KẾT QUẢ THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ NĂM 2023 VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ NĂM 2024 CỦA HỆ THỐNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

27/12/2023


Thực hiện tinh giản biên chế (TGBC) năm 2023 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách TGBC (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 31/8/2020 và ngày 10/12/2020); Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về TGBC; trên cơ sở đề nghị TGBC năm 2023 của 24 đơn vị (Bạc Liêu, Bình Thuận, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hà Giang, Bắc Giang, Gia Lai, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Tiền Giang,, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Phú Yên, Cần Thơ, Bến Tre, Tổng cục THADS, Quảng Nam, Trà Vinh, Hải Dương) trong hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) với tổng số 34 trường hợp về hưu trước tuổi và 05 trường hợp thôi việc ngay. Tổng cục THADS đã rà soát, kiểm tra và phối hợp lấy ý kiến thẩm định của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp và Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp đối với các trường hợp đề nghị TGBC tại các đơn vị trong Hệ thống THADS.
1. Về tình hình thực hiện tinh giản biên chế
Hệ thống THADS đã xác định rõ mục tiêu quan trọng là từ năm 2022 – 2026 đạt tỷ lệ TGBC ít nhất 5% cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo đúng Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, trong đó kết luận:“Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện TGBC theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu TGBC giai đoạn 2022-2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu TGBC giai đoạn 2016 - 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026”.      
 Cùng với đó, Tổng cục THADS cũng đã kịp thời chỉ đạo triển khai các văn bản của Chính phủ và Bộ Nội vụ về chính sách TGBC đến các đơn vị trong hệ thống nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các đơn vị; đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới;  góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; giúp công chức, viên chức nhận thức rõ tinh thần mục đích, ý nghĩa, nội dung và có hành động thiết thực trong việc tham gia tinh gọn bộ máy, TGBC phù hợp với quy định cũng như tình hình thực tế; tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện TGBC; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị trong quá trình TGBC; xem kết quả thực hiện TGBC là tiêu chí thực hiện khen thưởng, kỷ luật.
Tổng cục THADS đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách TGBC, theo đó chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về TGBC. Tăng cường rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại vị trí việc làm theo tiêu chuẩn chức danh công chức; sắp xếp lại người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo hướng tinh gọn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đưa ra khỏi biên chế những trường hợp đủ điều kiện TGBC góp phần đối mới và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và năng lực làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.
2. Về số liệu kết quả thực hiện TGBC năm 2023
Trên cơ sở kiểm tra, rà soát và đề nghị thực hiện TGBC của các đơn vị trong Hệ thống THADS, Tổng cục THADS đã lập danh sách đối tượng và dự toán kinh phí TGBC; lấy ý kiến thẩm định và được sự nhất trí của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp về đối tượng TGBC; sự nhất trí của Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp về kinh phí thực hiện TGBC; báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt đối với 39 trường hợp, trong đó: 34 trường hợp về hưu trước tuổi và 05 trường hợp thôi việc ngay.
Các trường hợp công chức được TGBC từ tháng 01/2023 – 7/2023 đều thuộc một trong các trường hợp được TGBC theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách TGBC (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 31/8/2020 và ngày 10/12/2020).
Các trường hợp công chức được TGBC sau ngày 20/7/2023 đều thuộc một trong các trường hợp được TGBC theo quy định của Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về TGBC.
Các đơn vị trong Hệ thống THADS đã thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục TGBC bao gồm: tổ chức họp tập thể đơn vị; lập dự toán kinh phí và tờ trình cùng tài liệu khác kèm theo.
3. Kế hoạch thực hiện TGBC năm 2024
Thực hiện TGBC theo quy định của Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về chính sách TGBC; trên cơ sở mục tiêu TGBC giai đoạn 2022 – 2026, năm 2024, hệ thống THADS sẽ dự kiến thực hiện TGBC đối với 40 trường hợp.
          Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng công chức theo chỉ đạo của Đảng và nhà nước tạo tiền đề cho hệ thống THADS phát triển ổn định và bền vững.
          4. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác TGBC
Nhìn chung, việc xây dựng kế hoạch TGBC đã đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tinh giản tối thiểu 5% trên tỷ lệ biên chế giao đảm bảo đến năm 2026, đúng lộ trình và tiêu chí đề ra. Việc quản lý biên chế công chức trong các đơn vị thực hiện theo đúng quy định về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng giao hàng năm không vượt chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả công tác TGBC cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao nhận thức hơn nữa của công chức, viên chức trong việc thực hiện TGBC, cụ thể:
Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo việc thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, TGBC, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức ở một số đơn vị còn thiếu chủ động, quyết liệt triển khai công việc. Nhận thức của một số công chức, viên chức và người đứng đầu đơn vị về công tác sắp xếp, điều động, luân chuyển, TGBC, sắp xếp sau dôi dư,... chưa đầy đủ, làm hết trách nhiệm và nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện gây ảnh hưởng đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo việc thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nâng cao hiệu quả; có giải pháp tháo gỡ khó khăn khi thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trong việc bố trí cấp trưởng, cấp phó sau khi sáp nhập, hợp nhất, giải thể.
Thời gian tới, lãnh đạo, cấp ủy các đơn vị cần tiếp tục tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị về quan điểm, mục tiêu, nội dung, yêu cầu của Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách TGBC; tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về TGBC để tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện giải pháp; nhằm phát huy, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức. Mặt khác, các đơn vị cần rà soát, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh trong đơn vị giúp có cơ sở giao và quản lý biên chế công chức, viên chức ở từng đơn vị; đảm bảo bộ máy tổ chức được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết TGBC đối với những công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định, những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.
Đồng thời các cấp, ngành cũng đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức để nâng cao chất lượng; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, cải tiến quy trình, quy chế làm việc, kết hợp với cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức; triển khai tốt chính sách của Nhà nước và thực hiện đồng bộ biện pháp để thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng chất lượng tuyển dụng, thực hiện thi tuyển công chức, viên chức theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh,...