Sign In

Xử lý tài sản thi hành án là vốn góp: Cần hướng dẫn cụ thể

02/04/2020

(PLVN) -Do thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể và sự thiếu hợp tác của người phải thi hành án nên khi tiến hành kê biên, thẩm định tài sản để thi hành án là vốn góp (cổ phần, cổ phiếu), các cơ quan THADS còn gặp không ít khó khăn.
 

Thực tế cho thấy tuy số vụ việc liên quan đến người phải thi hành án có cổ phần tại các công ty chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng vụ việc phải thụ lý của các cơ quan THADS nhưng trong quá trình giải quyết, Chấp hành viên còn gặp nhiều lúng túng bởi chưa có các hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định tại Điều 92 Luật THADS 2014: Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.

Quy định trên cho thấy Chấp hành viên có quyền kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án, đồng thời cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin nơi nhận góp vốn của người phải thi hành án. Tuy nhiên, khi áp dụng những quy định này vào thực tiễn công tác THADS, Chấp hành viên đã gặp phải rất nhiều khó khăn về việc xác định giá trị phần vốn góp và cách kê biên xử lý phần vốn góp đó như thế nào vì đây là một loại tài sản đặc biệt, có tính chất pháp lý đặc biệt. Liên quan đến việc xử lý, bán đấu giá phần vốn góp, hiện nay pháp luật về THADS cũng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể. 

Mặt khác, theo quy định  tại khoản 13 Điều 2 Luật doanh nghiệp năm 2014  thì góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Theo đó, tài sản mang vào góp vốn rất đa dạng, bao gồm rất nhiều loại tài sản cả vô hình và hữu hình như: đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị bất động sản, động sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được… Vì vậy, để thẩm định chính xác tài sản là vốn góp, cán bộ THADS phải xác minh được toàn bộ giá trị tài sản của công ty nhưng giá trị đó được tổng hợp từ nhiều yếu tố như tài sản vô hình, hữu hình, các khoản nợ của tổ chức, cá nhân với doanh nghiệp. 

Trong khi đó, hiện nay còn thiếu cơ chế công khai thông tin về doanh nghiệp và tài sản của doanh nghiệp nên nhiều trường hợp doanh nghiệp trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có số tiền vốn điều lệ rất cao, nhưng thực tế khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc bị cưỡng chế thi hành án thì tài sản của doanh nghiệp có giá trị nhỏ hơn rất nhiều lần so với số vốn được ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Từ đó dẫn tới tình trạng khi thi hành án, doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm thi hành án, nhiều chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã bỏ về nước và không liên lạc được.

Một khó khăn khác cơ quan THADS gặp phải là do tài sản của doanh nghiệp rất đa dạng, phức tạp về quyền sở hữu nhưng nhiều Chấp hành viên còn chưa có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong việc xử lý tài sản, nhất là tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, tài sản là phần vốn góp trong doanh nghiệp. Khi xử lý tài sản là vốn góp, nếu áp dụng các quy định về định giá, bán đấu giá thì sẽ thiếu thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Vì lẽ đó, giải pháp hiệu quả nhất mà cơ quan chức năng đang triển khai khi giải quyết án này là vận động các đương sự tự thỏa thuận với nhau để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể tham gia thành lập, góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp nên số vụ việc liên quan đến cổ phần, cổ phiếu được dự báo trong tương lai sẽ có xu hướng tăng. Vì vậy, để hạn chế gây lúng túng cho Chấp hành viên, nâng cao hiệu quả THADS đồng thời giảm thiể các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục kê biên, xử lý phần vốn góp. Trong đó cần đặc biệt chú ý các vấn đề như cách xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm thi hành án, trình tự thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng phần vốn góp. 

Cùng với đó, cơ quan THADS cần tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đương sự tự nguyện chấp hành án, hạn chế thấp nhất việc phải cưỡng chế, kê biên tài sản để tổ chức thi hành án thuận lợi, giảm thiểu lượng án tồn đọng kéo dài và nhất là đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự. 

B.Ngọc
 


Theo báo pháp luật việt nam

Các tin đã đưa ngày: