Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang; Ông Nguyễn Văn Vĩnh, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Bà Nguyễn Thị Sáng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Lê Văn Nghĩa, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn tỉnh.
Cần quán triệt tư tưởng các luật sư
Sau khi lắng nghe báo cáo của địa phương, các thành viên Đoàn công tác cơ bản thống nhất và đánh giá cao với nội dung báo cáo. Tuy nhiên, Đoàn yêu cầu tỉnh làm rõ một số vấn đề quan trọng mà báo cáo chưa nêu hoặc nêu chưa cụ thể để Đoàn nắm bắt đầy đủ về hiệu quả thực hiện 2 văn kiện này ở địa phương.
Bà Đặng Kim Thoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, tỉnh cần đánh giá sâu sắc hơn nữa về một số thông tin liên quan hoạt động công chứng, thừa phát lại… Theo bà Thoa, về hoạt động tổ chức hành nghề công chứng, báo cáo chỉ cung cấp số liệu, số lượng các văn phòng, tổ chức mà chưa thấy đánh giá hoạt động công chứng. Đồng thời, địa phương chưa làm rõ những động thái của tỉnh trong việc cho thành lập và kiểm soát hoạt động công chứng. Ngoài ra, bà Thoa đánh giá cao công tác kiểm tra Chỉ thị 33 của Tiền Giang. Tiền Giang rất quan tâm đến hoạt động nghề luật, đặc biệt là kiện toàn cơ bản nhân sự Đoàn Luật sư Tiền Giang. Tuy nhiên, “cần quán triệt tư tưởng của các luật sư. Đồng thời, đánh giá trách nhiệm xã hội luật sư về trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật”, bà Thoa yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục THADS, Nghị quyết 49 nêu rõ về việc chấp hành Tố tụng hành chính ở địa phương nhưng chưa thấy làm rõ trong báo cáo. “Qua khảo sát, thấy được một số địa phương vẫn thực hiện chưa nghiêm quy định này”, ông Lực nói, đồng thời yêu cầu: “Cần đánh giá, đề xuất đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ công chức có chức danh tư pháp, ít nhất từ trung cấp trở lên. Hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp trong sạch vững mạnh”.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Đoàn công tác, ông Huỳnh Xuân Long, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang cho biết, vấn đề nhân sự của Tòa án đang gặp nhiều khó khăn, thiếu 20 thẩm phán. Mỗi tháng, một thẩm phán giải quyết khoảng 10 vụ. “Theo chủ trương cho tăng số lượng thẩm phán nhưng không tăng biên chế mà nguồn thẩm phán là lấy từ thư ký. Nếu bổ nhiệm đủ thẩm phán thì sẽ không có thư ký để làm. Hiện nay 1 người phải làm thư ký cho 2 – 3 thẩm phán. Mỗi tháng 1 thư ký phải giải quyết khoảng 30 vụ. Ngoài ra, nhiều trường hợp thư ký còn phải đi tống đạt nên công việc rất nhiều” ông Long trình bày và kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung biên chế cho Tòa án.
Tiếp thu ý kiến “gỡ khó” cho các cơ quan Tư pháp
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, tội phạm ma túy rất phức tạp. Mô hình công an cấp huyện có đội này nhưng yêu cầu có đến 3 Điều tra viên, 2 cán bộ điều tra nên vẫn chưa tách được. Đồng thời, ông Tảo cho rằng, nhiều quy định pháp luật chồng chéo, phức tạp, nhất là tín dụng đen “xử hành chính không được, hình sự càng khó khăn. Đề nghị có ý kiến chấn chỉnh sửa đổi”.
Nói về khó khăn của ngành THADS địa phương, ông Phạm Văn Hân, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay kho vật chứng của nhiều cơ quan cấp huyện còn tạm bợ, phải thuê mướn nên khó bảo quản. “Vật chứng giá trị không cao nhưng mang tính chất chứng minh tội phạm. Nếu mất thì trách nhiệm rất nặng”, ông Hân nói.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang, nên có Nghị quyết mới về CCTP. “Ban hành Nghị quyết mới thay Nghị quyết 49 và kết luận 92 xác định Toà án là trung tâm của công tác CCTP, xét xử là trọng tâm. Những nội dung nào làm xong rồi không đưa vào Nghị quyết nữa”, ông Vĩnh nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Đoàn khảo sát muốn nắm tình hình tổng kết công tác thực hiện Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33 ở địa phương. “Đoàn muốn nghe đánh giá cụ thể, khách quan, đầy đủ, không hình thức về các kết quả đạt được. Những việc nào đã đề ra nhưng chưa làm được, qua đó hiện diện rõ những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, bài học kinh nghiệm rút ra”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Thành Long cơ bản thống nhất những thông tin địa phương báo cáo. Những hoạt động địa thương thực hiện góp phần khẳng định được vai trò lãnh đạo trực tiếp sâu sắc toàn diện của Đảng. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhìn nhận: “Khó khăn, vướng mắc phần nhiều là khó khăn chung của toàn quốc”. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu cần đánh giá và phân tích số liệu bám sát hơn nữa vào yêu cầu của Ban Chỉ đạo. “Tỉnh cần chỉ đạo các Sở, ban ngành cung cấp thêm các thông tin nhưng đừng quá tràn lan. Cần cho một số ví dụ điển hình để minh chứng cho dễ thuyết phục. Tiếp tục có thêm một bước nữa cung cấp cho Đoàn đồng thời đánh giá sâu sắc hơn một số nội dung”, Bộ trưởng yêu cầu.
Ở góc độ địa phương, ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang ghi nhận những ý kiến đóng góp của Đoàn công tác và sẽ bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp để hoàn thiện báo cáo phục vụ Tổng kết Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33.
Nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp địa phương
Báo cáo trước Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, công tác CCTP luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, lãnh chỉ đạo. Các cơ quan Tư pháp không ngừng nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của ngành, đơn vị đối với việc thực hiện CCTP. Chất lượng phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết các vụ án được duy trì có nề nếp và ngày càng chặt chẽ. Công tác THADS có nhiều chuyển biến tích cực. Bổ trợ tư pháp kịp thời đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân. Tổ chức bộ máy các cơ quan Tư pháp từng bước được kiện toàn, nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác CCTP từng bước được quan tâm xây mới, sửa chữa, nâng cấp.
Tuy nhiên, theo báo cáo, CCTP ở Tiền Giang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có nơi hiệu quả chưa cao; Công tác tham mưu, đề xuất CCTP chưa kịp thời, các đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ; Nhiều quy định của Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự còn chồng chéo, chưa rõ, chưa thống nhất, có quy định mang tính tùy nghi.
Báo cáo về thực hiện Chỉ thị 33, bà Nguyễn Thị Đang, Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, các cấp, các cơ quan đã nhận thức rõ vai trò của luật sư và có sự quan tâm hơn đến hoạt động luật sư. Hoạt động hành nghề luật sư ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Thông qua hoạt động nghề nghiệp, giới luật sư đã giúp cho cộng đồng xã hội nhận thức rõ hơn về vai trò của pháp luật trong đời sống, thấy được tầm quan trọng của hoạt động luật sư trong đời sống pháp luật của người dân. Tuy nhiên, các tổ chức hành nghề luật sư chưa chuyên sâu trong các lĩnh vực, hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Một số ít luật sư có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Long Đỉnh – Đình Thương
Theo http://baophapluat.vn