Thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai - Thực trạng và giải pháp

04/01/2019
Án liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng hiện nay đang là vấn đề được xã hội quan tâm, báo chí và truyền thông thường xuyên đề cập đến. Thực chất thì nợ xấu tại các Ngân hàng, tổ chức tín dụng không phải mới phát sinh trong những năm gần đây mà đã tích tụ từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, hiện nay khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trên địa bàn tỉnh tình hình các mặt hàng nông sản liên tục mất mùa, mất giá thì cũng là lúc nợ xấu diễn ra trên quy mô lớn. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để xử lý triệt để nợ xấu - một trong những tác nhân lớn gây bất ổn kinh tế vĩ mô của nước ta nói chung và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu giảm nợ xấu, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, tập trung các giải pháp để giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Trong phạm vi nội dung của bài viết này nêu lên một số kết quả công tác thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng trong năm 2018; tập trung phân tích khó khăn, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp để các cơ quan thi hành án và các ngành liên quan tham khảo để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.   
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thực hiện rà soát án liên quan đến tín dụng ngân hàng, tập trung các biện pháp, xây dựng kế hoạch, mời đại diện các tổ chức tín dụng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cùng dự để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức thi hành dứt điểm từng vụ việc (như vụ Công ty Lâm Thịnh - An Khê, vụ Công ty Anh Nhật Pháp); đối với những vụ việc phức tạp, khó thi hành thì kịp thời tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi hành án, Tổng cục Thi hành án dân sự để được chỉ đạo biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
Năm 2018, số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải giải quyết là 422 việc, tương ứng với số tiền là 500.657.707 ngàn  đồng (chiếm 3% về việc và 45% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả: trong đó đã giải quyết được 61 việc thu được số tiền là 75.753.319 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 14,45% về việc và 15,13% về tiền. Như vậy, kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng năm 2018 đạt được là rất thấp.
Kết quả trên cho thấy việc thi hành án dân sự liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc: Trong quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, một số cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng trên địa bàn còn chưa thực sự tích cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án và các tổ chức tín dụng tại một số địa bàn chưa quan tâm đến việc xử lý nợ xấu. Do đó, tuy số việc, số tiền đã thi hành xong tăng hơn nhiều lần so với năm trước nhưng kết quả thi hành án xong đạt tỷ lệ 14,45% về việc và 15,13% về tiền so với tổng số việc, số tiền đã thụ lý liên quan đến án tín dụng ngân hàng còn thấp so với yêu cầu, nhất là về tiền. Số vụ việc và số tiền còn phải thi hành chưa có kết quả vẫn còn nhiều 361 việc tương ứng với số tiền là 424 tỷ 903 triệu 751 nghìn đồng đang được các cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật. Trong đó, có một số ngân hàng thương mại lớn như: Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Gia Lai; Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Gia Lai (BIDV); Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Gia Lai... Trong đó có rất nhiều số việc đã kê biên tài sản nhưng chưa bán được, không có người mua sau nhiều lần giảm giá...
Mặc dù số việc phải thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số việc phải thi hành án (chiếm 3%), nhưng số tiền trong các án tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ rất cao trong số tiền phải tổ chức thi hành án (chiếm 45%). Hơn nữa, số việc và nhất là số tiền thi hành án đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng tăng nhiều so với cùng kỳ, đã tạo ra áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự.
Ngoài ra, một trong những khó khăn khi thi hành án các vụ việc tín dụng, ngân hàng là do hầu hết các vụ việc loại này đều liên quan đến bất động sản hoặc động sản có đăng ký, nhất là các loại đất liên quan đến sản xuất, trồng các loại cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su... Mặc dù, thị trường bất động sản ở Gia Lai có dấu hiệu “ấm dần” - chủ yếu là đất ở, nhưng nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá rất khó bán, nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua; mùa mưa kéo dài dẫn đến cây hồ tiêu chết hàng loạt, người phải thi hành án bỏ đi khỏi địa phương không xác định được địa chỉ, người dân không có nhu cầu mua lại đất để canh tác;…
Sở dĩ có những khó khăn vướng mắc nêu trên là do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu như: Về chủ quan, một số lãnh đạo đơn vị thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm sát sao, chưa có biện pháp chỉ đạo thực sự quyết liệt, toàn diện đối với công tác xử lý nợ xấu; tinh thần trách nhiệm của một số Chấp hành viên chưa cao trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cần thiết để thi hành dứt điểm những bản án, quyết định có điều kiện giải quyết; có trường hợp năng lực còn hạn chế, tổ chức thi hành án chậm. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng có hiện tượng đề nghị định giá tài sản lại nhiều lần, không tích cực tham gia xử lý dứt điểm tài sản vì không muốn bán tài sản với giá quá thấp sẽ ảnh hưởng đến giá trị khoản tiền bảo đảm của Ngân hang; trong quá trình tiến hành thủ tục thế chấp, cho vay, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng, ngân hàng không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc, giá trị tài sản; một tài sản được thế chấp cho nhiều nơi; nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, nhận thế chấp cả tài sản nằm trong quy hoạch; không làm tốt khâu thẩm định giá để cho vay nên cho vay cao hơn (có trường hợp cao gấp 3 lần) giá trị thực của tài sản... Hơn nữa, trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án, đặc biệt với loại việc công nhận hòa giải thành, tình trạng ranh giới, mốc giới bất động sản không chính xác, các công trình trên đất không phù hợp như lúc ký kết hợp đồng, dẫn đến giai đoạn thi hành án, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác thi hành án dân sự nhưng chưa chú trọng khâu phối hợp tích cực, chủ động với cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị hữu quan để tháo gỡ vướng mắc. Có trường hợp Ngân hàng chỉ nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, có trường hợp nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không hoặc nằm trong quy hoạch, hợp đồng thế chấp tài sản không chặt chẽ; giá trị tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực tế của tài sản; tài sản thế chấp là động sản nhưng khi xác minh thì tài sản không còn hoặc còn nhưng không đúng thực trạng ban đầu theo hồ sơ thế chấp nên rất khó xác định chủ sở hữu; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới nên khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh đo vẽ thì có sự chồng lấn quyền sử dụng đất của người phải thi hành án với người khác. Do đó, đến giai đoạn thi hành án, khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị rơi vào diện tích đất giải toả đền bù; việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
Về nguyên nhân khách quan: Tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh chuyển biến chậm, thị trường bất động sản trầm lắng nên nhiều tài sản đã kê biên đưa ra bán đấu giá nhiều lần, thậm chí có việc đến 25 lần nhưng chưa bán được. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn chưa cao; mặc dù việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh), nhưng do đương sự cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, chống đối quyết liệt, nhất là trường hợp xử lý tài sản bảo lãnh phải tổ chức cưỡng chế nên kéo dài thời gian. Tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án khá phổ biến, đòi hỏi cơ quan thi hành án dân sự mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh, giải quyết. Trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường người phải thi hành án đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách (như không nhận quyết định thi hành án, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án...). Tình trạng quá tải công việc của cơ quan thi hành án ngày càng nhiều, quá tải về số lượng vụ việc phải thi hành án nhưng biên chế không tăng mà lại giảm…
Để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nâng cao tỷ lệ kết quả thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng là rất cần thiết và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên trong phạm vi tỉnh Gia Lai, bản thân đề xuất một số giải pháp để các cơ quan liên quan tham khảo, trong đó cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; tăng cường mối quan hệ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai và các ngân hàng tín dụng theo Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự đã được ký kết giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai để xử lý các vấn đề vướng mắc, các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, nhất là các vụ án có giá trị lớn.
Thứ hai, tăng cường rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án phải chỉ đạo Chấp hành viên và Chi cục thi hành án tổ chức thi hành án dứt điểm.
Tập trung rà soát các vụ việc thi hành án, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết có hiệu quả đối với từng vấn đề còn vướng mắc liên quan đến giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; chấn chỉnh công tác báo cáo thống kê liên quan đến việc thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng, đảm bảo nắm bắt kịp thời, đúng lúc tình hình để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Xử lý nghiêm những cán bộ, Chấp hành viên có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian thi hành án, không xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai và các ngân hàng tín dụng trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về tín dụng, ngân hàng nhằm tìm ra các giải pháp hạn chế những rủi ro do việc kinh doanh từ khi ký kết hợp đồng tín dụng, trong việc nhận thế chấp cần cân nhắc nhận thế chấp cả tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiến hành rà soát các vụ việc thi hành án, lập kế hoạch để tổ chức thực hiện; xử lý các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra việc triển khai và thực hiện Quy chế phối hợp từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, chuẩn bị cho việc sơ kết, tổng kết hàng năm theo Quy chế. Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc rà soát và tổ chức thi hành án, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định pháp luật; kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc để được cùng tháo gỡ, giải quyết.
Thứ tư, trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành). Trong quá trình tổ chức thi hành án, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết thi hành án; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trường hợp tài sản không bán được, đề nghị ngân hàng và tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để đảm bảo thi hành án, vì hầu hết các vụ việc tồn đọng hiện nay đã kê biên, giảm giá nhiều lần không bán được. Mặt khác, cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng tín dụng ở Trung ương có hướng xử lý đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp đã chết, không có người thừa kế nghĩa vụ trả nợ.
Đào Trọng Giáp - Cục trưởng Cục THADS tỉnh