Sign In

Hội nghị quán triệt Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và sơ kết công tác Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015

19/09/2015

Hội nghị quán triệt Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và sơ kết công tác Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015

Ngày 24/4/2015, Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thúy Hiền – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Đồng chí Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và sơ kết công tác Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015 theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu. Tham dự hội nghị có sự tham dự đông đảo củađại diện các Bộ, Ngành ở Trung ương, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, cấp Huyện và các ngành tại địa phương.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, do bận chỉ đạo các công việc quan trọng chuẩn bị lễ Mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nên lãnh đạo Thành phố đã ủy quyền cho đồng chí Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Nguyễn Văn Lực Cục trưởng cục Thi hành án dân sự Thành phố đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố, đại diện các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Ban chỉ đạo thi hành án các Quận, Huyện và lãnh đạo Cục, phòng Chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự Thành phố và các đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện.

 

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, mặc dù số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao, kinh tế đất nước hiện còn gặp nhiều khó khăn, song hệ thống Thi hành án dân sự đã giải quyết xong số lượng việc, tiền đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Số việc có điều kiện thi hành án toàn quốc chiếm tỷ lệ 73,35 %, thi hành xong đạt 54,97%. Số tiền có điều kiện thi hành án chiếm tỷ lệ 58,27%, thi hành xong đạt 27,09%. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm 1/5 về việc và ½ về tiền thụ lý của toàn quốc, song kết quả giải quyết xong của 2 đơn vị trên đều vẫn đạt tỷ lệ tương đối khả quan, tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu của cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lực, Phó trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố, Cục trưởng cục Thi hành án dân sự Thành phố cho biết: Những năm gần đây lãnh đạo Thành phố đã rất quan tâm đến công tác Thi hành án dân sự, cụ thể: Ngay sau khi Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành chỉ thị tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự; năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục có văn bản chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo và phối hợp trong công tác Thi hành án dân sự. Mới đây, ngày 09/3/2015, Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự trên toàn Thành phố. Ngày 16/4/2015, thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố đã có văn bản phân công lãnh đạo các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân Quận, Huyện phối hợp thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về công tác Thi hành án dân sự.

Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lãnh đạo Thành phố còn quan tâm rất thiết thực đến hoạt động Thi hành án dân sự, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thi hành án, ví dụ như: tăng chỉ tiêu đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ, Lý luận chính trị, Quản lý nhà nước cho ngành Thi hành án dân sự Thành phố, phân bổ chi tiêu được mua nhà ở xã hội cho công chức ngành thi hành án; hàng năm hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho công chức thi hành án (trợ cấp 1.500.000 đồng/người/tháng, cấp kinh phí xác minh, kinh phí mua sắm trang thiết bị, kinh phí trả lương hợp đồng lao động…)

Chính nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ Chấp hành viên, công chức cơ quan Thi hành án nên kết quả Thi hành án dân sự tại Thành phố tiếp tục được duy trì và phát triển tốt. Bên cạnh đó thì Ngành Thi hành án dân sự Thành phố cũng còn nhiều tồn tại hạn chế, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Thành phố đã chỉ rõ và yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự khẩn trương khắc phục.

Đồng chí Nguyễn Văn Lực cũng nêu lên nhiều kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự, cụ thể: Sớm ban hành và tổ chức tập huấn chuyên sâu các văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Khi xây dựng thể chế về thi hành án cần tổ chức các hội nghị, hội thảo tại các khu vực, địa phương, tạo điều kiện để các Chấp hành viên, những người trực tiếp làm công tác Thi hành án dân sự đóng góp và các dự thảo văn bản, tránh tình trạng ban hành văn bản thiếu tính khả thi, xa rời thực tế, gây khó khăn cho người thực hiện. Bên cạnh đó, thủ tục Thi hành án dân sự hiện nay đã quá rườm rà, phức tạp, trong khi chưa thể cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục thi hành án, thì khi xây dựng xong văn bản hướng dẫn Luật, đề nghị không đặt ra thêm các thủ tục về thi hành án, gây khó khăn cho hoạt động của Chấp hành viên.

Đồng chí Nguyễn Văn Lực đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Thi hành án dân sự; sửa đổi căn bản chế độ thống kê báo cáo và hệ thống chỉ tiêu thi hành án vì chế độ thống kê báo cáo và chỉ tiêu thi hành án bộc lộ rất nhiều bất cập, tạo áp lực lớn cho cơ quan thi hành án; đề nghị xem lại chỉ tiêu giao văn bản cho Thừa Phát Lại, chỉ tiêu chuyển giao 100% văn bản cho  Thừa Phát Lại là không phù hợp. Thành phố Hồ Chí Minh chiếm gần 12% về việc, gần 40 % về tiền toàn quốc, trong đó biên chế chỉ chiếm 6,6 % toàn ngành, dẫn đến mỗi công chức ngành thi hành án gánh số việc thi hành án gấp 2 lần, số tiền thi hành án gấp 6 lần bình quân chung của cả nước. Do vậy, đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt không điều động Chấp hành viên của Thành phố Hồ Chí Minh đi tăng cường, biệt phái tại các địa phương khác….

Kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền –Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã biểu dương kết quả thi hành án đã đạt được, đồng thời nêu rõ các tồn tại hạn chế, như: Số việc điều chuyển sang kỳ sau còn nhiều, trong đó có nhiều việc có điều kiện kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đạt hiệu quả thấp… Các tồn tại hạn chế có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Lãnh đạo Bộ và Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục tồn tại và hạn chế; trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong Thi hành án dân sự; đặc biệt theo kế hoạch của Tổng cục Thi hành án dân sự, vào tháng 8, tháng 9/2015 Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiến hành kiểm tra tại Cục, một số Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tin đã đưa ngày: