Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực thi công vụ được triển khai đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả, ngay từ đầu năm 2021, Cục THADS tỉnh đã xây dựng kế hoạch và xác định cụ thể nhiệm vụ để phân công, phân nhiệm đến các cá nhân, đơn vị. Đồng thời, đề ra các giải pháp bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình của từng đơn vị. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch, cục chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cùng với đó, tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, người lao động trong toàn hệ thống các cơ quan THADS, nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Cụ thể, đã ban hành kế hoạch kiểm tra và tổ chức tự kiểm tra, kiểm tra theo Quyết định số 1069/QĐ-TCTHADS ngày 23-12-2020 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính cho các cơ quan THADS địa phương năm 2021; trong đó chú trọng kiểm tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm phòng ngừa tham nhũng, được đảng ủy, lãnh đạo cục chỉ đạo toàn ngành THADS tập trung thực hiện là công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan THADS, thông qua báo cáo công tác THADS gửi HĐND các cấp, qua phản ánh của báo chí, truyền hình và trang thông tin điện tử của cục, qua đó, giúp Nhân dân và các cơ quan giám sát nắm bắt, giám sát hoạt động của các cơ quan THADS. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công khai thủ tục thi hành án, danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án Nhân dân và thông tin liên quan đến lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản lên cổng/trang thông tin điện tử THADS, cổng thông tin điện tử bán đấu giá tài sản; công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của các cơ quan THADS để tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời thông tin về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến THADS; công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc THADS cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết; công khai, dân chủ trong quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức THADS; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, dân chủ trong tổ chức, cán bộ; công khai, minh bạch trong lập dự toán, cấp phát kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản; xây dựng, ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách Nhà nước; công khai quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định. Ban hành, công bố và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo hướng hệ thống toàn bộ các thủ tục tổ chức thi hành án, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Ngoài ra, Cục THADS cũng chú trọng việc kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong đơn vị; thực hiện quy chế văn hóa công sở, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công khai tài chính. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với công dân nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tham mưu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan THADS địa phương. Quán triệt cán bộ, công chức thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức ngành tư pháp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Với việc triển khai nghiêm túc từ khâu tuyên truyền, giáo dục, đến khâu tổ chức thực hiện và nhất là đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành nhiệm vụ thường xuyên; nên năm 2021, hệ thống các cơ quan THADS của tỉnh không để xảy ra hành vi tham nhũng, lãng phí; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác THADS và theo dõi thi hành án hành chính. Cụ thể, năm 2021, tổng số việc được thụ lý là 19.890 việc (trong đó, năm trước chuyển sang 4.902 việc; thụ lý mới 14.988 việc). Tổng việc phải thi hành là 19.704 việc (có điều kiện thi hành là 16.501 việc, chiếm 83,74%). Trong số việc có điều kiện, đã thi hành xong 13.857 việc, đạt 83,98% (so với chỉ tiêu do Tổng cục THADS giao vượt 1,48%); số việc phải giải quyết chuyển kỳ sau là 5.847 việc. Tổng số tiền thụ lý là 2.313 tỷ 801 triệu 454 nghìn đồng (trong đó, năm trước chuyển sang 1.326 tỷ 272 triệu 875 nghìn đồng, số thụ lý mới 987 tỷ 528 triệu 579 nghìn đồng). Tổng số tiền phải thi hành là 2.043 tỷ 438 triệu 572 nghìn đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là 972 tỷ 502 triệu 274 nghìn đồng (chiếm tỷ lệ 47,59%). Trong số có điều kiện, đã thi hành xong 454 tỷ 781 triệu 656 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 46,76% (so với chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao vượt 6,66%); số tiền phải giải quyết chuyển kỳ sau là 1.588 tỷ 656 triệu 916 nghìn đồng.
Cũng trong năm 2021, tòa án Nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan THADS 95 bản án, quyết định hành chính (trong đó có 17 bản án có nội dung theo dõi và 78 bản án không có nội dung theo dõi). Các cơ quan THADS đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 17 bản án, quyết định; đăng tải công khai 5 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 1 vụ và có 1 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm do không chấp hành án (vụ bà Trịnh Thị Hường ở huyện Yên Định, cơ quan THADS đã ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm do không chấp hành án). Kết quả, có 13 vụ việc được theo dõi đã thi hành xong, 4 vụ việc chưa thi hành xong. Cục THADS và các chi cục đã tiếp 34 lượt công dân đến nộp đơn khiếu nại, kiến nghị và đề nghị; tiếp nhận 88 đơn (56 đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, 23 đơn khiếu nại, 9 đơn tố cáo) và đã xử lý, giải quyết 88/88 đơn, đạt 100%. Trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo có 8 vụ việc khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế kê biên tài sản; không có vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài xác định theo tiêu chí tại Quyết định số 1397/QĐ-TCTHADS ngày 30-12-2016 của Tổng cục THADS.
Để tiếp tục hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, năm 2022, Cục THADS tỉnh xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục và là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan THADS, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu, do vậy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác và thống nhất cao về ý chí, hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được xác định là một giải pháp quan trọng. Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong thực thi công vụ, ngay từ đầu năm 2022, trên cơ sở kế hoạch đã được xây dựng, Cục THADS đã bắt tay ngay vào công việc. Trong đó, tập trung xử lý các vụ việc kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ việc thi hành án hành chính của chính quyền các cấp. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức THADS. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn ngừa các tiêu cực, sai phạm nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của cơ quan tố tụng.
Nguồn: Khôi Nguyên, Báo Thanh Hóa