Sign In

Thi hành án dân sự Phú Thọ 75 năm hình thành và phát triển

09/07/2021

Cùng với sự ra đời, xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp từ những ngày đầu thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với vai trò trọng yếu bảo vệ pháp luật và thực thi công lý, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự từng bước được hình thành theo Sắc lệnh số 130/SL ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sắc lệnh quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, bảo đảm cho quyền tư pháp của Nhà nước được thực hiện trọn vẹn, công lý được thực thi và trật tự pháp luật được khôi phục. Từ đó, hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự được hình thành, đến nay đã không ngừng được kiện toàn, phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Ngày 05/03/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 397/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 19/7 hàng năm là ngày truyền thống Thi hành án dân sự. 75 năm qua công tác Thi hành án dân sự (THADS) cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đã phát triển không ngừng, vượt qua khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các giai đoạn cách mạng.  
Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, hệ thống  THADS đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở Pháp lệnh THADS năm 1993, thực hiện Nghị quyết Quốc hội, ngày 02/06/1993 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 266-TTg ngày về việc triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự; Liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 26/5/1993 hướng dẫn việc bàn giao công tác thi hành án dân sự. Thực hiện Kế hoạch số 987/KH-UB ngày 15-6-1993 của UBND tỉnh Vĩnh Phú về việc triển khai thực hiện Nghị định số 30/NĐ-CP ngày 2/6/1993 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan quản lý công tác Thi hành án dân sự và Chấp hành viên, công tác Thi hành án dân sự đã được chuyển giao từ Toà án nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân các huyện, thành, thị sang UBND tỉnh, UBND các huyện, thành, thị quản lý. Chính vì vậy, kể từ ngày 1/7/1993, công tác THADS được chuyển giao hoàn toàn từ TAND các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ, do Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THADS và tổ chức việc THADS; UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác THADS, trong đó cơ quan Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp công tác quản lý nhà nước; Riêng về công tác tài chính, chuyên môn nghiệp vụ do Cục THADS, Bộ Tư pháp quản lý, hướng dẫn theo ngành dọc. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong cải cách về công tác THADS. Đồng thời là điều kiện để các cơ quan THADS kiện toàn tổ chức, hoàn thành sứ mệnh và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong tổ chức bộ máy. Trên cơ sở đó, Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phú và 14 Đội THADS huyện, thành, thị được thành lập với tổng biên chế cơ quan thi hành án dân sự toàn tỉnh là 40 đồng chí. Trong đó: Phòng Thi hành án dân sự tỉnh: 6 đồng chí, (Chấp hành viên: 04 đồng chí, các chức danh khác: 02 đồng chí). Biên chế các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện: 34 (Chấp hành viên: 21 đồng chí, các chức danh khác: 13 đồng chí).
Tháng 7/1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở tiền thân là Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phú, đã hình thành Phòng THADS tỉnh Phú Thọ và 10 Đội THADS huyện, thành, thị với tổng số cán bộ toàn tỉnh chỉ có 61 người, trong đó biên chế cơ quan THADS tỉnh có 14 người. 
          Ngày 14/1/2004 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh THADS với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự, trong đó đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Phòng Thi hành án tỉnh và các Đội Thi hành án cấp huyện được đổi tên thành Thi hành án dân sự tỉnh và Thi hành án dân sự huyện, thành, thị.
Thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ, năm 2009 Cơ quan THADS của tỉnh được tách thành Cục THADS Phú Thọ trực thuộc Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp và quản lý hệ thống các Chi Cục THADS huyện, thành, thị. Tổng cục THADS là cơ quan giúp Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS trong phạm vi cả nước; Cục THADS tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo về THADS trên địa bàn, giúp UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trong THADS trên địa bàn; Chỉ đạo việc cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS tỉnh. Đối với các Chi cục THADS các huyện, thành thị cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định còn có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo về THADS trên địa bàn, giúp UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan liên quantrong THADS trên địa bàn; Chỉ đạo việc cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp huyện. Cùng với đó từ tháng 1/2009 Chi bộ Cục THADS tỉnh đã được tách độc lập ra từ Đảng bộ Sở Tư pháp thành Chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Đồng thời các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội luật gia cũng đã được tách riêng và hoạt động độc lập, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Kể từ 1/7/1993 đến nay, ngành THADS trên địa bàn tỉnh đã trải qua 28 năm phát triển. Đến năm 2015 số lượng công chức, người lao động các cơ quan THADS toàn tỉnh thời điểm cao nhất là 200 người. Từ 2015 trở đi, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tổng số biên chế các cơ quan THADS Phú Thọ đã giảm 12.8%, hiện có tổng biên chế 136 công chức và 33 lao động hợp đồng với trên 99% công chức có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 68 chấp hành viên, 16 thẩm tra viên, 13 thư ký THA…, cùng bộ máy hoàn chỉnh gồm 04 phòng chuyên môn và 13 chi cục huyện, thành, thị trực thuộc Cục. Bên cạnh đó, khối lượng công việc do cơ quan thi hành án đảm nhận hàng năm không ngừng tăng lên, nhưng đội ngũ công chức làm công tác THADS được nâng cao về chất lượng, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các hoạt động của cơ quan, đơn vị và ban hành Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015 trong toàn hệ thống nhằm chuẩn hóa các quy trình thực hiện nhiệm vụ đã góp phần đưa hoạt động THADS ngày càng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, minh bạch hóa công tác THADS, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, được sự quan tâm về mọi mặt của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, điều kiện cơ sở vật chất của các Cơ quan THADS trong toàn tỉnh đã được đầu tư khá toàn diện. Các công trình Trụ sở Cơ quan THADS cấp huyện đã và đang được đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp. Một số đơn vị đã được xây dựng công trình Kho vật chứng. Công trình Trụ sở làm việc của Cục và Cụm kho vật chứng của Cục THADS tỉnh, Chi Cục THADS Việt Trì cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2015, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS trên địa bàn tỉnh. 
Để công tác Thi hành án dân sự đạt kết quả tốt, Cục THADS tỉnh đã tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, ban hành Quyết định số 659/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh; tham mưu cho Trưởng ban Chỉ đạo ban hành Quyết định số 668/QĐ-BCĐ ngày 29/3/2017 phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; ban hành quy chế hoạt động  xây dựng chương trình, kế hoạch về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong THADS và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế THADS; tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình, kế hoạch công tác chỉ đạo THADS hàng năm. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo thi hành án tỉnh hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả, bảo đảm hoạt động theo đúng hướng dẫn của Thông tư 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC – VKSNDTC. 
          Bên cạnh việc tham mưu thành lập Ban chỉ đạo THADS tỉnh. Cục THADS Phú Thọ là một trong những cơ quan THADS triển khai thực hiện đầu tiên trong cả nước tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1227/KH-UBND ngày 31/3/2017 triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, để công tác THADS trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh chỉ đạo có hiệu quả, chất lượng hơn nữa, Cục THADS tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu Ban Thường vụ tỉnh uỷ Phú Thọ ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 7/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác THADS trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC. Cục THADS tỉnh được giao là đầu mối trong tham mưu, giúp việc, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện của các ngành, địa phương và định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính của tỉnh. Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm túc; bảo đảm quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Nhờ vậy, từ năm 2009 đến nay, mặc dù số việc thi hành án thụ lý tăng gấp nhiều lần so với trước đây nhưng công tác THADS vẫn đạt kết quả khả quan, số việc thi hành án xong với số tiền và tài sản thu được năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm. Trong những năm gần đây, Cục THADS tỉnh Phú Thọ luôn đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Riêng năm 2020, tổng số việc thụ lý là 12.499 việc, tổng số tiền phải thu là trên 2.622 tỷ đồng; đã thi hành xong gần 8.000 việc đạt tỷ lệ 81,9% (vượt chỉ tiêu giao là 1,4%), tiền là trên 1.127 tỷ đồng đạt tỷ lệ 67,8% (vượt chỉ tiêu giao là 29,8%). Nhiều vụ việc thi hành án lớn, phức tạp được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện sát sao, đạt kết quả cao như vụ thi hành án đối với Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm với tổng số thụ lý 116 việc, tương ứng với số tiền trên 2.121 tỷ đồng; Tổng số vật chứng Cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận là 1.196 vật chứng. Đối với vụ việc này, Cục THADS Phú Thọ đã thành lập Tổ công tác giải quyết vụ việc, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ đối với từng vị trí trong Tổ; Đồng thời tiến hành rà soát các khoản tiền đương sự đã nộp trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử và rà soát lại toàn bộ vật chứng vụ án do Cơ quan An ninh điều tra chuyển sang để có phương án tổ chức thi hành vụ việc phù hợp đối với từng đương sự; ban hành các văn bản phối hợp trong công tác thi hành án đối với các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng liên quan đính chính những nội dung có sai sót trong bản án và tiến hành xác minh tài sản của các đương sự tại các Ngân hàng và địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi toàn quốc để có phương án ngăn chặn, tẩu tán tài sản trước khi Cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành án theo quy định. Là một trong những sáng kiến mới, có hiệu quả trong hoạt động phát hiện và ngăn chặn việc tẩu tán tài sản đã được Tổng cục THADS ghi nhận và đánh giá cao. Nhờ vậy, đến nay đã thi hành xong 113 việc, với số tiền trên 1.933 tỷ đồng. Hiện tại, Cục THADS tỉnh đang tích cực phối hợp với các Vụ của Tổng Cục THADS và các Vụ của VKSNDTC để xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để tiếp tục xử lý tiền tại tài khoản đứng tên Phan Sào Nam gửi tại nước ngoài.
          Đáng chú ý, những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển đã kéo theo sự nẩy sinh các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, tiềm ẩn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội của địa phương. Trong bối cảnh đó, công tác THADS được đặt lên vị trí hết sức quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên, sự tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS. Theo đó, ngành THADS Phú Thọ đã không ngừng đổi mới cả về quy mô và chất lượng thực hiện nhiệm vụ, tích cực đề ra và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả THADS. Các cơ quan THADS tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, đẩy mạnh các chỉ tiêu về THADS” và phát động nhiều đợt thi đua giải quyết án tồn đọng kéo dài. Đặc biệt, ngành đã tập trung cải tiến phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ THADS với kết quả cao nhất. Tỷ lệ thi hành xong (cả về số việc và số lượng tiền) trên địa bàn toàn tỉnh năm sau luôn cao hơn so với năm trước. 
Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, ngành THADS Phú Thọ đã phát triển không ngừng, đổi mới cả về thể chế, tổ chức hoạt động của bộ máy và đội ngũ Chấp hành viên, công chức THADS trong toàn tỉnh được nâng cao hơn về trình độ. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác THADS luôn nhiệt huyết, yên tâm công tác, đồng lòng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; các tổ chức chính trị, đoàn thể tại Cục và các Chi cục cũng được quan tâm hoạt động thiết thực, hiệu quả. Với những thành tích đó, tính từ năm 2009 đến nay, Cục THADS  Phú Thọ đã có 49 lượt tập thể được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 8 đơn vị được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Danh hiệu “ Cờ Thi đua xuất sắc”, 28 đơn vị được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 01 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Kỷ niệm Chương Hùng Vương, 01 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, 01 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cống hiến hạng Nhì; 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 03 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Ngành Tư pháp”, gần 100 lượt cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Kỷ niệm Chương vì sự nghiệp Tư pháp... Năm 2020 Tập thể Cục THADS tỉnh được Bộ Tư pháp đánh giá xếp loại “Tập thể lao động xuất sắc”, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
          Phát huy truyền thống 75 xây dựng và trưởng thành của Ngành THADS (19/7/1946-19/7/2021) và hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ngành THADS tỉnh Phú Thọ (1/7/1993-1/7-2023), thời gian tới, cùng với tiếp tục tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật về THADS; làm tốt vai trò tham mưu Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp kịp thời cho ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc phải thi hành án có khó khăn, vướng mắc; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. …, ngành sẽ tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan THADS trong tỉnh; Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung Ương IV, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII); Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn cho đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên, công chức thi hành án dân sự; Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, nêu cao gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án, đồng thời tổ chức và triển khai, phát động có hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, công chức gắn kết với các phong trào thi do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và địa phương phát động, phấn đấu hoàn thành, xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
                                                                   Nguyễn Thị Thu Chung 
                                                                Cục trưởng Cục THADS Phú Thọ

Các tin đã đưa ngày: