Vừa qua ngành THADS Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị sơ kết 06 tháng công tác đầu năm. Theo đó. Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền 06 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/3/2022) như sau. Về việc: Tổng số bản án, quyết định đã nhận là 5.529 bản án, quyết định; Tổng số giải quyết là 12.826 việc , trong đó số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 5.865 việc; Số thụ lý mới là 6.961 việc, giảm 1.163 việc, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Về tiền: Tổng số giải quyết là 2.355 tỷ 472 triệu 424 nghìn đồng , trong đó số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 1.585 tỷ 325 triệu 293 nghìn đồng; Số thụ lý mới là 770 tỷ 147 triệu 131 nghìn đồng, tăng 248 tỷ 759 triệu 190 nghìn đồng, tăng 47,71% so với cùng kỳ năm 2021.
Về kết quả tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân trong các trại giam thuộc Bộ Công an: tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 2.732 việc, tương ứng với số tiền 100 tỷ 348 triệu 291 nghìn đồng. Số có điều kiện là 1.681 việc tương ứng số tiền 24 tỷ 892 triệu 733 nghìn đồng. Đã thi hành xong 1.017 việc thu được số tiền 10 tỷ 030 triệu 893 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 60,5% về việc và 40,3% về tiền trên số có điều kiện của loại việc này.
Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 88 trường hợp (tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021). Do có 10 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án trước khi cưỡng chế và 14 trường hợp ra quyết định cưỡng chế nhưng chưa tiến hành cưỡng chế, nên số việc phải tổ chức cưỡng chế là 64 trường hợp (giảm 01 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó có 62 cuộc cưỡng chế thành công (đạt tỷ lệ 96,88% trên tổng số việc tổ chức cưỡng chế), số việc cưỡng chế không thành công là 02 việc.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Cục và các Chi cục đã tiếp 13 lượt công dân đến nộp đơn, khiếu nại, kiến nghị và đề nghị. Công tác tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, đảm bảo áp dụng đúng Quy chế tiếp công dân. Việc tiếp công dân tại đơn vị đều được lập biên bản, vào sổ tiếp công dân và xử lý kịp thời; thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc định kỳ tiếp công dân. Hầu hết các Chi cục đã ban hành, niêm yết lịch và nội quy tiếp công dân. Tính đến ngày 31/3/2022 các cơ quan THADS trong tỉnh đã tiếp nhận 36 đơn gồm: 19 đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, 12 đơn khiếu nại, 5 đơn tố cáo. Đã xử lý, giải quyết 35/36 đơn, đạt 97,2%.
Về công tác tổ chức, cán bộ. Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 253/270 biên chế được giao (Cục 33/36, các Chi cục 220/234), còn thiếu 17 biên chế. Cơ cấu cán bộ gồm 115 Chấp hành viên (trong đó: 35 CHVTC, 80 CHVSC); 32 Thẩm tra viên (trong đó: 03 TTVC, 29 TTV); 49 Thư ký thi hành án (trong đó: 08 thư ký trung cấp và 41 thư ký THA), còn lại là các chức danh khác. Đội ngũ lãnh đạo cấp Cục và Chi cục đã cơ bản kiện toàn đầy đủ: Lãnh đạo Cục THADS tỉnh có: 03 đồng chí (01 Cục trưởng, 02 Phó cục trưởng); lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục gồm: 05 Trưởng phòng và tương đương, 09 Phó trưởng phòng và tương đương; 26/27 Chi cục có cấp trưởng (01 Chi cục giao Phó phụ trách); 07/27 Chi cục thiếu cấp phó (Chi cục Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Mường Lát).
06 tháng đầu năm, Cục đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục THADS tỉnh đối với ông Hoàng Văn Truyền; bổ nhiệm mới 01 chức danh Chi cục trưởng (Ông Hoàng Minh Tâm - Chi cục THADS thị xã Bỉm Sơn), 01 Phó Chi cục trưởng giao phụ trách đơn vị (Ông Lê Văn Khoa – Chi cục THADS huyện Hà Trung); chuyển đổi vị trí công tác cho 02 chức danh Kế toán trưởng tại Cục THADS tỉnh. Trong 06 tháng đầu năm 2022 Cục THADS tỉnh Thanh Hoá cũng đã thực hiện điều động, bổ nhiệm một số nhân sự, chức danh để phù hợp hơn với công việc trong tình hình mới…
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực trong 06 tháng công tác đầu năm 2022. Ngành THADS tỉnh Thanh Hoá vẫn đang đối mặt với những khó khăn tồn đọng cụ thể. Do dịch bệnh. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân bị đình trệ; còn nhiều tài sản phải hạ giá, tổ chức bán đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua tài sản. Đối với người dân thu nhập bị giảm sút cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án nói chung.
Công tác thi hành các vụ việc tín dụng, ngân hàng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế; khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Kinh phí tạm ứng cưỡng chế được giao ít, không đáp ứng nhu cầu tạm ứng cho các đơn vị. Cơ sở vật chất của một số Chi cục còn khó khăn, chưa có kho vật chứng, trụ sở xuống cấp chưa được đầu tư.
Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số lãnh đạo Chi cục THADS cấp huyện chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chưa thực sự quyết liệt, bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao tỷ lệ giải quyết. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, Chấp hành viên không đồng đều, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao; chưa tích cực học tập, nghiên cứu, chủ động trong công việc.
Theo Đức Thọ, baophapluat.vn