Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, sáng ngày 10/02/2023, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Ngân Trung và tài sản của Công ty TNHH Gia Phát (là bên thứ ba thế chấp tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Ngân Trung) để thi hành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thi hành án của Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Ngân Trung gồm 11 xe ô tô và Sơ mi rơ mooc, trong đó có nhiều tài sản là của bên thứ ba. Đến thời điểm Cưỡng chế Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Ngân Trung chỉ suất trình được 02 tài sản. Vì vậy Chấp hành viên chỉ thực hiện kê biên đối với 02 tài sản là 01 Xe tải và 01 Sơ mi rơ mooc.
Nhờ làm tốt công tác động viên, thuyết phục nên tại buổi kê biên, người phải thi hành án, người thứ ba có tài sản bảo đảm đã tự nguyện giao tài sản và nhận trông coi tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế việc xử lý đối với tài sản bảo đảm là động sản còn nhiều khó khăn, đó là khi nhận thế chấp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thực hiện giữ tài sản mà chỉ giữ giấy tờ pháp lý nên nhiều trường hợp khách hàng vay, bên có tài sản đã di chuyển tài sản đi đâu không rõ địa chỉ. Trong quá trình xét xử, Tòa án chỉ căn cứ vào nội dung của hợp đồng thế chấp để giải quyết. Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan THADS không thể truy tìm được tài sản thế chấp để tiến hành kê biên, xử lý để thi hành án. Mặt khác, động sản là tài sản rất dễ bị tẩu tán, nên quá trình xác minh, kê biên, xử lý tài sản cũng có thể phát sinh nhiều tình huống phức tạp... Từ đó dẫn đến vụ việc khó thi hành, tồn đọng kéo dài. Thiết nghĩ cần phải có chế tài đủ mạnh để thực thi đối với chủ thể có tài sản thế chấp nhưng không xuất trình được tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.
Tin bài: Hạnh Sang, Chi cục THADS thị xã Bỉm Sơn