Sign In

Nên đơn giản hóa thủ tục hoàn trả khoản tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án

16/03/2022

Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động rất quan trọng góp phần khôi phục và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được ghi nhận trong bản án, quyết định và bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, hoạt động thi hành án đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và xã hội, cụ thể Quốc hội đã có nhiều nghị quyết liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự như Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo và Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), chủ trì nhiều phiên họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc về kinh tế, tham nhũng, một số vụ việc có giá trị lớn, có tính chất phức tạp hoặc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng[1].
Nhiệm vụ, công việc của các cơ quan thi hành án dân sự của mỗi chấp hành viên ngày càng trở nên nặng nề hơn khi mà số lượng công việc ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự năm 2018 là 914.083 việc, năm 2019 là 959.508 việc; năm 2020 là 885.833 việc. Tỷ lệ bình quân số việc THADS phải thi hành trên mỗi chấp hành viên cụ thể như sau: Năm 2018 là 222 việc, tương ứng với số tiền 43 tỷ đồng/chấp hành viên/năm; năm 2019 là 232 việc, tương ứng với số tiền 66 tỷ đồng/chấp hành viên/năm; năm 2020 là 216 việc, tương ứng với 72 tỷ đồng/chấp hành viên/năm. Nếu tính tỷ lệ bình quân số việc THADS mỗi chấp hành viên thụ lý mỗi năm trong 03 năm qua (từ năm 2018 đến hết năm 2020) là 223 việc (tương ứng với số tiền là 60 tỷ đồng/chấp hành viên/năm. Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, yêu cầu hệ thống THADS từ năm 2016 đến năm 2021 phải cắt giảm 10% biên chế so với năm 2015. Năm 2015, toàn hệ thống THADS được giao 9.957 biên chế, đến năm 2020, được giao 9.088 biên chế, đã giảm 869 biên chế so với năm 2015. Riêng trong 03 năm từ năm 2018 đến năm 2020, trung bình mỗi năm số biên chế phân bổ cho cả hệ thống THADS giảm 190 biên chế[2]. Như vậy, với số lượng việc có xu hướng ngày càng tăng và phức tạp hơn, đòi hỏi cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn cho công việc. Trong khi đó, biên chế bị cắt giảm và yêu cầu của xã hội, của người dân đối với công tác thi hành án dân sự ngày càng cao. Điều này cho thấy áp lực của công tác thi hành án dân sự “đè nặng” lên các cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên.
Để giải được bài toán trên tác giả cho rằng đó là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi hệ thống cơ quan thi hành án dân sự phải nỗ lực hơn nữa, phát huy hết nội lực của mình. Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sớm hoàn thiện các vấn đề về thể chế đang là trở lực rất lớn đối với hoạt động thi hành án dân sự. Một trong những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa là phải từng bước đơn giản hóa các thủ tục, nhất là các thủ tục chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Đặc biệt cần bám sát tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đó là “Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có”[3].
Trong thủ tục thi hành án dân sự theo các quy định hiện nay vẫn tồn tại một số quy định cần nghiên cứu để có cách thức quy định hiệu quả hơn như việc thông báo cho đương sự quyền thỏa thuận hoặc giảm bớt một số thủ tục không cần thiết như thủ tục thông báo, đơn giản hóa thủ tục xử lý tài sản… Trong nội dung bài viết này, tác giả đề cập đến một vấn đề khá phức tạp đó là có nên tiếp tục ra quyết định thi hành án khoản trả lại tiền tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án không? Khi đề cập đến vấn đề này thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là có ý kiến phản bác vì những lý do khác nhau và góc nhìn khác nhau. Do vậy, những vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật.
1. Quy định của pháp luật về tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án
- Tạm ứng án phí là khoản tiền mà người có yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập phải nộp trước khi Tòa án thụ lý các yêu cầu đó. Số tiền tạm ứng án phí được Tòa án xác định và ghi rõ trong Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi cho đương sự.
- Lệ phí Tòa án là khoản tiền cụ thể đã được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự.
Hiện nay, việc thu án phí, lệ phí Tòa án được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14), cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này”[4]. Tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quy định cụ thể như sau: “1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí; 2. Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí. Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí”. Như vậy, khi một cá nhân, tổ chức có yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự thì đều phải nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án theo Điều 10 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “1. Cơ quan thi hành án dân sự thu án phí quy định tại Điều 3 và các loại lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2, các khoản 4, 5 và 8 Điều 4 của Nghị quyết này;  2. Tòa án thu lệ phí Tòa án quy định tại điểm a khoản 2, các khoản 3, 6 và 9 Điều 4; khoản 4 Điều 39 của Nghị quyết này;  3. Bộ Ngoại giao thu lệ phí Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này; 4. Cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thẩm quyền thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án”. Như vậy, chỉ có cơ quan thi hành án dân sự hoặc Tòa án mới được thu khoản tiền tạm ứng án phí và tạm ứng lệ phí Tòa án.
Thứ ba, về chế độ thu, nộp, quản lý tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án được quy định tại Điều 19 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, như sau: “1. Toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. 2. Cơ quan có thẩm quyền thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án sử dụng chứng từ thu theo quy định. 3. Cơ quan thu án phí, lệ phí Tòa án mở tài khoản tạm thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp để tổ chức thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án”. Như vậy, việc thu, nộp và quản lý các khoản tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án sẽ được quản lý rất chặt theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, về việc xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án được quy định tại Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, như sau:
“1. Trường hợp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị tạm đình chỉ thì số tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được xử lý khi vụ việc được tiếp tục giải quyết.
2. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 312 của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 143, khoản 5 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước...
7. Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thụ lý lại vụ án phải yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí”.
Từ các quy định của pháp luật như trên có thể thấy, về bản chất tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án là khoản tiền mà người yêu cầu Tòa án giải quyết một vụ việc dân sự tạm thời nộp vào ngân sách nhà nước, đây thường là khoản tiền không lớn. Đồng thời, khi giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án sẽ quyết định luôn về việc xử lý khoản tiền tạm ứng đó, số tiền này có thể bị sung công hoặc được trả lại cho người đã nộp.
2. Quy định của pháp luật pháp luật thi hành án dân sự về việc thi hành khoản hoàn tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự), thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ chủ động ra quyết định thi hành án khoản hoàn tạm ứng án phí, lệ phí cho đương sự trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được, bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án.
Hiện nay, việc thi hành khoản hoàn tiền tạm ứng án phí, lệ phí cho đương sự vẫn được thực hiện theo quy định chung, mỗi quyết định thi hành án loại này vẫn được tính là một việc (hồ sơ) thi hành án. Theo đó, thì sau khi có quyết định thi hành án, chấp hành viên sẽ phải lập hồ sơ thi hành án, tiến hành thông báo mời người được nhận tiền hoàn tạm ứng án phí, lệ phí đến cơ quan thi hành án để nhận tiền. Thông thường, việc tổ chức thi hành án đối với khoản hoàn tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án diễn ra khá nhanh chóng và không có nhiều vấn đề phức tạp. Loại việc này trong một số trường hợp còn có tác dụng giúp cho chấp hành viên, cơ quan thi hành án hoàn thành chỉ tiêu về việc, bù lại cho những vụ việc phức tạp có thời gian tổ chức thi hành kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc thi hành án khoản hoàn tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án luôn diễn ra dễ dàng và không làm mất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên.  
Trên thực tế có nhiều trường hợp việc thi hành khoản hoàn tiền tạm ứng án phí, lệ phí cho đương sự đã chiếm mất khá nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên và gây lãng phí một khoản kinh phí không nhỏ của Nhà nước. Đặc biệt, là việc hoàn tạm ứng án phí không có giá ngạnh của một số vụ án dân sự, án hôn nhân và gia đình. Lý do của vấn đề này là: Khoản tiền đương sự được nhận lại thường có giá trị nhỏ từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng. Do vậy, sau khi xét xử, có bản án thì một số đương sự không quan tâm đến việc nhận lại tiền tạm ứng đã nộp, có đương sự được mời nhiều lần nhưng vẫn không đến nhận, một số đương sự thì đã chuyển nơi ở mới không khai báo, thông báo cho cơ quan thi hành án biết. Chính vì vậy, chấp hành viên phải tiến hành các thủ tục theo quy định hiện hành để xử lý khoản tiền này. Các nguồn lực để giải quyết một vụ việc (hồ sơ thi hành án) đối với loại việc này có thể được tính toán như sau[5]:
+ Ban hành quyết định thi hành án, phân công chấp hành viên tổ chức thi hành; chấp hành viên hoặc thư ký lập hồ sơ thi hành án, viết thư mời đương sự nhận tiền. Tổng thời gian cho các việc trên khoảng 01giờ làm việc;
+ Chi phí hành chính, giấy tờ, phí bưu điện và các loại chi phí khác cho mỗi thư mời đương sự đến nhận tiền tốn khoảng 10.000 đồng/01 thư/01 lần. Nếu thông báo qua thừa phát lại sẽ tốn từ 65.000 đồng - 130.000 đồng mỗi lần.
Như vậy, 01 hồ sơ hoàn tiền với những thủ tục cơ bản, đầu tiên tính bình quân đã tiêu tốn 01 giờ làm việc của 01 công chức và 10.000 đồng chi phí từ ngân sách.
Việc hoàn khoản dự phí này, trên thực tế có thể xảy ra 02 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, đương sự đến nhận lại tiền theo thư mời, thì chấp hành viên lập thủ tục chi hoàn trả (chấp hành viên kiểm tra thủ tục, viết đề xuất chi; chuyển lãnh đạo duyệt chi; chuyển bộ phận kế toán lập thủ tục chi trả; đương sự nhận tiền qua thủ quỹ....). Thời gian cho toàn bộ công đoạn này, tính bình quân tiêu tốn khoảng 01 giờ làm việc của một công chức.
Trường hợp thứ hai, đương sự không đến để nhận lại khoản dự phí theo thư mời. Trên thực tế do số tiên được nhận lại không lớn, để được nhận lại 150.000 đồng, 300.000 đồng có khi họ phải mất một buổi làm việc rồi chi phí đi lại nên thường thì đương sự không đến nhận nếu không có công việc khác kết hợp. Như vậy, chấp hành viên lại phải tiếp tục thông báo, mời lần 02 (thêm 01 khoản chi phí như đã nêu trên). Đương sự tiếp tục không đến nhận tiền thì chấp hành viên phải thực hiện thủ tục gửi tiết kiệm, xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể: “Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước”.
Như vậy, mỗi hồ sơ chi trả lại tiền cho đương sự 150.000 đồng - 300.000 đồng thì ngân sách Nhà nước lại phải bỏ ra một khoản không nhỏ (giờ làm việc của công chức tính ra tiền và các chi phí hành chính khác), thậm chí là gấp nhiều lần số tiền đương sự được nhận lại. Điều đáng nói là những chi phí này đều đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tính hợp lý thì cần phải xem xét lại, có nhất thiết phải thực hiện những thủ tục thi hành án như hiện nay không và còn có cách nào khác hiệu quả hơn? Vì tổng số vụ việc thụ lý giải quyết của Tòa án nhân dân các cấp hàng năm là rất lớn. Ví dụ, năm 2020 Tòa án các cấp đã xét xử được 1.842.684 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động[6]. Theo đó, thì số việc có khoản phải thi hành án hoàn tạm ứng án phí, lệ phí của Tòa án cũng sẽ rất lớn.
Ví dụ: Tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức, năm 2018 tổng số việc thi hành án dân sự thụ lý mới là 3.689 việc (trong đó việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình thụ lý mới là 1.930 việc) thì có đến 953 việc cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án đối với khoản chủ động thi hành là hoàn lại số tiền tạm ứng án phí, lệ phí cho đương sự 150.000 đồng hoặc 300.000 đồng. Trong số đó có đến 423 việc chấp hành viên đã gửi thông báo nhiều lần nhưng đương sự vẫn không đến nhận nên phải làm thủ tục gửi tiết kiệm theo quy định[7].
Nếu tính trên phạm vi cả nước thì số lượng việc thi hành án khoản hoàn lại tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án cho đương sự sẽ rất lớn. Đối với loại việc này, ngoài việc tốn hàng tỷ đồng ngân sách cho thủ tục thi hành án, thì cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả mà nó mang lại cho xã hội là không cao.
3. Đề xuất, kiến nghị
Việc thực hiện thủ tục thi hành án đối với khoản hoàn tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự như hiện nay tốn rất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời, cũng tiêu tốn một khoản không nhỏ ngân sách của Nhà nước. Trong khi đó, số việc hàng năm cơ quan thi hành án dân sự phải thụ lý mới ngày một tăng, số lượng công chức thì vẫn phải tinh giản theo chủ trương chung của Nhà nước đã gây áp lực lớn lên các chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu hoàn thiện thể chế và cải cách, cắt giảm bớt những thủ tục không thực sự cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự trong tình hình mới.
Trong Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Trung ương, vấn đề về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp, đươc xác định: “Hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp... Nâng cao hiệu quả và bảo đảm thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự…”. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự thực tiễn cho thấy, đã có nhiều chuyển biến và phát triển mang tính đột phá, đặc biệt là từ khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cho đến nay, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã được kiện toàn từ trung ương xuống địa phương. Đội ngũ công chức trong cơ quan thi hành án dân sự đều được tuyển dụng và đào tạo chính quy, bài bản; hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự cũng ngày càng được hoàn thiện, rõ ràng và chặt chẽ hơn. Sự phát triển của Ngành Thi hành án dân sự đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, định hướng phát triển của hoạt động thi hành án dân sự trong thời gian tới, theo tác giả là phải tập trung vào việc rà soát hoàn thiện thể chế, các quy định mang tính nội dung; đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục thi hành án để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới.
Một trong những vấn đề cần xem xét đó là cần nghiên cứu xem có cần thiết tiếp tục duy trì trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án khoản hoàn trả tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án theo như quy định hiện nay hay không? Tác giả cho rằng việc duy trì thủ tục thi hành khoản trên như hiện nay là không cần thiết, vì những lý do sau:
Thứ nhất, bản chất của hoạt động thi hành án dân sự thông thường là buộc một bên (người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) phải thực hiện một việc, một nghĩa vụ nào đó theo nội dung án tuyên để khôi phục lại quyền lợi hợp pháp cho người được thi hành án. Còn khoản tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án là do đương sự tạm nộp cho cơ quan nhà nước, sau khi có bản án nếu họ không phải nộp án phí thì họ được nhận lại và khoản tiền này luôn có sẵn trong tài khoản kho bạc của cơ quan đã thu. Do vậy, việc tổ chức thi hành khoản hoàn lại tiền tạm ứng án phí, lê phí Tòa án cho đương sự, người đã nộp tiền không thể hiện được đầy đủ bản chất của hoạt động thi hành án dân sự.
Thứ hai, như đã phân tích ở trên việc tổ chức thi hành khoản hoàn trả tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án cho đương sự theo như quy định hiện nay tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền của ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả mang lại không cao. 
Thứ ba, đối với loại việc hoàn trả tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, có thể nghiên cứu thay thế bằng một thủ tục khác đơn giản hơn và hiệu quả hơn. Ví dụ: Thay vì phải ra quyết định thi hành án, lập hồ sơ thi hành án và giao cho chấp hành viên tổ chức thi hành như hiện nay, thì chỉ cần bộ phận thụ lý ra thư mời đương sự đến nhận tiền, còn việc quản lý, theo dõi chi trả tiền do bộ phận kế toán nghiệp vụ thực hiện. Như vậy, thì vẫn bảo đảm được quyền lợi của đương sự mà lại bớt việc cho chấp hành viên, hạn chế được tối đa các chi phí phát sinh trong hoạt động thi hành án.
Từ những nhận định và phân tích như trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để có những quy định phù hợp hơn trong việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và việc thi hành loại việc hoàn trả tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình phải mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời đảm bảo được yêu cầu cải cách hành chính.
Hồ Quân Chính
 Học viện Tư pháp
 
 
[1] Hồ Hương, Công tác thi hành án dân sự đã đạt được một số kết quả nhất định, https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=52969 truy cập 28/9/2021.
[2] TS.Nguyễn Văn Nghĩa, ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Định mức việc thi hành án dân sự đối với chấp hành viên, tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (427+428), tháng 2/2021.
[3] Điểm b khoản 1 Mục III Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
[4] Điều 9 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14  ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.  
[5] Theo tính toán của ông Lê Minh Tánh - Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức).
[6] Theo Dự thảo báo cáo của TANDTC tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các tòa ánhttps://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-chi-dao-dieu-hanh?dDocName=TAND155594, truy cập ngày 12/10/2021.
[7] Theo chia sẽ của ông Lê Minh Tánh - Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức.


Theo Tạp chí dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: