Sign In

Thi hành án dân sự Sóc Trăng sẽ đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao hơn vào năm 2017

30/11/2016

Thi hành án dân sự Sóc Trăng sẽ đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao hơn vào năm 2017
    Đó là lời nhận định của đồng chí Trần Hoài Phú - Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS)” được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 28-11. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Ban nội chính Tỉnh ủy; Ban pháp chế HĐND tỉnh; Ủy ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh; liên ngành tư pháp tỉnh, huyện và các đơn vị có liên quan.
     Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chấp hành viên trong thi hành nhiệm vụ, ngành THADS đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, sai sót trong việc tổ chức thi hành án, cụ thể như:  không tống đạt các quyết định, văn bản thi hành án cho đương sự; chưa kịp thời phân loại, xác minh đối với những vụ việc thi hành án có tính chất khó khăn, phức tạp; khi phân công thư ký xác minh điều kiện thi hành án thì chưa định hướng được cho thư ký xác minh nội dung gì, nội dung nào cần thiết phục vụ cho việc tổ chức thi hành án; chưa kịp thời rà soát, lập thủ tục đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với những trường hợp có đủ điều kiện xét miễn, giảm; về thủ tục niêm yết chưa thực hiện đúng theo quy định; chưa thực hiện đúng về trình tự, thủ tục trước khi kê biên, xử lý tài sản của doanh nghiệp; chậm áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc mà người phải thi hành án có tài sản, có điều kiện thi hành án, nhưng không tự nguyện thi hành; chưa thực hiện đúng về trình tự, thủ tục thi hành án đối với những trường hợp xử lý tài sản liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, tài sản của hộ gia đình, tài sản thừa kế hoặc tài sản có tranh chấp; chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định về việc thông báo cho đương sự biết, để họ thực hiện việc thoả thuận về giá tài sản kê biên, tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá và yêu cầu định giá lại tài sản; không tống đạt thông báo bán đấu giá tài sản cho đương sự biết, để họ thực hiện các quyền theo quy định; chậm ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản đối với những tài sản đã kê biên, đã có chứng thư thẩm định giá hoặc đã ban hành quyết định giảm giá tài sản.
 

     Trước những hạn chế, sai sót trên, ngành đã đưa ra 5 giải pháp chung để khắc phục là: tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống cơ quan THADS trong hai cấp, chú trọng công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ chấp hành viên, thư ký thi hành án và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân; xây dựng cơ chế tuyển dụng, thu hút nhân tài cho các cơ quan THADS, đặc biệt là chú trọng đến chế độ đãi ngộ để thu hút người tài vào làm việc và đảm bảo cho họ yên tâm trong công tác để cống hiến trí lực, sức lực cho cơ quan THADS; thường xuyên họp rút kinh nghiệm trong hoạt động thi hành án, kịp thời khen thưởng những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời xử lý nghiêm những cán bộ có vi phạm; đối với những chấp hành viên, cán bộ thi hành án có dư luận, có nhiều đơn, thư khiếu nại, cần mạnh dạn chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển sang bộ phận khác; tiếp tục kiện toàn đội ngũ chấp hành viên, thư ký và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ; chấp hành viên và thư ký thi hành án dành nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu các văn bản, các quy định của pháp luật.

     Bên cạnh đó, ngành THADS còn đề ra 5 giải pháp cơ bản, để khắc phục hạn chế, sai sót trên, như: tăng cường công tác động viên thuyết phục đương sự tự nguyện trong THADS; tổ chức thi hành án đúng trình tự, thủ tục, rà soát, phân loại án chính xác về việc, về tiền có điều kiện và chưa có điều kiện, trên cơ sở phân loại án đề ra hướng xử lý hồ sơ thi hành án đúng theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc, hướng dẫn thư ký lập hồ sơ thi hành án theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án; tích cực rà soát, theo dõi, lập kế hoạch giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp việc thi hành án chậm trễ, kéo dài, chậm áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; thực hiện đúng trình tự, thủ tục thi hành án liên quan đến việc kê biên, bán đấu giá tài sản. Đối với các tài sản đã kê biên hoặc đang tổ chức bán đấu giá phải theo dõi thường xuyên và kịp thời thực hiện đầy đủ các thủ tục tiếp theo, theo đúng quy định của pháp luật.

     Đồng chí Trần Hoài Phú đánh giá cao về việc Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh đã quan tâm, tổ chức được chuyên đề “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ THADS”. Đồng chí tin rằng, việc các cơ quan THADS Sóc Trăng đã nhìn ra được những hạn chế, sai sót thì sẽ xử lý và khắc phục được những hạn chế, sai sót đó. Từ đó, sẽ đưa công tác THDS Sóc Trăng đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao hơn vào năm 2017. Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam còn có những ý kiến cụ thể, nhằm giúp địa phương tháo gỡ kịp thời hạn chế, sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ THADS.

     Thống nhất ý kiến của Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Liên - Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan THADS tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, phải biết phát huy vai trò của mình trong thi hành pháp luật, nhất là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS. Trong chuyên đề, Cục THADS đã đưa ra được 5 giải pháp chung và 5 giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chấp hành viên trong thi hành nhiệm vụ thì phải cố gắng thực hiện hiệu quả. Quá trình thực hiện, các cơ quan THADS phải tăng cường kiểm tra nội bộ, tự kiểm tra để giải quyết, xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm của ngành; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ban ngành có liên quan, nhất là đối với ngành Tòa án. Tới đây, ngành Tòa án sẽ là ngành trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp; việc nâng cao chất lượng ngành Tòa án sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn của ngành THADS. Riêng đối với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp sẽ tăng cường phối hợp và quan tâm hơn nữa trong cải cách tư pháp, bồi dưỡng chức danh tư pháp đối với ngành THADS.

     Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo trên, đồng chí Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục THADS đã cụ thể hóa để chỉ đạo thực hiện kịp thời trong công tác THADS. Theo đồng chí Lê Trọng Nguyên có 4 vấn đề mà công chức THADS phải quan tâm là: tập trung nghiên cứu pháp luật nhiều hơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; bám sát trình tự thủ thục trong thi hành án; tăng cường học tập kinh nghiệm. Cục trưởng đề nghị công chức trong ngành hãy nhìn lại mình qua hội nghị chuyên đề trên và  phải “năng lực, trách nhiệm” trong thi hành nhiệm vụ.
S.M

Các tin đã đưa ngày: