Sign In

Xây dựng văn bản hướng dẫn phối hợp trong thống kê góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự

02/12/2015

Để đáp ứng cầu quản lý, chỉ đạo và điều hành, trong thời gian qua Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản quy định việc phối hợp, trao đổi thông tin về thi hành án dân sự, trong đó có công tác thống kê thi hành án dân sự. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đều có nhiệm vụ báo cáo kết quả công tác trước Quốc hội về công tác thi hành án, công tác của ngành kiểm sát và tòa án, nhưng trước tình hình lượng án ngày càng tăng; công tác xét xử, kiểm sát, thi hành án dân sự ngày càng phức tạp, khối lượng công việc ngày càng nhiều nên việc lập báo cáo tổng hợp, thống kê số liệu kết quả công tác của mỗi ngành đều có những khó khăn nhất định. Đặc biệt là, do phương thức tính toán, thời điểm lập báo cáo số liệu thống kê của ngành Tòa án, Kiểm sát và Thi hành án dân sự còn chưa thống nhất nên số liệu thống kê tại các kỳ báo cáo Quốc hội còn có sự chênh lệch.
Đảm bảo số liệu thống kê phản ánh đúng thực chất kết quả công tác của ngành Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án dân sự, khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê và góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự thì việc ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự giữa Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao là hết sức cần thiết. Văn bản liên tịch này thể hiện bằng hình thức Thông tư liên tịch là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi, đồng thời khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án dân sự trong thống kê thi hành án dân sự. Văn bản liên tịch cần hướng dẫn cụ thể, thống nhất sự phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong thống kê thi hành án dân sự; thống nhất một số tiêu chí báo cáo hàng năm trước Quốc hội về công tác thi hành án dân sự; phù hợp thực tiễn hoạt động thống kê thi hành án dân sự và chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án dân sự. Một số nội dung cần quy định cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh: Hướng dẫn việc phối hợp lập báo cáo thống kê, gửi báo cáo thống kê và kiểm tra liên ngành trong thống kê thi hành án dân sự giữa Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.
2. Đối tượng áp dụng đối với: Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự); Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự) và Bộ Tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi chung là Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện); Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện); Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) và Tòa án nhân dân tối cao.
3. Biểu mẫu thống kê liên tịch:
- Biểu thống kê kết quả thi hành án dân sự về việc: Phản ánh kết quả thi hành án về việc thuộc diện chủ động và theo yêu cầu thi hành án dân sự trong kỳ báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự.
- Biểu thống kê kết quả thi hành án dân sự về tiền: Phản ánh kết quả thi hành án về tiền, giá trị tài sản được quy đổi thành tiền thuộc diện chủ động và theo yêu cầu thi hành án dân sự trong kỳ báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự và của từng tỉnh.
- Biểu thống kê bản án, quyết định cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu Tòa án đính chính, giải thích; kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; yêu cầu xác định, phân chia tài sản; yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu; kết quả giải quyết của Tòa án: Phản ánh số bản án, quyết định cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu Tòa án giải thích, đính chính; kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền trong kỳ báo cáo; số bản án, quyết định cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu Tòa  án xác định, phân chia tài sản; yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc hủy giấy tờ thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 1 Điều 74; khoản 2, khoản 3 Điều 75 và khoản 3 Điều 170 của Luật Thi hành án dân sự và kết quả giải quyết của Tòa án; số bản án, quyết định Tòa án nhân dân yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành theo Điều 170 của Luật Thi hành án dân sự.
- Biểu thống kê kết quả kiểm sát thi hành án dân sự: Phản ánh kết quả kiểm sát thi hành án dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân đối với cơ quan Thi hành án dân sự trong kỳ báo cáo; số bản án, quyết định Toà án gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp là toàn bộ số bản án, quyết định Toà án gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp trong kỳ báo cáo (theo Điều 241, 281, 303 và Điều 382 Bộ Luật Tố tụng dân sự); số Quyết định về thi hành án dân sự Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã nhận là toàn bộ các quyết định (Quyết định đưa vụ việc ra thi hành án, Quyết định hoãn thi hành án, Quyết định tạm đình chỉ thi hành án, Quyết định đình chỉ thi hành án, Quyết định cưỡng chế.v.v. (theo Điều 38 Luật Tthi hành án dân sự).
4. Cách hiểu một số từ ngữ:
- Đối với việc thi hành án dân sự:
+ Mỗi quyết định thi hành án được tính là một việc, mỗi việc thi hành án hành chính có văn bản đôn đốc thi hành được tính là một việc.
+ Việc có điều kiện thi hành là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án, gồm: Thi hành xong, đình chỉ thi hành án, đang thi hành án, hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, tạm dừng thi hành án để giải quyết khiếu nại và trường hợp khác.
+ Việc chưa có điều kiện thi hành là trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44a của Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp việc thi hành án có điều kiện thi hành một phần, phần còn lại chưa có điều kiện thi hành và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án thì xác định là việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành và thống kê là một việc chưa có điều kiện thi hành.
+ Việc thi hành xong là việc Chấp hành viên đã thi hành xong hoặc đình chỉ thi hành án toàn bộ các quyền, nghĩa vụ trong quyết định thi hành án hoặc những việc đã tổ chức thi hành xong một phần quyền, nghĩa vụ, nhưng phần còn lại đã ủy thác (phần ủy thác này cơ quan Thi hành án dân sự nhận ủy thác ra quyết định thi hành án nên cơ quan Thi hành án dân sự nhận ủy thác thống kê là việc thụ lý mới) hoặc giảm thi hành án hoặc đình chỉ thi hành án và đã xóa sổ thụ lý thi hành án.
Trường hợp đối với những việc đã thu được tiền, tài sản, cơ quan Thi hành án dân sự đã báo gọi nhưng người được nhận chưa đến nhận nên đã lập phiếu chi và gửi cho họ qua đường bưu điện theo quy định của pháp luật hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận và cơ quan Thi hành án dân sự đã gửi tiền vào ngân hàng, lập sổ theo dõi riêng hoặc đã giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật thì tính là việc thi hành xong.
+ Việc trường hợp khác là việc đang trong thời gian tự nguyện thi hành án, việc đang chờ ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền và việc đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.
+ Việc đang thi hành là số việc có điều kiện thi hành và đang tổ chức thi hành án.
+ Số việc thu hồi, hủy bỏ quyết định thi hành án, là số việc cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ toàn bộ quyết định thi hành án trong kỳ báo cáo.
- Về tiền, giá trị tài sản được quy đổi thành tiền
+ Đơn vị tính giá trị kết quả thi hành án là 1.000 VN đồng (một nghìn đồng Việt Nam). Trường hợp một việc thi hành án có một hoặc nhiều tài sản phải tiêu hủy, tài sản không có giá trị hoặc tài sản, việc thi hành án không tính được bằng tiền thì toàn bộ tài sản, việc thi hành đó khi thống kê được tính là 1.000 VN đồng.
+ Tiền thi hành xong là số tiền (bao gồm tiền và tài sản được quy đổi thành tiền) Chấp hành viên đã thu được (đã thu, nộp ngân sách và chi trả cho người được thi hành án theo nội dung quyết định thi hành án), đã được đình chỉ thi hành án hoặc được giảm thi hành án.
Trường hợp đối với những khoản tiền, tài sản đã thu được, cơ quan Thi hành án dân sự đã thông báo nhưng người được nhận chưa đến nhận nên đã lập phiếu chi và gửi cho họ qua đường bưu điện theo quy định của pháp luật hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận và cơ quan Thi hành án dân sự đã gửi tiền vào ngân hàng, lập sổ theo dõi riêng hoặc đã giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật thì tính là tiền thi hành xong.
+ Nội dung các chỉ tiêu thống kê về tiền (tiền có điều kiện thi hành, tiền chưa có điều kiện thi hành, tiền trường hợp khác, tiền đang thi hành v.v. là số tiền tương ứng với từng loại việc thi hành án đó) được thống kê tiêu chí về tiền tương ứng với các tiêu chí về việc thi hành án dân sự.
5.  Kỳ báo cáo thống kê về thi hành án dân sự
- Kỳ báo cáo thống kê tháng bắt đầu từ ngày 01/10 của năm trước và kết thúc vào ngày cuối cùng của các tháng tương ứng với kỳ thống kê đó.
- Kỳ báo cáo thống kê năm là kỳ báo cáo thống kê 12 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước và kết thúc vào ngày 30/9 của năm tiếp theo liền kề.
Kỳ báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong năm bao gồm 12 kỳ: 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng và 12 tháng.
6. Đơn vị tính và phương pháp tính: Đơn vị tính được quy định cụ thể trong các biểu mẫu thống kê. Số liệu báo cáo thống kê được tính theo phương pháp lũy kế.
7. Lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự 
- Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự về việc và thống kê kết quả thi hành án dân sự về tiền.
Số liệu báo cáo thống kê của Cục Thi hành án dân sự gồm của đơn vị và của các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc quyền quản lý.
- Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê bản án, quyết định cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu Tòa án đính chính, giải thích; kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; yêu cầu xác định, phân chia tài sản; yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu; kết quả giải quyết của Tòa án.
Số liệu báo cáo thống kê của Cục Thi hành án dân sự gồm của đơn vị và của các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc quyền quản lý.
- Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện; Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê kết quả kiểm sát thi hành án dân sự.
Số liệu báo cáo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm của đơn vị và của các Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý.
- Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự của toàn quốc.
Riêng việc lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự liên ngành trong quân đội được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
8. Phối hợp lập và đính chính số liệu trong báo cáo thống kê thi hành án dân sự:
- Quá trình lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự, trường hợp không thống nhất về số liệu thống kê thì cơ quan Thi hành án dân sự và Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp rà soát, đối chiếu và thống nhất số liệu.
- Trường hợp đính chính số liệu trong báo cáo thống kê thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có số liệu cần được đính chính phải có văn bản giải trình; có sự thống nhất của các cơ quan cùng cấp đã tham gia ký xác nhận vào báo cáo thống kê đó và báo cáo lên cấp trên trực tiếp để thực hiện việc đính chính trong các báo cáo tổng hợp.
9. Gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự
- Thời hạn gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự: Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo, Chi cục Thi hành án dân sự gửi báo cáo thống kê cho Cục Thi hành án dân sự; Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi báo cáo thống kê cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện gửi báo cáo thống kê cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp.
Chậm nhất sau 10 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo, Cục Thi hành án dân sự gửi báo cáo thống kê của toàn tỉnh cho Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự); Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo thống kê cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo thống kê cho Tòa án nhân dân tối cao để Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định .
- Báo cáo thống kê thi hành án dân sự được gửi tới nơi nhận bằng một trong các phương thức gửi bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp.
Để đảm bảo việc lập, gửi báo cáo thống kê đúng thời hạn, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có thể gửi trước báo cáo thống kê đến nơi nhận bằng thư điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc lập báo cáo thống kê hoặc các phương tiện khác theo yêu cầu của mỗi ngành. Việc gửi thư điện tử phải sử dụng hộp thư điện tử được cấp do Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (nếu có).
10. Kiểm tra liên ngành về thống kê thi hành án dân sự: Hằng năm, cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp trên có thể tổ chức kiểm tra liên ngành việc thực hiện báo cáo thống kê thi hành án dân sự đối với cấp dưới.
11. Trách nhiệm thực hiện
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm: Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền; chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch này.
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm: Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới thực hiện; phối hợp với Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
- Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm: Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Tòa án nhân dân cấp dưới thực hiện; phối hợp với Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
- Cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Thực hiện nghiêm túc và hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi ngành mình thực hiện quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự.
- Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự.
Với những nội dung nêu trên được thực hiện phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xét xử, kiểm sát và đặc biệt là công tác thi hành án dân sự.
                                                                                                                                              Lê Anh Tuấn


Theo Theo Trang thông tin Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: