Sign In

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và giải pháp nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự

22/01/2021

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2026 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
Theo quy định tại Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trách nhiệm rà soát văn bản thuộc về Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, Chủ tịch UBND các cấp. Theo đó: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; văn bản do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ; Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị mình. Người đứng đầu tổ chức pháp chế hoặc người đứng đầu đơn vị được giao thực hiện công tác pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình;

Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, lĩnh vực Thi hành án dân sự do Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước; là cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản QPPL để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự; đồng thời là cơ quan có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do Bộ trưởng ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; văn bản do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự.

Trong những năm qua, Tổng cục THADS rất quan tâm thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát. Hàng năm, Tổng cục đều tiến hành rà soát thường xuyên, định kỳ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trên cơ sở hướng dẫn của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. Trong năm 2017, Tổng cục đã phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Nhà xuất bản Tư pháp biên soạn và xuất bản cuốn sách “Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính”. Năm 2018, Tổng cục đã tiến hành hệ thống hóa văn bản QPPL trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính kỳ 2014 – 2018.  Ngoài ra, Tổng cục còn phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tiến hành rà soát theo chuyên đề, rà soát đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành. Qua đó, Tổng cục đã kịp thời phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo không còn phù hợp trong văn bản quy phạm pháp luật do Tổng cục chủ trì tham mưu ban hành, kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế...

Trong năm 2020, thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trên cơ sở hướng dẫn của Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Tổng cục đã tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản QPPL trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Kết quả rà soát cụ thể như sau:
Tính đến 31/12/2020, số văn bản đang còn hiệu lực trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm rà soát của Tổng cục THADS là 30 văn bản (Luật: 02 văn bản, Nghị quyết: 01 văn bản, Nghị định: 05 văn bản, Quyết định của Thủ tướng chính phủ: 02 văn bản, Thông tư liên tịch: 11 văn bản, Thông tư: 07 văn bản, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 01 văn bản). Trong đó văn bản ban hành từ năm 2019 trở về trước: 29 văn bản, văn bản mới ban hành trong năm 2020: 01 văn bản.  
Qua rà soát phát hiện 07 văn bản có nội dung không phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan mới được ban hành, cần xử lý. Đến nay, Tổng cục đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý được 01 văn bản, còn 06 văn bản đang xử lý và tiếp tục xử lý trong những năm tiếp theo.
Trong năm 2020, hệ thống văn bản QPPL về THADS có 03 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ do bị thay thế bởi các văn bản pháp luật mới và 04 văn bản hết hiệu lực một phần do bị sửa đổi, bổ sung bởi các văn bản pháp luật mới.

Kết quả rà soát cho thấy: Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật do Tổng cục chủ trì tham mưu hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ Tư pháp, liên ngành, Chính phủ và Quốc hội ban hành đều đảm bảo sự phù hợp với các nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đó là do quá trình xây dựng, ban hành văn bản, Tổng cục đã thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành từ khâu xây dựng kế hoạch, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, thẩm định, hoàn thiện và ban hành đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; dự liệu được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung, các chính sách trong đề xuất xây dựng văn bản, đảm bảo tính khả thi sau khi văn bản được ban hành.

Tuy nhiên, công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật khá phức tạp, các quan hệ xã hội cần điều chỉnh rất rộng và luôn biến đổi dẫn đến các quy phạm pháp luật bị lỗi thời không còn phù hợp với thực tiễn. Các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về thi hành án dân sự cũng không tránh khỏi việc bị lỗi thời, mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Do đó, để hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung, các chính sách trong đề xuất xây dựng văn bản, đảm bảo tính khả thi sau khi văn bản được ban hành. Việc tổ chức lấy ý kiến, đánh giá tác động đối với dự thảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng không có ý kiến hoặc văn bản góp ý có nội dung quá sơ sài, không cụ thể. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự thảo do cơ quan mình chủ trì.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, đánh giá tác động trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, công bố văn bản QPPL hết hiệu lực hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu trong công tác thẩm định, thẩm tra nhằm kịp thời phát hiện những quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên hoặc tình hình kinh tế xã hội để loại bỏ ngay từ khâu dự thảo; Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, doanh nghiệp tham gia ý kiến góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản sau khi ban hành (hậu kiểm văn bản) kịp thời phát hiện, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật.

Thứ năm, thường xuyên kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ cho đội ngũ công chức về ban hành văn bản, kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách, trong đó chú trọng đánh giá tác động của chính sách để có hướng điều chỉnh kịp thời, đưa các quy định của luật gắn với thực tiễn cuộc sống, kỹ năng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
 
Mai Loan - Vụ Nghiệp vụ 3

Các tin đã đưa ngày: