Sign In

Vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự: Tiết kiệm thời gian và công sức

28/09/2023

Vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự: Tiết kiệm thời gian và công sức
(Baothanhhoa.vn) - Nhằm phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao, cùng với việc đề ra các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án thì việc vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án (THA) là phương pháp được các Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh áp dụng, góp phần tiết kiệm chi phí cưỡng chế, thời gian, công sức của đương sự và chấp hành viên, hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
“Kim chỉ nam” trong THA
“Trong quá trình THA, chúng tôi nhận thấy công tác vận động, thuyết phục trong giai đoạn THA dân sự không phải là việc dễ dàng, vì ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc THADS, nhất là người phải THA còn hạn chế. Nhiều đương sự khi được chấp hành viên giải thích, vận động, thuyết phục đã có thái độ thiếu tôn trọng, không hợp tác, nhiều trường hợp người phải THA cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, đi khỏi địa phương nhằm mục đích kéo dài việc THA” - đồng chí Trương Anh Quyết, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bá Thước trao đổi với chúng tôi.
Cán bộ Chi cục THADS huyện Bá Thước phối hợp với các ngành, địa phương vận động, thuyết phục người dân thi hành bản án
Theo đồng chí Trương Anh Quyết, với quyết tâm không để lọt án, chi cục thường xuyên rà soát phân loại án để có biện pháp thi hành dứt điểm. Đối với những vụ việc có điều kiện thi hành, chi cục giao nhiệm vụ đến từng chấp hành viên theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành”. Đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp chủ động báo cáo Cục THADS tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS huyện cho chủ trương giải quyết. Do đó, nhiều vụ việc đương sự cản trở, chống đối tưởng chừng bế tắc nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Cục THADS tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS huyện, cũng như làm tốt công tác vận động, thuyết phục mà vụ việc được thi hành và giải quyết êm xuôi. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục THADS huyện Bá Thước đã vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện và thỏa thuận việc THA, giải quyết dứt điểm 12 vụ việc với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng và giao thành công 16.703m2 đất ở và đất lâm nghiệp.
Điển hình như tại Bản án số 03/2018/DSST, ngày 30-5-2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Bản án số 77/2019/DSPT, ngày 18-6-2019 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, ông Hà Văn Thanh và bà Phạm Thị Toàn, trú tại thôn Thúy, xã Thiết Ống phải trả cho ông Hà Văn Hoành cùng thôn diện tích 864,7m2 đất. Quá trình giải quyết vụ việc ông Thanh, bà Toàn có hành vi chống đối, cản trở việc THA, thường xuyên lợi dụng việc ủy quyền cho người thứ ba để có đơn tố cáo, cầu cứu vượt cấp tới các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm làm giảm uy tín của cơ quan THA, cũng như tình hình chính trị địa phương. Để thi hành dứt điểm vụ việc, Chi cục THADS huyện Bá Thước đã ban hành quyết định cưỡng chế và ấn định thời gian cưỡng chế theo quy định. Sau hai ngày kiên trì phối hợp vận động, thuyết phục, người phải THA đã nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ THA của mình, đồng thời tự nguyện bàn giao tài sản cho người được THA. Việc giao tài sản đã được tổ chức thực hiện dứt điểm trước thời điểm cưỡng chế 3 ngày.
Cũng như Chi cục THADS huyện Bá Thước, những năm qua, Chi cục THADS TP Sầm Sơn đã luôn áp dụng giải pháp vận động, thuyết phục các đương sự thi hành bản án. Đồng chí Nguyễn Anh Văn, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Sầm Sơn, chia sẻ “Trung bình mỗi năm, chi cục tiếp nhận từ 400 đến 500 vụ việc, trong đó phần lớn án thụ lý là các vụ án đánh bạc, tranh chấp dân sự, án hình sự về ma túy (do người phạm tội có địa chỉ tại TP Sầm Sơn phạm tội từ nơi khác), án tín dụng ngân hàng. Do số vụ việc ngày càng tăng cao, tính chất ngày càng phức tạp, nhiều đối tượng phải THA không có điều kiện kinh tế, bỏ đi khỏi địa phương, không có tài sản nên công tác xác minh điều kiện THA trên địa bàn tốn rất nhiều thời gian, dẫn đến việc THADS kéo dài.
Để khắc phục khó khăn trên, chi cục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả THADS, trong đó tập trung vào công tác giáo dục, vận động, thuyết phục theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Cụ thể, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong THADS, trong 11 tháng năm 2023, Chi cục THADS TP Sầm Sơn đã thụ lý và tổ chức THA đối với 800 vụ việc, trong đó có 609 vụ việc có điều kiện thi hành, chi cục đã giải quyết xong 489 việc, đạt tỷ lệ 80,3%; giải quyết xong được gần 30 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 65%, vượt 19% chỉ tiêu giao. “Chính vì tầm quan trọng trên nên chúng tôi luôn coi phương pháp vận động, thuyết phục như là “kim chỉ nam” trong quá trình nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị của địa phương, nâng cao tỷ lệ thi hành xong về tiền của đơn vị cũng như toàn tỉnh” - đồng chí Nguyễn Anh Văn cho biết.
Giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp
Ðộng viên, thuyết phục đương sự tự nguyện THA được coi là giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích” được cán bộ, chấp hành viên của các chi cục THADS trong tỉnh vận dụng sáng tạo, qua đó giải quyết nhanh chóng và hạn chế các vụ việc phải tiến hành cưỡng chế phức tạp, kéo dài ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Theo số liệu của Cục THADS tỉnh, 10 tháng năm 2023, cơ quan THADS tỉnh đã thi hành xong 11.345 việc, đạt tỷ lệ 77,12%; thu được số tiền 319.634.612 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 33,89%. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm; các đơn vị THA đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế THA với 196 vụ việc, trong đó có 21 vụ đương sự tự nguyện THA trước khi tổ chức cưỡng chế (giảm 49 trường hợp so với cùng kỳ).
Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: THADS là một hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người được THA và người phải THA. Vì vậy, trong quá trình tổ chức THADS thì công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA là phương châm của công tác dân vận khéo trong hoạt động THA và là phương pháp đầu tiên được chấp hành viên sử dụng trong các vụ việc dù đơn giản hay phức tạp. Vì vậy, để đạt được kết quả, ngoài việc nắm chắc các quy định pháp luật, chấp hành viên còn phải am hiểu về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của địa phương; tranh thủ tốt sự ủng hộ của người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ... Khi được phân công tổ chức thi hành vụ việc, chấp hành viên nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án và tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền, cấp ủy, đoàn thể của các xã, thị trấn để tăng cường vận động, đôn đốc thuyết phục đương sự. Nhờ đó, nhiều vụ việc THA phức tạp, rơi vào bế tắc, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ vào sự phối hợp giữa cơ quan THADS và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương kiên trì vận động, thuyết phục nên người phải THA đã thay đổi từ thái độ chống đối, không hợp tác sang tự nguyện THA. Đặc biệt, có những vụ việc đã kéo dài 6 năm như vụ bà Trần Thị Năm, ở xã Xuân Phú (Thọ Xuân) phải giao tài sản là nhà, đất cho người trúng đấu giá đã được Chi cục THADS huyện Thọ Xuân tổ chức thi hành dứt điểm. Hay vụ ông Nguyễn Văn Thành, bà Nguyễn Thị Dung phải trả nợ cho Ngân hàng Công Thương Sầm Sơn kéo dài hơn 22 năm, nhưng đến nay Chi cục THADS TP Sầm Sơn đã thi hành dứt điểm.
“Có thể khẳng định, việc vận động, thuyết phục trong giai đoạn THADS không chỉ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà còn giúp cho chấp hành viên không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế, góp phần tiết kiệm chi phí cưỡng chế, tiết kiệm được thời gian, công sức của đương sự và chấp hành viên. Đặc biệt là rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc và hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong THADS" - đồng chí Hoàng Văn Truyền nhấn mạnh.
Nguồn: Theo Ngân Hà, baothanhhoa.vn

Các tin đã đưa ngày: