Ngày 21/9/2016, Tòa án quận 2 đã xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa ông Đinh Văn Thành và bà Trương Thị Lệ, Tòa án quận 2 áp dụng Điều 34 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 tuyên hủy quyết định cưỡng chế kê biên căn nhà trên của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 và công nhận căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông Thành...”. Sau khi Tòa án quận 2 xét xử thì có nhiều ý kiến khác nhau về việc Tòa án có quyền hủy quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự hay không?
Quan điểm của tác giả về việc Tòa án hủy quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự:
Thứ nhất, về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế kê biên của cơ quan thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành án đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự (bao gồm cả biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án) để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của người phải thi hành án theo phán quyết của Tòa án.
Mặt khác, nhằm hạn chế người phải thi hành án tẩu tán tài sản, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định:
“Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” [1].
Trong trường hợp trên do bà Trương Thị Lệ đã chuyển nhượng tài sản duy nhất của mình cho ông Đinh Văn Thành sau thời điểm có bản án sơ thẩm và không dùng khoản tiền thu được để thi hành án thì Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 có quyền “kê biên” tài sản đó.
Như vậy, có thể khẳng định Quyết định kê biên tài sản trên của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 được ban hành đúng quy định pháp luật và đúng thẩm quyền. Việc Tòa án quận 2 hủy “quyết định kê biên” nêu trên của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 là trái các quy định về pháp luật thi hành án dân sự.
Thứ hai, về việc xác định quyết định kê biên là quyết định hành chính và được giải quyết theo luật tố tụng dân sự hay không ?
Quá trình tổ chức thi hành án là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng để đảm bảo “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” theo quy định tại Điều 106 Hiến pháp. Vì vậy, mọi hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án đều chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thi hành án dân sự. Trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hoạt động tổ chức thi hành án nếu phát hiện hành vi vi phạm, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị và kháng nghị yêu cầu Chấp hành viên hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khắc phục các sai sót, vi phạm của mình. Do đó, có thể khẳng định quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự không phải là quyết định hành chính.
Mặt khác, tại khoản 12 và khoản 13 Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:
“12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”
Như vậy, có thể khẳng định quyết định cưỡng chế kê biên không phải là đối tượng để Tòa án thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính.
Thứ ba, thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp quyền sở hữu và hậu quả pháp lý
Theo quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì “
Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của Toà án, cơ quan có thẩm quyền.” Mặt khác, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành trong trường hợp: “
Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết”
Do đó, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án đã chuyển nhượng cho người khác mà bị kê biên và có tranh chấp thì chỉ được xử lý tài sản khi đã có quyết định của Tòa án, cụ thể:
(i)Trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa người phải thi hành án và người thứ ba là vô hiệu (hoặc tuyên tài sản đó vẫn thuộc quyển sử dung, sở hữu của người phải thi hành án) thì cơ quan thi hành án tiếp tục xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
(ii) Trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa người phải thi hành án và người thứ ba là có hiệu lực (hoặc người thứ ba là chủ sở hữu tài sản) thì cơ quan thi hành án ra căn cứ vào Điều 37 Luật Thi hành án dân sự thu hồi quyết định cưỡng chế kê biên và Điều 105 Luật Thi hành án dân sự giải tỏa việc kê biên và trả lại tài sản cho người thứ ba (chủ sở hữu tài sản).
Từ những phân tích ở trên quan điểm cá nhân tác giả cho rằng việc Tòa án quận 2 trong quá trình xét xử tranh chấp về quyền sử dụng, sở hữu tài sản giữa ông Đinh Văn Thành và bàTrương Thị Lệ lại áp dụng Điều 34 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 để hủy quyết định kê biên của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 là vượt quá thẩm quyền và vi phạm thủ tục tố tụng.
Văn Thị Tâm Hồng