Sign In

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NĂM 2016

11/10/2017

Luật đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 với 08 chương, 81 Điều; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 01/12/2016 (Lệnh số 11/2016/L-CTN) Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017; riêng khoản 4 Điều 80 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017
 
I. BỐ CỤC CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Luật đấu giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9) gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng Luật đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác; tài sản đấu giá; giải thích từ ngữ; nguyên tắc đấu giá tài sản; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình; giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá; các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II: Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản (từ Điều 10 đến Điều 32) gồm Mục 1 về đấu giá viên và Mục 2 về tổ chức đấu giá tài sản.
Mục 1 về đấu giá viên (từ Điều 10 đến Điều 21) bao gồm các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên; đào tạo nghề đấu giá; người được miễn đào tạo nghề đấu giá; tập sự hành nghề đấu giá; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá; cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá; hình thức hành nghề của đấu giá viên; quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên; tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên.
Mục 2 về tổ chức đấu giá tài sản (từ Điều 22 đến Điều 32) bao gồm những quy định về Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; doanh nghiệp đấu giá tài sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; công bố nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản; chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
- Chương III: Trình tự, thủ tục đấu giá chung (từ Điều 33 đến Điều 54) gồm các quy định về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản; Quy chế cuộc đấu giá; niêm yết việc đấu giá tài sản; xem tài sản đấu giá; địa điểm đấu giá; đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; biên bản đấu giá; chuyển hồ sơ cuộc đấu giá; hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá; rút lại giá đã trả, giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá; đấu giá không thành; đấu giá theo thủ tục rút gọn; lưu trữ hồ sơ.
- Chương IV: Đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (từ Điều 55 đến Điều 65) gồm Mục 1 về một số quy định chung; Mục 2 về Hội đồng đấu giá tài sản và Mục 3 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Mục 1 về những quy định chung (từ Điều 55 đến Điều 59) gồm các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; thông báo công khai việc đấu giá tài sản; công khai giá khởi điểm, phương thức đấu giá; tài sản đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.
Mục 2 về Hội đồng đấu giá tài sản (từ Điều 60 đến Điều 63) gồm các quy định về thành lập Hội đồng đấu giá tài sản; nguyên tắc hoạt động của Hội đồng đấu giá tài sản; quyền và nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá tài sản; nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá tài sản.
Mục 3 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (Điều 64 à Điều 65) gồm quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quyền và nghĩa vụ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong hoạt động đấu giá tài sản.
- Chương V: Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản (từ Điều 66 đến Điều 68) gồm quy định về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; chi phí dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, quản lý tài sản và dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá; quản lý, sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác.
- Chương VI: Xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại (từ Điều 69 đến Điều 76) gồm các quy định về xử lý vi phạm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan; xử lý vi phạm đối với người có tài sản đấu giá; hủy kết quả đấu giá tài sản; hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản; giải quyết tranh chấp; khiếu nại, khởi kiện về việc đấu giá tài sản của Hội đồng đấu giá tài sản; tố cáo về hoạt động đấu giá tài sản.
- Chương VII: Quản lý nhà nước về đấu giá tài sản (từ Điều 77 đến Điều 79) gồm quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chương VIII: Điều khoản thi hành (Điều 80 và Điều 81) gồm quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
1. Về phạm vi điều chỉnh
Luật đấu giá tài sản quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Luật liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật đấu giá tài sản khi bán đấu giá các loại tài sản đó, ví dụ như tài sản là quyền sử dụng đất theo Luật đất đai, tài sản nhà nước theo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản thi hành án theo Luật thi hành án dân sự, tài sản của doanh nghiệp phá sản theo Luật phá sản...
Để đảm bảo tính thống nhất, ổn định, lâu dài, Luật đấu giá tài sản có quy định mở trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định tài sản phải bán thông qua đấu giá thì cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, ví dụ như pháp luật chuyên ngành quy định biển số xe, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay...phải bán thông qua đấu giá thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật đấu giá tài sản.
2. Nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm
Luật đấu giá tài sản quy định các nguyên tắc đấu giá tài sản bao gồm bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.
Để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, Luật đấu giá tài sản quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Về mối quan hệ giữa Luật đấu giá tài sản và các luật khác
Nhằm thống nhất trình tự, thủ tục bán đấu giá đối với các loại tài sản phải bán đấu giá, tránh tình trạng quy định tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản, qua đó, góp phần làm minh bạch hóa hoạt động bán đấu giá, chống thất thoát tài sản Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật đấu giá tài sản quy định thống nhất trình tự, thủ tục bán đấu giá đối với các loại tài sản bán đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản như đã nêu trên; trong trường hợp có sự khác nhau về trình tự, thủ tục đấu giá giữa quy định của Luật đấu giá tài sản và các luật khác thì áp dụng quy định của Luật đấu giá tài sản.
4. Về đấu giá viên
Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đấu giá tài sản quy định theo hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là 06 tháng (người có ít nhất 03 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 06 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Luật đấu giá tài sản cũng đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại...mới được miễn đào tạo. Nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên là một trong những điểm mới cơ bản của Luật đấu giá tài sản so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
5. Về tổ chức đấu giá tài sản
Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản gồm Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản. Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá trong hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, nâng cao chất lượng dịch vụ đấu giá tài sản trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.
Xuất phát từ tính chất hoạt động hành nghề đấu giá tài sản là một trong những ngành, nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện trong được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp (không đăng ký thành lập theo Luật doanh nghiệp). Quy định này cũng tương tự quy định của Luật luật sư về đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; quy định của Luật công chứng về đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, đều phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Việc quy định doanh nghiệp đấu giá đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đăng ký nhiều lần (tại Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch và Đầu tư). Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động doanh nghiệp đấu giá được quy định trong Luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
6. Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản
Khắc phục hạn chế của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá như việc phê duyệt tài sản đưa ra đấu giá, việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá được thực hiện trước khi ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá; việc chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá thành.
Luật đấu giá tài sản quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước, thể hiện qua một số nội dung chính như sau:
Một là, việc niêm yết các thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch tới các đối tượng có nhu cầu mua tài sản đấu giá, đồng thời để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc niêm yết, đối với bất động sản Luật đã bỏ quy định về việc niêm yết tại nơi có bất động sản đấu giá. Theo đó, việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, thuận lợi và tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện nào đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đã được pháp luật quy định; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, thuận lợi nhằm tránh tình trạng tổ chức đấu giá cản trở hoặc hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá; khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn.
Hai là, quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; bổ sung phương thức đặt giá xuống để phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế. Thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới về nghề đấu giá tài sản đều có quy định và áp dụng phương thức đặt giá xuống phổ biến, ví dụ như đấu giá hàng hóa ở Thái Lan, đấu giá hoa tulip ở Hà Lan, đấu giá cá tại Anh và Israel, thị trường tín dụng ở Rumani, trao đổi ngoại thương ở Bolivia…
Ba là, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá; người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá.
Bốn là, quy định 05 trường hợp hủy kết quả đấu giá đảm bảo chặt chẽ, khách quan, bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về dân sự.
7. Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (tên gọi của VAMC theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua. Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự thực hiện đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định của Luật đấu giá tài sản.
Để đảm bảo việc thực hiện đấu giá của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật, Luật đấu giá tài sản quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ cũng như các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức này trong hoạt động đấu giá tài sản.
8. Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản
Để đảm bảo phù hợp với bản chất của dịch vụ đấu giá tài sản là hoạt động dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường, Luật đấu giá tài sản quy định thù lao dịch vụ đấu giá thay cho phí dịch vụ đấu giá tài sản. Theo đó, thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ thị trường do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người thế chấp tài sản, người phải thi hành án, đối với việc đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định. Ngoài ra, Luật đấu giá tài sản quy định trong trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu và được tổ chức đấu giá tài sản cung cấp dịch vụ khác theo quy định của Luật như làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, quản lý tài sản, xác định giá khởi điểm thì phải trả chi phí dịch vụ cho tổ chức đấu giá tài sản theo thỏa thuận giữa các bên.
9. Về chuyển đổi mô hình hoạt động Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản
Trong thời gian qua, mặc dù các doanh nghiệp đấu giá tài sản đã có sự đóng góp tích cực trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng tại một số địa phương, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản vẫn giữ vai trò nòng cốt trong việc đấu giá, nhất là tại 14 tỉnh hiện nay chưa có doanh nghiệp đấu giá tài sản. Hoạt động đấu giá của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đặc biệt trong việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự, tài sản xử lý vi phạm hành chính bị tịch thu, đấu giá tại vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp đấu giá tài sản thường không nhận do không đảm bảo yếu tố lợi nhuận, đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo hiệu quả thi hành các bản án của Tòa án liên quan đến thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Tiếp tục khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản, từng bước đưa hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, Luật đấu giá tài sản giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đề án chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đề án giải thể Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp để đảm bảo hoạt động đấu giá liên tục, ổn định, tránh gây ách tắc việc xử lý tài sản, phù hợp với tình hình thực tiễn về tổ chức và hoạt động đấu giá tại địa phương.
10. Quản lý nhà nước về đấu giá tài sản
Luật đấu giá tài sản quy định Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước về đấu giá tài sản tại địa phương; giao Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, trong đó Sở Tư pháp có nhiệm vụ mới là thực hiện việc đăng ký hoạt động cho các doanh nghiệp đấu giá tài sản.
 
 

Các tin đã đưa ngày: