Sign In

Kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS huyện Hậu Lộc

26/11/2020

Kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS huyện Hậu Lộc
Chiều ngày 25/11/2020, UBND huyện Hậu Lộc đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 4733/QĐ-UBND ngày 06/11/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện.
Đồng chí Yên Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện được cử làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đông chí Lê Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc làm Phó trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện các Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính-kế hoạch; Phòng Tài nguyên và môi trường; Phòng Kinh tế và hạ tầng; Đại diện Công an huyện; Ban Chỉ huy quân sự huyện. Mời tham gia thành viên Ban Chỉ đạo còn có đại diện Mặt trận Tổ quốc huyện; Đại diện TAND huyện; Đại diện Hội Phụ nữ; Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc giai đoạn 2018 – 2020 được kiện toàn theo Quyết định số 3195/QĐ-UBND ngày 24/10/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc, đến ngày 01/7/2020, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo về nghỉ chế độ theo quy định, các thành viên khác, do yêu cầu công tác được tổ chức điều động, luân chuyển nên không còn tham gia Ban Chỉ đạo nữa. Để việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện được thường xuyên, không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến công tác thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Ban Chỉ đạo có vai trò tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hậu Lộc, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện đã chỉ đạo toàn diện công tác thi hành án dân sự tại địa phương, kết quả thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực. Các thành viên Ban Chỉ đạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhất là giải quyết các vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc, công tác phối hợp trong thi hành án dân sự đã nhận được sự quan tâm tích cực của các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành được duy trì nhịp nhàng, đồng bộ.
Sự phối hợp giữa Chi cục Thi hành án dân sự với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong huyện về công tác thi hành án dân sự đạt được nhiều kết quả trong công tác hòa giải, thuyết phục người phải thi hành án tự  nguyện thi hành. Đối với những vụ việc mà đương sự cố tình chống đối, buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đóng vai trò quan trọng, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật trong quần chúng để người phải thi ahnfh án hiểu được và tự giác chấp hành.
Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện đã chỉ đạo những vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, đặc biệt là những vụ việc phải có ý kiến của nhiều ngành, những vụ việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án. Trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế, Chi cục Thi hành án dân sự luôn kịp thời báo cáo đồng chí Trưởng ban xin ý kiến chỉ đạo. Tiến hành họp Ban Chỉ đạo có sự tham gia của các ngành, địa phương có liên quan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là sự phối hợp với cơ quan Công an huyện trong công tác xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế. Vì vậy, các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án đều thành công, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trước, trong và sau cưỡng chế. Không để xảy ra trường hợp khiếu nại kéo dài, góp phần vào việc tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. Cụ thể: Vụ việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá tại thị trấn Hậu Lộc (người phải thi hành án là bà Nguyễn Thị Dậu, địa chỉ: Khu 4 thị trấn Hậu Lộc phải thanh toán nợ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam số tiền trên 1,7 tỷ đồng); Vụ việc cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa, phải trả nợ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam số tiền trên 187 tỷ đồng; Vụ việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá tại xã Phú Lộc (người phải thi hành án là ông Hoàng Xuân Túc phải thanh toán nợ cho cá nhân số tiền là 350 triệu đồng) và nhiều vụ việc khác trong quá trình tổ chức thi hành án có vướng mắc, Chi cục Thi hành án dân sự đều trực tiếp báo cáo kịp thời và xin ý kiến chỉ đạo từ đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU ngày 05/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính. Tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, xây dựng kế hoạch hoạt động; Chủ động báo cáo và đề xuất những vụ việc khó khăn, phức tạp trình Ban Chỉ đạo cho ý kiến; Chủ động, tập trung lực lượng tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc trên địa bàn; Tham mưu cho Ban Chỉ đạo kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và chính quyền cơ sở phối kết hợp chặt chẽ với đơn vị để giải quyết kịp thời hiệu quả việc thi hành án.
Báo cáo tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự giai đoạn 2018-2020 cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: Sự chỉ đạo đối với công tác phối hợp trong thi hành án dân sự của Ban Chỉ đạo còn có những hạn chế nhất định. Hoạt động phối hợp giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện với các cơ quan, ban, ngành liên quan đôi lúc chưa kịp thời, chưa nhịp nhàng; Công tác phối hợp với Trại tạm giam, Trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù còn hạn chế, việc thông báo các văn bản, quyết định về thi hành án cho người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện nhưng mất nhiều thời gian, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án; Việc phối hợp giải quyết thi hành án tại cơ sở còn gặp một số khó khăn, lãnh đạo một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự trên địa bàn mình, một số cán bộ chuyên môn cấp xã còn kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa chủ động tham gia cùng Chi cục Thi hành án trong công tác thi hành án; Công tác tham mưu của Chi cục Thi hành án dân sự cho Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo giải quyết án tồn, án khó khăn phức tạp chưa được thường xuyên, liên tục.
Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại dẫn đến kết quả thi hành án, đó là: Các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm và đang giữ vị trí chủ chốt tại các cơ quan khác nhau, không có nhiều thời gian tập trung, chuyên sâu chỉ đạo phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự; Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, còn có thái độ xem thường pháp luật, không tự nguyện, cố tình trì hoãn, tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án; Số lượng án tồn (chủ yếu là án khó thi hành) từ những năm trước chuyển sang còn nhiều; Các vụ việc thi hành án ngày càng tăng về số việc và giá trị phải thi hành; Việc vỡ tín dụng đen trên địa bàn huyện dẫn đến mất khả năng thanh toán ngày càng nhiều. Án dân sự trong hình sự và án phí các vụ án dân sự khi đưa ra thi hành đa số không có điều kiện thi hành, người phải thi hành án không có tài sản, không có mặt tại nơi cư trú mà không xác định được địa chỉ mới; Không ít trường hợp, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng  theo quy định của Luật Thi hành án dân sự tài sản không được phép kê biên hoặc quy trình xử lý phức tạp nên chưa giải quyết được.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Hậu Lộc trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo: Các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự  cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác thi hành án dân sự, tăng cường sinh hoạt thường xuyên, định kỳ theo Quy chế.
 Chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo kế hoạch của ngành giao năm 2021. Tập trung rà soát, phân loại án để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tổ chức thi hành án có hiệu quả. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc có giá trị lớn; Án tín dụng, ngân hàng để giảm bớt án tồn đọng, không để phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Chi cục Thi hành án dân sự cần chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 82-KH/HU ngày 26/11/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU ngày 05/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính.
 Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Chi cục Thi hành án dân sự cần phối hợp với các trại giam, trại tạm giam thu tiền án phí và các khoản thu khác đối với các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam và trại tạm giam. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân  huyện thực hiện kịp thời việc xét miễn, giảm đối với các vụ việc đủ điều kiện xét miễn, giảm.
 Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhiệm vụ, khối lượng công việc của Chi cục Thi hành án dân sự ngày càng nhiều, nặng nề, tính chất công việc khó khăn, phức tạp hơn trước. Để công tác thi hành án đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác thi hành án, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với hoạt động thi hành án, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Tin bài: Tào Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hậu Lộc

 

Các tin đã đưa ngày: