Sign In

Nhật ký quặn lòng của nghề Chấp hành viên

15/07/2021

    Cái kết “đắng” của một số trường hợp nhận nợ thay người thân trong lúc tuổi đã xế chiều
1. Ông Mai năm nay đã ngoài 80 tuổi, lẽ ra độ tuổi này là lúc ông đáng được hưởng phúc với con cháu, ông chỉ mong mỗi cuối tuần con cháu về quây quần bữa cơm gia đình nhưng đối với ông thật khó. Vợ chồng ông có 4 người con, ai cũng lập gia đình sinh sống riêng lẽ, ông sống trong căn nhà hơn 60 năm mà hai vợ chồng đã lam lũ tích góp, giữ gìn. Rồi đến ngày vợ chồng ông chứng kiến cảnh bị chửi rủa, áp lực, nhà cửa bị ném xăng, sơn… do các con ông, bà làm ăn thất bại, nợ nần không có tiền trả lãi cho chủ nợ, không đành lòng ông lấy sổ nhà đất đem thế chấp vay nóng bên ngoài để trả nợ cho các con và tạm thoát khỏi cảnh nặng nề ấy mỗi ngày.

Ngày 31/7/2020, Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh có Quyết định số 82/QĐST-DS và Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) có Quyết định 417/QĐ-CCTHADS có nội dung buộc ông Lý Văn Mai phải trả số tiền nợ 428.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án.

Khi Chấp hành viên cơ quan THADS đến nhà giao Quyết định và lập biên bản xác minh, giải quyết việc thi hành án thì mới hiểu được nguyên nhân mà ông, bà phải trả nợ khá lớn so với tuổi xế chiều; ngoài phần đất cất nhà thì ông, bà không còn tài sản nào khác, nguồn thu nhập cũng không.

Theo nội dung Tòa án tuyên thì ông là người phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án, đã hết thời hạn tự nguyện, Chấp hành viên đã vận động, thuyết phục các bên, thậm chí cho các bên thỏa thuận phương án trả tiền cũng không thỏa thuận được do bản thân ông và các con ông cũng mất khả năng trả nợ. Vậy là tài sản của ông Mai sẽ bị cơ quan THADS kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành án là chuyện sớm muộn.

2. Câu chuyện khác tương tự như ông Mai nhưng theo đúng nghĩa của hai từ “hoàn cảnh” là vụ việc của bà Võ Thị Chấy, 57 tuổi, ngụ Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh: Chấp hành viên tìm ghé nhà bà vào một buổi trưa nắng cháy, thật rát, rất nóng như muốn thiêu đốt tất cả âu lo của người mẹ già làm nông khắc khổ, lam lũ. Công việc chính của bà là đi làm thuê, hai bàn tay chai sần, đen sạm, khô ráp, gần 12 giờ bà vẫn chưa có bữa cơm trưa. Bà kể: bà có 04 người con (03 trai 01 gái) nhưng không nhờ được ai, dù đã trưởng thành nhưng không có nghề nghiệp, không chịu làm ăn mà thường xuyên tụ tập chơi bời, mượn nợ rồi bỏ nhà đi mất. Chủ nợ hết lần này đến lần khác đến đập phá nhà cửa, nói lời nặng nhẹ bà, bà đành phải đứng ra ký giấy nhận nợ, đem sổ nhà đất vay Quỹ tín dụng nhân dân xã 160 triệu trả nợ và giờ thành người phải thi hành án thay cho con.

3. Còn với vụ việc mà theo nội dung Bản án số 135/QĐST-DS ngày 11/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh bà Lan phải trả số tiền 30 triệu thay cho đứa cháu ngoại ở cùng do mua chiếc xe trả góp ở salon gần nhà (dự tính là để ai kêu gì thì có mà đi làm, một phần phụ trả nợ dần, còn lại chi tiêu hàng ngày). Bà là chủ hộ, cũng là người sinh sống tại địa phương từ lâu nên đứng ra mua, có ngờ đâu lấy xe về được vài ngày là đứa cháu và xe đi mất, không đi làm trả nợ cũng không trả xe; không biết ăn nói sao với hàng xóm. Nghe tiếng bước chân lê nặng từng bước từ phía sau nhà đi lên, bà đưa tay áo quệt hai hàng nước mắt. Chồng bà bị tai biến, chỉ đi được quanh quẩn trong nhà, không làm được gì, mọi chuyện cơm áo gạo tiền đều trông cậy vào bàn tay và sức khỏe của bà.

Sau khi được Chấp hành viên giải thích nghĩa vụ của mình, bà cũng nôm na hiểu rằng tương lai cũng chẳng thể làm gì khác ngoài cố gắng làm việc, nhịn ăn để có tiền trả nợ mà không do mình gây ra.
Trên đây là một trong số nhiều vụ việc mà các cơ quan THADS đang phải thụ lý giải quyết. Luật pháp không bảo vệ được họ nên dù muốn dù không, dù có thương con cháu đến mức nào, tránh kết cục bi thương, phải lâm vào hoàn cảnh cuối đời không có chốn trú thân thì cần có sự tính đến khả năng trả nợ trước khi nhận nợ. Vì suy cho cùng họ không còn thời gian và sức lực đủ để có thể làm lại từ đầu, có thể dành dụm tiền đảm bảo cho cuộc sống tiếp theo.

Đối với những trường hợp chủ nợ đến nhà gây áp lực, phá hoại tài sản thì cần có biện pháp, bằng chứng để báo cho cơ quan Công an địa phương can thiệp, có phương án giải quyết theo quy định.

 
Minh Thùy
Chi cục THADS thành phố Tây Ninh

Các tin đã đưa ngày: