Sign In

Những chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

04/12/2015

Nhìn lại kết quả hoạt động trong những năm qua, có thể thấy công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thi hành về việc và về giá trị tăng năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, giảm đáng kể lượng án chuyển kỳ sau, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cải cách hành chính trong thi hành án được đẩy mạnh với những quy định về thủ tục đơn giản nhưng chặt chẽ hơn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu công tác của cơ quan thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự đã từng bước được chú trọng; sự phối kết hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự được tăng cường; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan đoàn thể tiếp tục được quan tâm; Ban Chỉ đạo thi hành án hai cấp được thành lập và hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án phức tạp… bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và công dân; hiệu lực quản lý nhà nước ngày càng được củng cố tăng cường, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
 

Đặc biệt kể từ khi Luật Thi hành án dân sự ra đời đã tạo hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hoạt động có hiệu quả. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được thành lập, hoạt động phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự; các qui định của pháp luật về thi hành án dân sự được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự... kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước.

Nhìn lại công tác thi hành án dân sự của Quảng Bình những năm về trước có thể thấy còn nhiều bất cập. Năm 2010, tổng số việc phải thi hành là 3.465 việc, với số tiền phải thi hành là hơn 42 tỷ đồng. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng vi phạm trong hoạt động thi hành án nhất là việc phân loại án không chính xác dẫn đến án không có điều kiện thi hành chiếm lớn (hơn 50%), nhiều án có điều kiện không được thi hành, án không được tổ chức xác minh theo quy định của pháp luật, nhiều vụ việc đương sự có điều kiện thi hành, không được tổ chức cưỡng chế thi hành… Số việc tồn năm 2009 chuyển sang năm 2010 là 1.918 việc. Trước tình hình số vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng trên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 29/2/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị ra đời làm cho cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan nhà nước và công dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đối với công tác thi hành án dân sự nhằm tạo điều kiện để cơ quan thi hành án thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành và của địa phương. Các cấp uỷ, chính quyền và Ban chỉ đạo thi hành án các cấp, các ngành cũng đã thống nhất xác định công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cơ quan thi hành án là đơn vị chủ trì trong thực hiện và tham mưu đề xuất.

Năm 2015 tổng số thụ lý thi hành là 3.447 việc nhưng số tiền phải thi hành tăng nhiều lần 185 tỷ đồng nhưng chất lượng phân loại án chính xác chỉ có 533 việc chiếm 15% trên tổng số được đưa ra thi hành số án chuyển sang năm 2016 chỉ còn 610 việc so với năm 2009 chuyển sang năm 2010 là 1918 việc. Qua đó đã thấy rõ được sự chuyển biến tích cực, vượt bậc của Cục thi hành án dân sự Quảng Bình trong những năm vừa qua. Đặc biệt hơn là nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc, phức tạp, kéo dài nhiều năm đã giải quyết được. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015 đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan thi hành án dân sự đạt được trong thời gian qua, nhất là việc chỉ đạo phối hợp giải quyết được một số vụ án tồn đọng, vướng mắc, khó thi hành có ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ xem đây là  “khâu đột phá”. Hiện nay, Cục Thi hành án dân sự Quảng Bình đã thành lập đủ 4 phòng và 8 Chi cục Thi hành án dân sự; bộ máy tổ chức cán bộ cơ bản được hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ chức năng pháp lý đã bổ sung đủ gồm có 46 Chấp hành viên (01 Chấp hành viên cao cấp, 13 Chấp hành viên trung cấp, 32 Chấp hành viên sơ cấp), 07 Thẩm tra viên và 25 Thư ký thi hành án...
Tăng cường công tác kiểm tra toàn diện trên về công tác thi hành án tại các Phòng chuyên môn và các Chi cục THADS cấp huyện. Kịp thời tham mưu Lãnh đạo Cục chấn chỉnh, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc của cấp dưới.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong các nhiệm vụ … Đặc biệt, tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với các ngành Công an, Toà án, VKSND về công tác thi hành án dân sự, nhằm thống nhất quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là thi hành các vụ việc phức tạp, khó khăn vướng mắc, kéo dài... Cùng với đó, cơ quan Thi hành án dân sự đã ký kết Quy chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong công tác thi hành án dân sự nhằm tích cực phối hợp với Ngân hàng để chỉ đạo, giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tỷ lệ án chưa có điều kiện tuy có giảm nhiều hàng năm nhưng tỷ lệ vẫn còn cao (15%). Án chuyển sang kỳ sau vẫn còn lớn, nhất là về giá trị, còn một số vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.  Chất lượng và số lượng của đội ngũ chấp hành viên dù đã từng bước được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số chi cục thi hành án dân sự còn sai sót, thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp. Công tác phối hợp trong chỉ đạo và triển khai thi hành án chưa thật tốt… Những khó khăn này đang được Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các bên liên quan đang nỗ lực tìm cách giải quyết.

Để công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh xác định, cần tiếp tục ổn định công tác tổ chức, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc; nhất là kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh tư pháp đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ đối với các đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… với quyết tâm “đoàn kết, xiết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

                                                                            Phạm Văn Lãnh - Cục trưởng Cục THADS Quảng Bình

Các tin đã đưa ngày: