Vài cảm nhận qua thực tiễn xử lý tài sản sau khi cưỡng chế kê biên

05/04/2018
Trong hoạt động thi hành án dân sự, các bên đương sự có quyền tự định đoạt, thỏa thuận nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được bản án, quyết định của Tòa án ghi nhận. Quyền tự định đoạt cũng như nội dung, phương thức thỏa thuận đó của đương sự phải tuân thủ quy định pháp luật và không được trái với đạo đức xã hội hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích của bên thứ ba.


Quyền và nghĩa vụ của công dân luôn được pháp luật bảo vệ
Chính vì thế, Hiến pháp và pháp luật quy định khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành thì mọi người đều phải tuân thủ chấp hành. Còn pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) vẫn đảm bảo được các quyền của công dân như người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền và và nghĩa vụ liên quan được các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 7, 7a, 7b Luật THADS như quyền được cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án, quyền được thông báo về thi hành án, quyền thỏa thuận, từ chối yêu cầu thi hành án…và người phải thi hành án được quyền tự nguyện thi hành trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án trừ trường hợp án dụng các biện pháp bảo đảm, khẩn cấp tạm thời…(Điều 45 Luật THADS). Bên cạnh các quyền cũng phải thực hiện nghĩa vụ khi không tự nguyện thi hành mà có đủ điều kiện thi hành thì đương nhiên phải bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo Điều 71 Luật THADS.
Những khó khăn khi xử lý tài sản sau khi cưỡng chế kê biên
Trong sáu biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, biện pháp kê biên, xử lý tài sản (khoản 3 Điều 71 Luật THADS) được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, giai đoạn tiến hành kê biên tài sản thường gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Có thể nói cưỡng chế kê biên xong là chiếm được tỉ lệ hơn 50% giai đoạn của quá trình thi hành án. Nhưng cưỡng chế kê biên được rồi, xử lý tài sản lại là vấn đề phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn, có khi không xử lý được tài sản. Nhất là, trong thời điểm gặp nhiều thiên tai, lũ lụt và tình hình kinh tế gặp khó khăn thì vấn đề xử lý tài sản, (nhà ở, đất đai, quyền sở hữu công trình, tàu thuyền…) rất chậm và ít có người mua. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến không xử lý được tài sản sau khi đã hoàn tất giai đoạn cưỡng chế kê biên.
Xoay quanh vấn đề này, tác giả bài viết muốn nêu lên một số trường hợp mà trong thực tế thi hành án dân sự gặp phải và rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Có những trường hợp sau khi kê biên nhà ở (tài sản thế chấp Ngân hàng), và tiến hành định giá theo quy định pháp luật và được ủy quyền cho tổ chức có chức năng dịch vụ bán đấu giá để bán công khai, đã thông báo bán nhiều lần nhưng không có cá nhân, tổ chức nào đến hỏi thăm.  Tiếp tục xử lý theo hướng giảm giá theo quy định (Điều 104 Luật THADS) có vụ việc giảm giá đến lần thứ 15 vẫn không người đăng ký mua, có những tài sản giảm giá đến mức gần bằng chi phí cưỡng chế vẫn không xứ lý được và thường rơi vào những tài sản có chức năng sản xuất duy chuyền cơ khí đã lỗi thời…
Có những trường hợp, kê biên tàu - thuyền của người phải thi hành án vùng ven biển, đó là những động sản đặc biệt luôn lênh đênh trên biển. Khi tiến hành kê biên được một chiếc tàu - thuyền là vô cùng khó khăn, còn việc giao bảo quản cũng khó, ít có cá nhân, tổ chức nào muốn nhận bảo quản. Họ ngại rằng, những tài sản đó luôn ở trên mặt nước, nếu chưa kịp xử lý mà gặp mùa mưa bão tài sản hư hỏng, trách nhiệm sẽ ra sao?. Cho nên, từ việc kê biên, bảo quản, xử lý tài sản khó khăn, phức tạp hơn những tài sản khác. Song những người dân ở vùng biển cuộc sống kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập của họ phụ thuộc vào nghề “Chim trời cá nước”. Do đó, khó xác định được thu nhập ổn định để thi hành án mà chỉ việc tiến hành kê biên tài sản - Tàu thuyền đánh cá vừa là tài sản chính vừa phương tiện phục vụ thiết yếu của cả gia đình họ. Chính vì thế, khi cơ quan thi hành án tiến hành kê biên Tàu thuyền phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án. Kê biên được rồi, xử lý bán tài sản càng khó khăn hơn. Một phần, người có nhu cầu muốn mua quan niệm rằng: “Tài sản  bị cưỡng chế kê biên thì làm ăn không được may mắn, có đi đánh bắt cá cũng không hiệu quả...” Thế là, tin gần đồn xa không có người muốn đăng ký mua. Mặt khác, thời gian qua nghề đánh bắt cá ít hiệu quả, thường xuyên thua lỗ, xăng dầu lên giá bất thường, việc bán đấu giá tàu thuyền cũng rất chậm, rất ít người mua cho dù qua nhiều lần giảm giá.
Bên cạnh đó thì bên được thi hành án không chịu nhận tài sản để khấu trừ (đặt biệt là Ngân hàng). Có trường hợp bên được thi hành án nhận thì gặp rắc rối do bên phải thi hành án không chịu giao, buộc phải cưỡng chế lần nữa... Nhìn chung, trong thực tiễn thi hành án gặp phải vô vàn khó khăn và không chỉ phức tạp trong quá trình cưỡng chế kê biên tài sản mà còn vướng mắc hơn ở giai đoạn xử lý tài sản và tài sản không bán được. 
Một vấn đề khó khăn nữa là tài sản giảm giá gần bằng chi phí cưỡng chế, thông báo bán đấu giá và cuối cùng giao trả lại tài sản kê biên ban đầu cho người có tài sản… các khoản chi phí đó có vụ việc hơn 20 triệu đồng và Ngân sách nhà nước phải chịu những khoản này cũng khó khăn hơn cho nhà nước và cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, trường hợp thế này cũng rơi vào số ít nhưng nói lên để thấy được cái khó và áp lực cho cơ quan thi hành án, đội ngũ Chấp hành viên.  
Cần hoàn thiện về  pháp luật THADS hơn nữa
Hy vọng, với chính sách đổi mới của Chính phủ và mong muốn có sự ra đời của Bộ luật thi hành án sẽ tác động tích cực và góp phần nâng cao hiệu quả hơn trong công tác thi hành án dân sự, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước, công dân và tổ chức, bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án đã ban hành. Đồng thời, góp phần thực hiện nghiêm kỷ cương, phép nước và nâng cao hơn vai trò nhiệm vụ của người thực hiện công tác thi hành án dân sự.           
Lê Lanh