Sign In

Vẫn còn vướng mắc từ thực tiễn cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án dân sự

28/11/2017

Vẫn còn vướng mắc từ thực tiễn cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án dân sự
Cưỡng chế thi hành án dân sự là việc sử dụng quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án, phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Toà án. Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự do Chấp hành viên quyết định trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện mà không tự nguyện thi hành. Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay còn khá nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, không chỉ đơn thuần là vấn đề nghiệp vụ của cơ quan Thi hành án dân sự còn là tình hình an ninh, trật tự địa phương nơi xảy ra cưỡng chế thi hành án dân sự
Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cuối cùng mà chấp hành viên lựa chọn áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp động viên, thuyết phục người phải thi hành án không hợp tác, không tự nguyện thi hành. Vẫn biết, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích vật chất, nhân thân của người phải thi hành án, gặp phải sự chống đối quyết liệt của đương sự, đồng thời đây là giai đoạn rất dễ bị khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự cần phải thận trọng áp dụng đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
 Những cơ sở pháp lý thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Căn cứ pháp lý thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định Điều 70 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định 03 căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm: a) Bản án, quyết định: đây là những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, gồm có: Bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại. b) Quyết định thi hành án: là quyết định do Thủ trưởng cơ quan thi hành án ban hành, đó có thể là quyết định thi hành án được ban hành theo diện chủ động hoặc theo đơn yêu cầu. c) Quyết định cưỡng chế thi hành án: là quyết định do Chấp hành viên ban hành. Tuy nhiên, trong trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án, thì không phải có quyết định cưỡng chế thi hành án.
Theo đó, quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự, gồm có sáu biện pháp cưỡng chế sau đây:a) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án;b) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;c) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;d) Khai thác tài sản của người phải thi hành án;đ) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ;e) Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trong đó, áp dụng biện pháp cưỡng chế theo khoản 5 điều này cho trường hợp cưỡng chế giao nhà theo điều 115 và chuyển giao quyền sử dụng đất theo điều 117 là một trong những biện pháp cưỡng chế phức tạp và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong giai đoạn tổ chức thi hành của chấp hành viên.
Từ thực tiễn tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Để thấy được những vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn thi hành. Chúng tôi muốn đưa ra đơn cử một vụ cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 mà Chi cục thi hành án dân sự Tp Tuy Hòa chúng tôi đã thành công, nhưng thực tế vẫn còn vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thi hành án và ít khả thi hơn. Đó là vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa cá nhân với pháp nhân. Căn cứ theo Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T và đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục đã ra Quyết định thi hành án số 1358/QĐ-CCTHADS ngày 14/8/2015 về thi hành khoản: “Buộc ông Diệp Tư C phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP tỉnh P, số tiền 3,7 tỷ đồng và tiếp tục trả lãi trên dư nợ gốc còn lại phát sinh theo hợp đồng tín dụng. Nếu ông Diệp Tư C không trả nợ thì Ngân hàng TNCP tỉnh P được quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ là nhà và đất tại số 46 Lê Lợi, phường 3, thành phố T theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA709553 do UBND thành phố T cấp cho ông C.
 
Hình ảnh tại buổi cưỡng chế kê biên giao nhà
Ở giai đoạn cưỡng chế kê biên đã là khó khăn và phức tạp rồi đến giai đoạn xử lý tài sản kê biên gặp nhiều cản trở, xử lý bán tài sản xong, tưởng chừng đến hồi kết thúc mang lại kết quả thi hành án. Song lại càng rắc rối thêm không giao được tài sản bán đấu giá,  phát sinh nhiều đơn, thư khiếu nại từ mọi phía của đương sự, của công dân…Sau khi kê biên, xử lý tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng người phải thi hành án không chịu giao tài sản. Lý do, trong thời gian chuẩn bị giao tài sản bán đấu giá thì có Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T, để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Chính vì thế mà làm cho hành vi của người phải thi hành án thêm bức xúc và sự chống đối quyết liệt hơn. Thủ tục tố tụng dân sự này, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án dân sự, làm phát sinh thêm đơn, thư khiếu nại, tố cáo xảy ra từ người mua được tài sản bán đấu giá, không giao được tài sản. Hiện nay, vướng mắc đó đã được tháo gỡ bỡi cơ chế thoáng và hợp lý của Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định cụ thể tại Điều 103 “…Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác…” để tiến hành các trình tự thủ tục giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thành, nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ theo quy định pháp luật. Chi cục thi hành án vẫn phải vận dụng cả Công văn số 1075/TCTHADS-NV1 ngày 07/4/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, ra quyết định giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án và có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Cục thi hành án dân sự tỉnh, sau đó mới tổ chức họp liên ngành và Ban chỉ đạo đều thống nhất tiến hành cưỡng chế đạt kết quả cao. Trong thành công đó, có vấn đề đổi mới về thể chế, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cục thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa-Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự và sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng,đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan, lực lượng công an TP Tuy Hòa, luôn sẵn sàng bảo vệ cưỡng chế. Tính chất vụ cưỡng chế xét về vi mô khá phức tạp có gần 40 người tham gia vụ cưỡng chế, kết thúc là sự thành công và đem lại niềm tin trong nhân dân đối với ngành thi hành án dân sự và đội ngũ chấp hành viên.                              
Những vướng mắc cần tháo gỡ
 Bên cạnh đó, nhìn từ thực tiễn áp dụng Điều luật Về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án, Luật đã thay đổi tên Điều 103 từ “Giao tài sản bán đấu giá” thành “Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án” để khẳng định rõ ràng hơn nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản của người trúng đấu giá tài sản, người nhận tài sản để thi hành án. Theo đó, Luật quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá nếu đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá thì mặc dù bản án, quyết định đã thi hành bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. Luật cũng quy định rõ nếu người phải thi hành án không tự nguyện giao tài sản thì sẽ bị cưỡng chế và việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định chung (được quy định tại các điều 114, 115,  116 và 117 của Luật thi hành án dân sự).
Quy định này là việc luật hóa quy định tại Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, khuyến khích việc mua tài sản bán đấu giá để thi hành án, thúc đẩy tiến trình tổ chức thi hành án, tạo cơ sở pháp lý và hành lang an toàn cho hoạt động của Chấp hành viên.
Khi chúng ta áp dụng vào thực tế Điều 103 thì quy trình tổ chức cưỡng chế theo các căn cứ pháp lý được quy định trong Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 có những điều kiện chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn, hay nói cách khác, có sự mâu thuẫn và chồng chéo với nhau. Chính vì điều đó, tất yếu dẫn đến sự rủi ro cho trách nhiệm của Chấp hành viên. Chúng tôi thấy rằng: Để tổ chức cưỡng chế một vụ việc theo đúng quy trình pháp luật thì mất nhiều thời gian và an toàn cho Chấp hành viên nhưng có chậm tiến độ giải quyết. Còn bỏ bớt “quy trình” thì hậu quả thiệt hại về vật chất, vi phạm pháp luật có thể xảy ra, trách nhiệm Chấp hành viên phải gánh chịu trước điều chỉnh Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hoặc Luật hình sự... Chúng tôi muốn phân tích lý do đó là bỡi vì, quy định của Điều 103 Luật thi hành án dân sự vẫn chưa an toàn cho hoạt động của Chấp hành viên, khi cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá mà Bản án, quyết định đã bị kháng nghị, Giám đốc thẩm hủy để xét xử lại từ đầu. Bỡi vì:
Thứ nhất: Căn cứ để cưỡng chế được quy định tại Điều 70 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, gồm: Căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm: Bản án, quyết định; Quyết định thi hành án; Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án. Khi Chấp hành viên ban hành Quyết định cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá mà không có căn cứ pháp lý là không phù hợp theo Điều 70 Luật thi hành án dân sự. Do bản án, quyết định của Tòa án đã bị kháng nghị, Giám đốc thẩm hủy
Thứ hai: Khi nhận được Bản án, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền  kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án phải áp dụng theo khoản 2 Điều 48, khoản 1 Điều 49 hoặc điểm đ, khoản 1, Điều 50 Luật THADS để xử lý hoãn, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thi hành các Bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án đang tổ chức thi hành. Coi như hoạt động tác nghiệp thi hành án đã tạm dừng.
Thứ ba: Biểu mẫu Quyết định cưỡng chế, Thông báo cưỡng chế  thi hành án theo Thông tư 01/2015/TT-BTP ngày 01/02/2016 cũng bị vướng theo quy định tại Điều 103 của Luật này. Tuy Thông tư cũng quy định dành riêng biểu mẫu sử dụng cho trường hợp giao tài sản cho người mua trúng đấu giá nhưng ở trường đương sự tự nguyện giao là phù hợp. Còn sử dụng biểu mẫu cho trường hợp cưỡng chế là không phù hợp, thiếu căn cứ pháp lý.
Từ ba điều kiện của cơ sở pháp lý nêu trên, cho thấy thực tế áp dụng Điều 103 Luật thi hành án dân sự vào thực  tiễn thi hành vẫn còn vướng mắc và có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm của Chấp hành viên. Từ những bất cập của quy định pháp luật này, chúng tôi đề xuất, kiến nghị như sau:
Những đề xuất, kiến nghị để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự.
 Theo hệ thống pháp luật Việt Nam, nhìn ở gốc độ thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật: Cao nhất là Hiến pháp rồi đến Luật, Pháp lệnh, Nghị đinh, Thông tư... Khi áp dụng văn bản pháp luật vào thực tế, Cơ quan nhà nước, Cán bộ, công chức, viên chức chúng ta hay có thói quen áp dụng văn bản dưới luật, thậm chí áp dụng công văn chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vào từng ngành, lĩnh vực cho thuận lợi và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn. Nhưng khi có hậu quả pháp lý xảy ra, tranh chấp, thiệt hại vật chất…thì cơ quan tư pháp áp dụng Luật để xét xử hành vi vi phạm pháp luật của  CBCC,VC. Điều đó, chúng tôi muốn nói rằng, Trong hoạt động thi hành án dân sự rất phức tạp, nếu cưỡng chế mà không có căn cứ pháp lý thì hậu quả pháp lý có thể sẽ xảy ra, không an toàn cho trách nhiệm của Chấp hành viên.
-Cần bổ sung vào Điều 70 về căn cứ pháp lý đối với trường hợp cưỡng chế giao nhà cho người mua được tài sản bán đấu giá mà bản án, quyết định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kháng nghị, sửa đổi hoặc Giám đốc thẩm hủy.
- Cần bổ sung một điều luật áp dụng cho trường hợp cưỡng chế giao nhà theo Bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên mà pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự không có quy định hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc tạo điều kiện cho người phải thi hành án có nơi ở mới. Chính vì thế, chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế này rất băn khoăn và vướng mắc. Sau khi cưỡng chế đương sự ra khỏi nhà thì họ không nơi nưa tựa, gây cản trở cho cơ quan thi hành án và ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội ở địa phương nơi tổ chức cưỡng chế.


Theo nguồn tin Lê Lanh

Các tin đã đưa ngày: