Sign In

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng

09/10/2020

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
1. Vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng
Người đứng đầu cấp ủy là đồng chí bí thư cấp ủy. Quyền hạn và trách nhiệm của Bí thư cấp ủy được xác định trong Quy chế làm việc của cấp ủy, là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban chấp hành, Ban thường vụ và Thường trực cấp ủy; cùng Ban chấp hành, Ban thường vụ và Thường trực chịu trách nhiệm trước đảng bộ và nhân dân về những công việc được phân công.
Vai trò của người đứng đầu cấp ủy là người dẫn lối, chỉ đường, định ra đường hướng, chiến lược phát triển của tổ chức; là người tổ chức triển khai mọi hoạt động của tổ chức đảng theo nghị quyết của Đảng; xây dựng môi trường dân chủ, tạo điều kiện cho tổ chức hoàn thành nhiệm vụ; lãnh đạo các đảng viên tổ chức thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy giữ vị trí rất quan trọng trong công tác PCTN. Điều này đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác PCTN. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng của người đứng đầu, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, giúp sức và giám sát. Một mặt, người đứng đầu phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền, đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ PCTN trong giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh toàn Đảng đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì người đứng đầu cấp ủy phải thể hiện tinh thần gương mẫu, phải luôn có ý thức tự tu dưỡng, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ.
2. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng
Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có trách nhiệm chỉ đạo việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; chịu trách nhiệm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện công khai, minh bạch, cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện hiểu biết pháp luật, tránh được những hạn chế, sai sót trong quá trình giải quyết công việc, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc của tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham qua quản lý nhà nước. Người đứng đầu cấp ủy phải thường xuyên lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên kiểm tra việc chấp hành và xử lý kịp thời hành vi vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, người có hành vi vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; vấn đề tặng quà và nhận quà tặng. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn để phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Để minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, pháp luật quy định việc cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập. Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai. Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Trong công tác phát hiện tham nhũng, người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm kiểm tra và tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; thông qua việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, tòa án thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Người đứng đầu cấp ủy của các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải có trách nhiệm chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác này để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức cá nhân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác này là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hiệu quả đấu tranh PCTN, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước[1]. Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân: Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đổi thoại và xử lý giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lãng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
3. Trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua
Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng. Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng. Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng. Gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố, điều tra các vụ án có các bị can là người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức kinh tế. Những người đứng đầu thường lợi dụng điều kiện sẵn có về vị trí, những sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách, quản lý... để thực hiện hành vi phạm tội như móc nối với doanh nghiệp tư nhân để chuyển lợi nhuận vào túi tư nhân, lập khống hoặc nâng giá, “gửi giá” các hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tài sản nhà nước, kê khai giảm giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư công, hợp tác đầu tư công - tư để trục lợi; thông đồng, cho vay sân sau, sở hữu chéo nhằm thâu tóm ngân hàng, chiếm đoạt tiền ngân hàng...; lợi dụng chức vụ, quyền lực hình thành “lợi ích nhóm” để trục lợi. Hành vi phạm tội thường diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, gây hệ lụy rất nghiêm trọng, nhiều vụ án do người đứng đầu chủ mưu cầm đầu, dẫn đến sai phạm thành hệ thống, kéo theo nhiều cán bộ ở cơ quan, đơn vị bị xử lý.
Dù số vụ án nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến người đứng đầu được phát hiện khởi tố, điều tra nhiều hơn các năm trước, nhưng chưa tương xứng tình hình thực tế, nhất là ở các địa phương và cơ sở bởi “trên nóng, dưới lạnh”; tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án còn chậm, kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao...; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý.
4. Một số giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc gương mẫu thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy phải thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống và phòng cách Hồ Chí Minh theo đúng lời căn dặn của Người: “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” trong đó cần tập trung vào ba nội dung cơ bản là: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt, công tác.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong trong công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN; tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm trong hành động.
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong quản lý tài sản Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý. Người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý. Đẩy mạnh việc rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như trang thiết bị và phương tiện làm việc, đi lại của cơ quan; tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ...
Thứ tư, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện cải cách hành chính và đổi mới quy trình nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.
Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.
Thứ sáu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc kê khai tài sản, thu nhập.
Thứ bảy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác giải quyết đơn tố cáo tham nhũng.
Thứ tám, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc xử lý các hành vi tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
ThS. Nguyễn Thị Hương
Ban Nội chính Trung ương
Ảnh minh họa, nguồn: tuyengiao.vn
 
 
[1] Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.


Theo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: