Sign In

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Không chia sẻ những bức xúc của dân thì sẽ là một lỗi lớn

21/03/2018

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Không chia sẻ những bức xúc của dân thì sẽ là một lỗi lớn
Ngày 17/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông cáo đặc biệt báo tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần và quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Phan Văn Khải với nghi thức Quốc tang trong 02 ngày 20/3/2018 và ngày 21/3/2018.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhìn nhận một vị Thủ tướng “một lòng vì dân, một đời vì nước”. Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành sự quan tâm sâu sắc đặc biệt đối với công tác thi hành án dân sự với những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ trong việc phải đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước, đồng thời phải nêu cao tính nhân văn, nhân ái trong hoạt động này. Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người dân, Ông yêu cầu phải dân chủ hóa, minh bạch hóa hoạt động thi hành án dân sự “Cần tạo điều kiện để nhân dân giám sát công tác thi hành án, kịp thời phát hiện những việc làm sai trái, thiếu công minh, vi phạm dân chủ, phát hiện và xử lý kiên quyết những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong đội ngũ thi hành án”. Đồng thời, Ông cũng yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự cần chia sẻ những bức xúc của người dân trong quá trình thi hành án “Nhân dân ta còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, trong điều kiện chúng ta chuyển đổi cơ chế kinh tế có nhiều vấn đề mới xuất hiện đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu giải quyết. Nếu chúng ta không đề cao trách nhiệm, không thông cảm và chia sẻ những bức xúc của dân, coi thường dân, tắc trách, thờ ơ trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân thì sẽ là một lỗi lớn”.
Đây vẫn là điều rất đáng suy ngẫm, trăn trở của hoạt động thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay.
Vĩnh biệt Nguyên Thủ tướng, một lần nữa chúng ta cùng suy ngẫm về những trăn trở của Ông tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự vào ngày 30/10/2001 và tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2005.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị năm 2001
Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề chấp hành pháp luật. Pháp luật sau khi ban hành phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh trong tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, trong cán bộ, công chức và trong nhân dân. Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu xây dựng một xã hội có kỷ cương, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật của Nhà nước. Có thể nói, đây là một vấn đề tồn tại lớn của nước ta hiện nay. Chúng ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước với chế độ chính trị tốt đẹp nhưng trật tự, kỷ cương xã hội còn nhiều tồn tại so với các nước. Hội nghị này bàn bạc giải quyết một vấn đề bức xúc mà Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm là làm thế nào các bản án dân sự khi có hiệu lực pháp luật thì được thi hành một cách nghiêm chỉnh, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của doanh nghiệp được bảo vệ, kỷ cương phép nước được tôn trọng, trật tự xã hội được củng cố. Đó là điều mong muốn của Đảng, Nhà nước cũng như của nhân dân chúng ta hiện nay.
Tám năm qua, kể từ khi nhiệm vụ quản lý và tổ chức thi hành án dân sự được chuyển từ Tòa án sang Chính phủ và chính quyền địa phương, Ngành Tư pháp của chúng ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án dân sự. Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự đã được triển khai đến các quận, huyện trong cả nước. Công tác thi hành án dân sự bước đầu đạt được những kết quả tích cực, số lượng án tồn đọng qua tám năm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi hành án vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập: đội ngũ cán bộ thi hành án còn thiếu, chất lượng chuyên môn chưa đều, hiện tượng tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong đội ngũ thi hành án vẫn xảy ra ở một số địa phương. Nhân dân phản ánh việc thi hành án còn chưa kịp thời và nghiêm minh, khiếu nại về thi hành án còn nhiều nhưng chúng ta giải quyết chưa dứt điểm.
Thi hành án dân sự là công việc có nhiều khó khăn, phức tạp như các đồng chí đã phát biểu. Phức tạp vì cơ sở pháp lý và do điều kiện của chúng ta. Nhiều bản án Tòa án đã tuyên và có hiệu lực pháp luật nhưng trong thực tế không thi hành được. Công việc thì khó khăn, phức tạp nhưng nếu chúng ta làm được sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, duy trì kỷ cương, phép nước.
Việc thi hành án tác động trực tiếp đến lợi ích vật chất và tinh thần của người phải thi hành và người được thi hành, đến danh dự, đến uy tín của những người này và của gia đình họ. Vì vậy, cán bộ thi hành án phải đề cao trách nhiệm, công tâm, khách quan, phải thông hiểu pháp luật và có bản lĩnh vững vàng, phải thực sự “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” như Bác Hồ đã dạy.
Các bản án và quyết định của Tòa án được đưa ra thể hiện quyền lực của chính quyền nhân dân, nếu không được tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ sẽ tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân và hiệu lực của Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Các cơ quan chức năng và cán bộ thi hành án cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc thi hành án để tổ chức và thực hiện nghiêm túc, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm trong công tác của mình.
Báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự đã đánh giá đầy đủ tình hình công tác này trong thời gian qua. Qua 2 ngày thảo luận, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến. Tôi chỉ xin nhấn mạnh 4 vấn đề:
Một là, chúng ta phải quan tâm hơn nữa việc củng cố và xây dựng hệ thống cơ quan Thi hành án. Các cơ quan này cần bổ sung đủ biên chế cho phép, có trụ sở làm việc, có phương tiện cần thiết bảo đảm cho công tác thi hành án, trước hết tập trung cho các địa phương có nhiều án dân sự rồi chúng ta mở rộng dần tới các địa phương khác. Tại Hội nghị này, các đồng chí đại biểu phản ánh cán bộ thi hành án phải đi bằng xe đạp, nhiều nơi phương tiện giao thông không tới được… Còn nhiều nơi rất khó khăn, chúng ta giải quyết một lúc thì cũng khó. Chúng ta phải làm có trọng tâm, có trọng điểm, làm từng bước. Nhưng phải bổ sung đủ biên chế, đủ điều kiện, đủ phương tiện cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ, đây là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Cán bộ thi hành án phải được đào tạo, có năng lực và phẩm chất tốt, để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cần tạo điều kiện để nhân dân giám sát công tác thi hành án, kịp thời phát hiện những việc làm sai trái, thiếu công minh, vi phạm dân chủ, phát hiện và xử lý kiên quyết những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong đội ngũ thi hành án.
Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ cơ quan Thi hành án. Phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và nhân dân với các cơ quan Thi hành án trong công tác thi hành án dân sự, giáo dục nhân dân ý thức tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi coi thường kỷ cương luật pháp.
Bộ Tư pháp cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra thi hành án, phát hiện những vướng mắc và vi phạm trong thi hành án dân sự để xử lý kịp thời, giảm mạnh số lượng các vụ án dân sự tồn đọng chưa được thi hành. Một trong những mục tiêu của chúng ta hiện nay là làm thế nào để giảm nhanh số lượng các vụ án còn đang tồn đọng rất lớn. Qua ý kiến các đồng chí phát biểu cho thấy, ở mỗi địa phương số lượng các vụ án dân sự cần phải thi hành hết sức lớn, nhưng mà vụ án tồn đọng thi hành án thì cũng rất nhiều.
Ba là, hiện nay tình hình khiếu nại về thi hành án rất gay gắt, chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng số các khiếu kiện của dân gửi đến các cơ quan nhà nước. Có những vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm, nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo, dân không đồng tình. Tình hình này đáng lo ngại, nếu như chúng ta không tập trung giải quyết sẽ dẫn đến những hậu quả rất xấu. Nhân dân ta còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, trong điều kiện chúng ta chuyển đổi cơ chế kinh tế có nhiều vấn đề mới xuất hiện đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu giải quyết. Nếu chúng ta không đề cao trách nhiệm, không thông cảm và chia sẻ những bức xúc của dân, coi thường dân, tắc trách, thờ ơ trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân thì sẽ là một lỗi lớn. Ngành Tư pháp cần tích cực, khẩn trương chủ động bàn bạc với các ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp để giải quyết sớm tình hình này. Làm được điều đó là chúng ta đóng góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bốn là, qua phát biểu của các đồng chí và trao đổi của đồng chí Bộ trưởng, chúng ta cần nghiên cứu phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương như thế nào trong việc thi hành án cho hợp lý. Đề nghị qua hội nghị này, Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, phân cấp cho địa phương trong việc chỉ đạo thi hành án, việc quản lý cán bộ, việc bổ nhiệm cán bộ. Việc khiếu kiện về việc thi hành án nếu chúng ta tập trung lên trung ương thì không thể nào giải quyết được. Ngay cả mô hình tổ chức và tên gọi của cơ quan Thi hành án hiện nay như các đồng chí ở địa phương đã có ý kiến, tôi thấy là hợp lý. Cơ quan thực thi quyền lực không thể gọi là Đội được. cơ quan Thi hành án phải thực sự có quyền, mà quyền lớn nhất là quyền yêu cầu phải thi hành án. Mô hình tổ chức cơ quan Thi hành án ở tỉnh, ở huyện cần được đổi mới như thế nào để nâng cao hiệu quả thi hành án, góp phần lập lại trật tự kỷ cương xã hội của chúng ta và làm cho nhân dân của chúng ta có ý thức chấp hành pháp luật một cách nghiêm minh. Đó là một vấn đề mà theo tôi còn tồn đọng. Qua Hội nghị này, đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp cần tổ chức nghiên cứu và chỉ đạo công tác thi hành án cho tốt, tạo ra chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2005.
Công tác thi hành án dân sự cũng có những tiến bộ. Sáu giải pháp lớn của Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đã được Bộ Tư pháp tích cực triển khai. Số lượng án tồn đọng đang có xu hướng giảm dần, số người tự nguyện thi hành án tăng lên. Nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, không coi vấn đề thi hành án dân sự chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan tư pháp.
...Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những định hướng quan trọng về củng cố và phát triển các cơ quan tư pháp trong những năm tới. Ngành Tư pháp cần đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, khắc phục tình trạng án tồn đọng, giải quyết dứt điểm số vụ việc thi hành án phức tạp, khiếu nại kéo dài. Trước mắt, cần tập trung triển khai tốt Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và khẩn trương soạn thảo Bộ luật Thi hành án để sớm trình Quốc hội cho ý kiến. Cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Thực tiễn cho thấy, sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp Trung ương với cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt của công tác thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự


Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: