Sign In

Quảng Ngãi: 5 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

04/12/2015

Quảng Ngãi: 5 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1565/CT-TTg ngày 06/10/2009 về việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh nhằm triển khai sâu rộng nội dung Luật cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh triển khai sâu rộng nội dung luật và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN cho hơn 200 cán bộ, công chức cấp tỉnh. Ngoài ra, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh còn cử báo cáo viên pháp luật tiếp tục triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức ở cấp huyện và một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Việc phổ biến, triển khai Luật TNBTCNN và các văn bản có liên quan còn được thực hiện thông qua các cuộc họp báo giới thiệu văn bản luật mới và qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh và trang web của một số cơ quan.

Do xác định được việc Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành sẽ tác động đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nên sau khi luật có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 13/12/2010 về việc triển khai Luật TNBTCNN trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác bồi thường, chỉ đạo Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh và mỗi cơ quan, đơn vị đều có trách nhiệm tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình về nội dung của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong khi thi hành nhiệm vụ công vụ.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường và chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện về bồi thường Nhà nước; UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố thực hiện việc bố trí biên chế phụ trách công tác này. Theo đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 15 biên chế công chức phụ trách công tác bồi thường theo chế độ kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, tại các bộ phận pháp chế của các sở, ban, ngành cũng đã có công chức làm nhiệm vụ tham mưu về lĩnh vực này.

Công tác phổ biến, giáo dục Luật TNBTCNN.
Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ngãi đều ban hành kế hoạch công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường; theo đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt cho công chức, viên chức của đơn vị mình về Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhờ hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều nhận thức được trách nhiệm khi thi hành công vụ và quyền yêu cầu bồi thường của người dân khi có thiệt hại xảy ra.

Công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả.

Ngay từ khi ban hành Chỉ thị triển khai Luật TNBTCNN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường và cung cấp thông tin, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Theo đó, Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, thống kê các vụ việc bồi thường nhà nước do cán bộ, công chức gây ra thiệt hại trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự; thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, theo dõi tiến độ giải quyết yêu cầu bồi thường đối với cơ quan có trách nhiệm bồi thường; nắm bắt những khiếm khuyết, hạn chế của hệ thống pháp luật, phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thi hành công vụ để kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Khi có vụ việc xảy ra liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan hữu quan khác trong việc theo dõi, nhắc nhở, hướng dẫn quá trình giải quyết bồi thường; khi cần thiết Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản thành lập tổ công tác để phục vụ yêu cầu của vụ việc, giúp cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường thực hiện theo đúng tinh thần Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tình hình tuân thủ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và công tác phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Kể từ khi triển khai thi hành Luật TNBTCNN, tại tỉnh Quảng Ngãi, các trường hợp phát sinh yêu cầu bồi thường đều được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, theo đúng tinh thần nội dung của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dân thi hành. Vì lĩnh vực bồi thường Nhà nước là một trong những lĩnh vực còn khá mới và phức tạp nên trong thời gian đầu tổ chức thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc; trong những trường hợp đó, tỉnh đều có công văn tham vấn ý kiến của các Cục Bồi thường nhà nước – Bộ Tư pháp để đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng và áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền.

Trường hợp phát sinh vụ việc phức tạp, có liên quan đến chuyên môn của nhiều cơ quan, đơn vị; UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến của các đơn vị này để đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện giữa các cơ quan theo đúng tinh thần của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày ngày 03/3/2010 của Chính phủ

Bên cạnh đó vẫn còn những chế

Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 15 công chức được phân công phụ trách công tác bồi thường Nhà nước theo chế độ kiêm nhiệm và tại các bộ phận pháp chế của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã có công chức làm nhiệm vụ tham mưu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, lĩnh vực bồi thường Nhà nước vẫn còn khá mới, phức tạp, nhạy cảm và liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; chưa đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn; chưa có công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tham mưu, phụ trách về công tác bồi thường mà chỉ phân công thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo, tập huấn chuyên sâu; do vậy, đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp tham mưu về công tác này chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, đôi lúc còn lúng túng trong quá trình tham mưu cho các cấp lãnh đạo.

Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; theo đó, một trong những thủ tục bắt buộc phải thực hiện là sau khi có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì người bị thiệt hại phải gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhưng trên thực tế, có trường hợp người bị thiệt hại không làm đơn yêu cầu bồi thường vì họ cho rằng họ đương nhiên phải được bồi thường, không phải yêu cầu, cũng có trường hợp người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu khi đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường. Điều này gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bồi thường đối với cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Việc quy định về thời gian thương lượng từ 30 đến 45 ngày tại Khoản 1 Điều 19 Luật TNBTCNN và Điều 15 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP là có phần cứng nhắc và gây khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế vụ việc, vì theo quy định này thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường không có quyền gia hạn thời gian thương lượng, tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều trường hợp vụ việc phức tạp thì thời gian thương lượng từ 30 đến 45 ngày là chưa phù hợp.

Khoản 1 Điều 45 Luật TNBTCNN quy định thời điểm xác định giá trị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là tại thời điểm giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải loại tài sản nào tại thời điểm giải quyết bồi thường cũng có giá cao hơn thời điểm xảy ra hành vi của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Do vậy, việc áp dụng quy định này trong thực tiễn cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và không được sự đồng thuận của người yêu cầu bồi thường.

Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định đối với những trường hợp cơ quan Nhà nước thực hiện việc trả lại tài sản đã kê biên, tạm giữ của đương sự nhưng đương sự không đến nhận lại tài sản thì giải quyết như thế nào. Vì vậy, khi thực tiễn phát sinh, các cơ quan cũng lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý các loại tài sản này.

Quy định về trách nhiệm hoàn trả là quy định thể hiện sự tiến bộ, công bằng của chế định pháp luật về bồi thường Nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định người có lỗi gây thiệt hại và xác định mức hoàn trả còn quy định chung chung, chưa quy định chế tài cụ thể để đảm bảo thực hiện hoàn trả./.
 
                                                                                  


Theo Minh Xuân - Sở Tư pháp Quảng Ngãi

Các tin đã đưa ngày: