Xin nêu ra ví dụ cụ thể và phân tích như sau:
Bản án số 01/2016/DSST ngày 02/02/2016 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh H xét xử vụ việc kiện đòi tài sản giữa:
Nguyên đơn: bà Lê Thị T.
Bị đơn: Vợ chồng ông Tiêu Văn Th và bà Bùi Thị H.
Cùng có địa chỉ tại thôn T, xã TH, huyện K, tỉnh H.
Nội dung quyết định:
“ Buộc ông Tiêu Văn Th và bà Bùi Thị H phải trả cho bà Lê Thị T số tiền nợ gốc là 279.594.333 đ, tiền lãi 35.457.970 đ. Tổng cộng là 315.052.303 đ.
Án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án dân sự có đơn yêu cầu thi hành khoản tiền trên, người phải thi hành án dân sự không thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.”
Ngoài ra, bản án còn xác định nghĩa vụ án phí dân sự và hoàn trả tạm ứng án phí.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Lê Thị T có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện K.
Căn cứ đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục THADS huyện K đã ban hành Quyết định thi hành án số 395/QĐ-CCTHADS ngày 21/4/2016 cho thi hành khoản ông Tiêu Văn Th và bà Bùi Thị H phải trả cho bà Lê Thị T số tiền tổng cộng 315.052.303đ cùng với lãi suất chậm thi hành án kể từ ngày 14/4/2016, đồng thời phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Sau khi được phân công, Chấp hành viên đã thực hiện việc thông báo Quyết định thi hành án cho các đương sự, giải thích rõ thời gian tự nguyện thi hành án đối với người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
Hết thời gian tự nguyện, người phải thi hành án không thực hiện được nghĩa vụ của mình, Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, kết quả cụ thể như sau:
Vợ chồng ông Tiêu Văn Th đang sử dụng nhà, đất tại thôn T, xã TH, huyện K. Xác minh cụ thể tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện K thấy rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U092018 ngày 06/6/2004 cấp cho ông Tiêu Văn Th được sử dụng 864m2 đất ở tại thôn T, xã TH, huyện K.
Sau khi đã thu được kết quả xác minh, Chấp hành viên tiến hành các thủ tục tiến tới kê biên, xử lý quyền sử dụng đất nêu trên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ của ông Tiêu Văn T, bà Bùi Thị H. Tuy nhiên, qua thu thập, nắm bắt thông tin tại cơ sở, một số người là con của ông Tiêu Văn Th cho rằng diện tích đất trên không phải chỉ thuộc quyền sử dụng của ông Tiêu Văn Th mà là bao gồm cả của các con ông Th vì lý do, ông Tiêu Văn Th cùng với bà Đinh Thị Nh là vợ chồng có 05 người con chung, năm 2000, bà Đinh Thị Nh chết, năm 2004, ông Tiêu Văn Th đứng ra kê khai làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Tiêu Văn Th như đã nêu ở trên. Đến năm 2010, ông Tiêu Văn Th kết hôn với bà Bùi Thị H, vợ chồng cùng nhau làm ăn và phát sinh việc vay nợ như bản án đã tuyên.
Đến đây, việc xác định kê biên quyển sử dụng đất có hai quan điểm trái ngược nhau:
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được UBND huyện K cấp cho ông Tiêu Văn Th, có đủ cơ sở xác định diện tích đất 864m2 thuộc quyền sử dụng của ông Tiêu Văn Th và như vậy có thể bị kê biên, xử lý để thi hành án đối với ông Tiêu Văn Th và bà Bùi Thị H. Trong quá trình kê biên, xử lý tài sản, chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề tranh chấp với các con của Tiêu Văn Th, bà Đinh Thị Nh và khi đó, Chấp hành viên căn cứ khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự để hướng dẫn cho đương sự, người có tranh chấp để họ khởi kiện tại Tòa án yêu cầu xác định quyền sở hữu theo quy định của Luật dân sự và tố tụng dân sự.
Quan điểm thứ hai: Khi có ý kiến của các con ông Tiêu Văn Th, bà Đinh Thị Nh, Chấp hành viên cần tập trung xác minh, làm rõ nguồn gốc quyền sử dụng đất đã được cấp đứng tên ông Tiêu Văn Th, đồng thời xác định đây là tài sản chung của ông Tiêu Văn Th và bà Đinh Thị Nh. Như vậy, khi bà Nh chết, phần quyền sở hữu của bà được xác định là di sản thừa kế và chia cho những người thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự. Trong trường hợp này, trước khi kê biên, Chấp hành viên cần căn cứ khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để xác định các đối tượng thuộc diện thừa kế của bà Đinh Thị Nh, đồng thời thông báo cho họ để họ thỏa thuận phân chia tài sản hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cả hai quan điểm nêu trên đều có điểm chung là việc xử lý quyền sử dụng đất phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, điểm khác nhau căn bản là nếu như ở quan điểm thứ nhất, Chấp hành viên có thể kê biên quyền sử dụng đất trước, sau đó thông báo để những người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án thì ở quan điểm thứ hai, Chấp hành viên phải thông báo cho những người có liên quan để họ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nhằm xác định rõ phần quyền sở hữu của từng người làm cơ sở Chấp hành viên kê biên, xử lý.
Trên thực tế, nếu thực hiện theo quan điểm thứ nhất sẽ gặp phải sự phản ứng rất gay gắt của những người có liên quan là con của ông Tiêu Văn Th, bởi lẽ, một phần quyền sử dụng đất là do bà Đinh Thị Nh để lại, họ chỉ biết rằng đây là tài sản thừa kế chưa chia, cơ quan thi hành án không thể kê biên tất cả rồi sau đó mới thông báo để họ khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định. Trước mắt, họ yêu cầu cơ quan thi hành án không được kê biên nhưng họ cũng không thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nếu thực hiện theo quan điểm thứ hai, tuy không gặp phải sự phản ứng từ những người có liên quan, nhưng lại gặp phải vướng mắc từ phía các quy định của pháp luật. Cụ thể:
Theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định: “ Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.”
Thực hiện theo đúng quy định nêu trên, sau khi hết thời hạn, người phải thi hành án là ông Tiêu Văn Th cùng với các con ông Th không thỏa thuận phân chia và cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết, Chấp hành viên đã thông báo cho người được thi hành án là bà Lê Thị T yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, khi bà Lê Thị T có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án giải thích vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 633 và Điều 645 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm, kể từ ngày bà Đinh Thị Nh chết. Trong trường hợp này, bà Đinh Thị Nh đã chết từ năm 2000, như vậy là đã hết thời hiệu nên Tòa án không thụ lý, giải quyết.
Nếu chỉ dừng lại ở đây, việc xác định phần quyền sử dụng của ông Tiêu Văn Th trong diện tích đất 864m2 là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Về phía bà Lê Thị T, sau khi được Tòa án trả lời, bà T có ý kiến và đề nghị Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sử dụng đất của ông Th trong diện tích đất trên để làm cơ sở thi hành nghĩa vụ đối với bà.
Xét thấy đề nghị của bà Lê Thị T, sau khi hết 15 ngày kể từ ngày thông báo cho bà Lê Thị T, Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sử dụng đất của ông Tiêu Văn Th, tại văn bản đề nghị, Chấp hành viên viện dẫn quy định tại điểm a khoản 2.4 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.
“ 2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.”
Mặc dù quy định như trên hướng tới việc tôn trọng sự thỏa thuận và quyền lợi thực tế của những người thừa kế bằng việc không áp dụng thời hiệu về thừa kế để giải quyết, tuy nhiên vẫn có quy định ràng buộc là “các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.”
Áp dụng vào trường hợp cụ thể như trên, bản thân ông Tiêu Văn Th không muốn xác định phần sử dụng của mình trong khối tài sản chung để thi hành án, các con của ông Th cũng không có bất kỳ ý kiến nào bằng văn bản về việc xác nhận đồng thừa kế hay thừa nhận di sản do bà Nh để lại chưa chia nên việc áp dụng quy định của Nghị quyết đã nêu ở trên vẫn chưa thực sự đầy đủ cơ sở.
Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản. Như vậy mới có đủ cơ sở để yêu cầu Tòa án thụ lý, giải quyết việc xác định phần quyền sử dụng của từng người trong tài sản chung là diện tích đất 864m2 đất để đảm bảo thi hành án đối với ông Tiêu Văn Th, bà Bùi Thị H.
Trên đây là ví dụ thực tế và phân tích về việc áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về thừa kế để giải quyết một vụ việc thi hành án. Qua đó thấy rõ để giải quyết một việc thi hành án, bên cạnh các quy định của pháp luật chuyên ngành, việc nắm rõ các quy định có liên quan là một yêu cầu hết sức quan trọng.
Lương Thanh Tùng
Chi cục THADS huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương