trong đó một số nội dung của Đề án còn đang có nhiều ý kiến khác nhau như tên gọi của tổ chức này là Thừa phát lại, Thừa hành viên hay Chấp hành viên tư; phạm vi công việc Thừa phát lại thực hiện[1]; quy trình, thủ tục thi hành án của Thừa phát lại; hoạt động của Thừa phát lại có cần sự kiểm sát của các cơ quan chức năng hay không; mô hình tổ chức của Thừa phát lại; tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại, v.v...

Vừa qua, cùng với việc thông qua Luật thi hành án dân sự, Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2008 cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật thi hành án dân sự với đa số phiếu tán thành đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009) đến ngày 01/7/2012. Từ kết quả thí điểm, Chính phủ tổng kết, đánh giá thực tiễn, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại ở Việt Nam. Hy vọng rằng sau khi Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại được ban hành sẽ phát huy được tác dụng và ý nghĩa điều chỉnh của nó trong việc tạo thuận lợi cho nhân dân trong quá trình thực hiện và giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế và thi hành án; là giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng, là một cách giảm tải cho hoạt động của Toà án, Thi hành án đồng thời cũng là một bước đi để bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tố tụng và thi hành án. Hơn nữa, nếu nhìn từ góc độ kinh tế thì tổ chức Thừa phát lại nếu được thành lập sẽ góp phần giảm gánh nặng về biên chế và giảm chi cho ngân sách nhà nước./.

 N.V.N
 

[1]Một trong những nội dung liên quan đến phạm vi công việc mà Thừa phát lại thực hiện, theo dự thảo Đề án hiện đang còn ba ý kiến khác nhau, Phương án 1: Thừa phát lại thực hiện một số công việc có tính chất bổ trợ cho việc thi hành án (như xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt quyết định, giấy tờ về thi hành án) và trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc về thi hành án theo yêu cầu của đương sự, kể cả các việc ra quyết định và áp dụng biện pháp cưỡng chế; phương án 2: Thừa phát lại thực hiện một số công việc có tính chất bổ trợ cho việc thi hành án (như xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt quyết định, giấy tờ về thi hành án) và trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc về thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Đối với những vụ việc cần thiết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, thì Thừa phát lại đề nghị Trưởng Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế; phương án 3: Thừa phát lại thực hiện một số công việc có tính chất bổ trợ cho việc thi hành án (như xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt quyết định, giấy tờ về thi hành án) và trực tiếp thi hành một số vụ việc đơn giản, không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo yêu cầu của đương sự.