Qua thi hành án dân sự có thể kiểm tra lại quá trình xét xử trước đó để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử. Bên cạnh đó, thi hành án dân sự còn có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tạo niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lực của Nhà nước.
Chính vì vậy, thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng đã trở thành một nguyên tắc hiến định. Tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Tuy nhiên, thi hành án dân sự không chỉ là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng mà còn là khâu mở đầu của việc giải quyết vụ việc dân sự, điều đó được thể hiện qua nguyên tắc thỏa thuận thi hành án. Tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, quy định: “Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định".
Như vậy, Luật thi hành án dân sự không quy định rõ thời điểm đương sự được quyền thoả thuận thi hành án mà chỉ quy định “đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án”. Điều đó có nghĩa là trong bất kỳ thời điểm nào của quá trình thi hành án dân sự đương sự đều có quyền thỏa thuận với nhau về việc thi hành án và để thỏa thuận đó được công nhận thì chỉ đáp ứng đủ hai yêu cầu rất chung chung như sau: Thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Như vậy, Nhà nước ta khuyến khích các bên đương sự thỏa thuận thi hành án, tạo điều kiện để các bên đương sự thể hiện ý chí của mình trong giai đoạn thi hành án. Quy định này đã nâng quyền công dân lên một bước cao. Tuy nhiên, nó cũng đã thu hẹp lại quyền của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan chức năng liên quan làm phát sinh thêm rất nhiều thủ tục rườm rà, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án. Ví dụ một vài trường hợp như:
Có trường hợp đương sự “kiện cho bỏ ghét” khi thắng kiện rồi thì không yêu cầu thi hành án, hoặc cho người phải thi hành án trả dần. Có trường hợp hai bên người được và người phải thi hành án thỏa thuận rồi nhưng sau đó nhiều lần thay đổi thỏa thuận làm vụ việc kéo dài mà cơ quan thi hành án dân sự không thể làm gì khác được.
Nguyên tắc thỏa thuận trong Luật Thi hành án dân sự mặc dù đầy tính nhân văn nhưng đã làm cho pháp luật giảm tính nghiêm minh, làm cho cơ quan thực thi pháp luật gặp rất nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao.
Nguyên Nguyên