Theo đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn rằng trong tương lai, án lệ phát triển không phải vì lời kêu gọi của chánh án mà đó trở thành nhu cầu của thẩm phán, người dân. Ngoài ra, ông Bình khuyến khích các thẩm phán khi viết bản án sẽ hy vọng bản án của mình trở thành án lệ mà chỉnh chu từ nội dung đến tính pháp lý và đó cũng sẽ là nguồn để phát triển án lệ.
Trước đó, đại diện Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao cho biết, sau 3 năm thực hiện án lệ thì Việt Nam có 16 án lệ và có 192 bản án áp dụng án lệ. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy các từ ngữ trong quy định hiện hành không rõ ràng, dẫn đến cách áp dụng không thống nhất giữa các thẩm phán, rằng án lệ chỉ mang tính chất “tham khảo” hay “bắt buộc”.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại (giảng viên Đại học luật TP.HCM), việc Nghị quyết 03/2015 của HĐTP TAND tối cao nêu khi xét xử các thẩm phán “phải” nghiên cứu án lệ… dẫn đến các thẩm phán chỉ nghiên cứu, không áp dụng. Từ đó Thạc sỹ Đỗ Văn Đại cho rằng luật nên định hướng rõ phải bắt buộc áp dụng thông qua các quy định về chế tài trách nhiệm nếu không áp dụng hoặc tòa án cấp trên phải hủy án tòa án cấp dưới vì việc không áp dụng án lệ.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng án lệ đang trở thành quan trọng trong xét xử nhưng chưa thành thói quen, nguyên nhân việc phát triển án lệ còn chậm, theo các đại biểu, đầu vào bản án còn thấp nên đầu ra không có, các thẩm phán khi xét xử, viết bản án mà chưa tính đến câu chuyện mong muốn bản án của mình sẽ là bản ản mẫu để trở thành án lệ.
Trong buổi chiều, các đại biểu tập trung phân tích, ý kiến về 20 bản án được lựa chọn để phát triển thành tập án lệ thứ 2. Trong đó, quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM liên quan đến bị án Nguyễn Khắc Thủy (Bà rịa – Vũng Tàu) phạm tội “dâm ô trẻ em” cũng đem lại nhiều tranh cãi rằng có nên phát triển thành án lệ hay không, vì vụ án còn nhiều tình tiết về pháp lý, chứng cứ chưa rõ ràng…