Sign In

Một số khó khăn vướng mắc trong công tác Thi hành án dân sự.

15/11/2016

  Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự chúng tôi thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, cụ thể như sau:
 1. Về việc cung cấp thông tin về tài sản thi hành án của người có đơn yêu cầu thi hành án.

          - Điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định:

          “2. Đơn yêu cầu phải có nội dung:
          ….
          đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án…”.

          Quy định này không phù hợp với thực tế đời sống xã hội và gây khó khăn, trở ngại trong hoạt động thi hành án dân sự, bởi vì: Người có đơn yêu cầu thi hành án bắt buộc phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trên thực tế việc người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, xác định người phải thi hành án có tài sản để thi hành án hay không là rất khó khăn, họ rất khó có thể tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án mà thường yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án hoặc nếu có xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì kết quả xác minh đó chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Vì vậy Điều luật đưa ra nội dung này mang tính hình thức, khó thực hiện trên thực tế.
 
          2. Thông báo về thi hành án, chi phí thông báo về thi hành án.
 
          Điều 39 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Thông báo về thi hành án:
          1. …
          4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu”.
 
          Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về mức thu của từng loại chi phí thông báo về thi hành án do người phải thi hành án, ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành phải chịu.
 
           Điều 43 Luật thi hành án dân sự quy định: “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

          1. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu...”
 
          Theo quy định nêu trên thì hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi:Pháp luật có quy định hoặc đương sự có yêu cầu. Thực tế hiện nay, một số Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự vẫn thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về các quyết định, văn bản để người được thi hành án nắm được. Như vậy trong trường hợp pháp luật không quy định mà Chấp hành viên (Cơ quan Thi hành án) lại thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là không đúng với quy định của Điều luật trên và có thể xảy ra khiếu nại của người phải thi hành án.
 
          3. Về điều kiện hoãn thi hành án.     
 
          Điều 48, Luật Thi hành án dân sự quy định:

          “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
          a)…
          b)Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;…”
 
          Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về điều kiện hoãn thi hành án đối với trường hợp vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Do đó thực tiễn việc áp dụng hoãn còn tùy tiện, không thống nhất giữa các địa phương khác nhau.
 
          4. Về việc thực hiện quy định về miễn, giảm thi hành án:
 
          Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định:
 
          “Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

          1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

          a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc là không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

          b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có trị giá dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

          2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

          a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

          b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có trị giá dưới  5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

          3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này thì được xét giảm  một phần nghĩa vụ thi hành án khi có đủ điều kiện sau đây:

          a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có trị giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;

          b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng;
          4...”
 
          Theo quy định nêu trên đối với người được xét miễn nghĩa vụ thi hành án theo khoản 1, Điều 61 phải là người không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc là không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

          Nhưng theo quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước quy định các khoản thuộc diện được xét, miễn, giảm thi hành án: “…bao gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)...”.
 
          Thực tiễn hiện nay nhiều bản án tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án. Trong khi đó người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước là người không tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Mặt khác điều kiện về thời gian được xét miễn tối thiểu là 05 năm đối với khoản tiền dưới 2.000.000 đồng. Như vậy sau 05 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách không phải là nhỏ. Nếu cộng thêm khoản tiền lãi này vào khoản phải thi hành án thì số tiền thường lớn hơn 2.000.000 đồng, với số tiền trên 2.000.000 đồng thì điều kiện về thời gian để được xét miễn lại là 10 năm, và sau 10 năm khoản tiền lãi cộng vào sẽ là trên 5.000.000 đồng như vậy sẽ không đủ điều kiện để được xét miễn thi hành án mà chỉ đủ điều kiện để xét giảm thi hành án.

          Đối với trường hợp được xét miễn, giảm theo khoản 2, 3 Điều 61 thì người được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án cũng phải là người thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 61 nêu trên và phải thi hành được một phần nghĩa vụ.

          Quy định này rất khó thực thi vì rất nhiều vụ việc đủ điều kiện về thời gian nhưng người phải thi hành án không có khả năng thi hành dù khoản tiền rất nhỏ, gia đình người phải thi hành án thuộc hộ nghèo ở địa phương hoặc người phải thi hành án là người nước ngoài, không rõ địa chỉ…. Mặt khác, tại điểm a, khoản 3, Điều 61 Luật thi hành án dân sự quy định về điều kiện tối thiểu để được xét giảm nghĩa vụ thi hành án là hết thời hạn 05 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Như vậy đối với trường hợp người phải thi hành đã đủ điều kiện về thời gian nhưng số tiền còn phải thi hành án từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì Luật thi hành án dân sự không quy định được giảm, và cũng không có văn bản hướng dẫn. Thực tế có những trường hợp đã đề nghị và được xét giảm đến dưới 10 triệu đồng phải dừng lại không được xét giảm tiếp mà phải đợi đủ thời gian 10 năm để xét miễn theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 61.

          Như đã nêu trên sau 10 năm số tiền lãi của khoản tiền còn phải thi hành án nếu cộng vào thì số tiền phải thi hành án lại lớn hơn 10.000.000 đồng như vậy không đủ điều kiện để được xét miễn. Do đó việc xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với khoản tiền còn phải thi hành từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng theo khoản 2 điều 61 là rất khó có tính khả thi.
 
          5. Về cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung
 
          Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định: Xác định, phân chia xử lý tài sản chung để thi hành án:
 
          1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữa tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

          Hết thời hạn 30 ngày… các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung…

          …Người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung…”.
 
          Thực tiễn cho thấy việc cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người (nhất là quyền sử dụng đất) còn gặp nhiều khó khăn bởi Điều 74 chưa quy định cụ thể việc thực hiện khởi kiện như thế nào? Mà chỉ quy định có các chủ thể (người đồng sở hữu chung; người được thi hành án và Chấp hành viên) được khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

          Khi cơ quan Thi hành án xác định người phải thi hành án có tài sản là tài sản chung mà chây ỳ không tự nguyện thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhưng để xác định đúng phần thuộc sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì phải do các đồng sở hữu chung thỏa thuận. Vì người phải thi hành án đã không tự nguyện nên việc tự thỏa thuận không thể đạt được, mà người đồng sở hữu chung (thường là anh em, họ hàng trong gia đình) cũng không thực hiện việc khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án. Nếu các đồng sở hữu chung không khởi kiện thì đến người được thi hành án khởi kiện. Thực tế có trường hợp người được thi hành án không thực hiện quyền khởi kiện thì Chấp hành viên phải thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

          Luật Thi hành án dân sự đã quy định đầy đủ mọi trường hợp để có thể xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn thủ tục các đối tượng trên được khởi kiện tại Tòa án như thế nào. Đây là một vướng mắc thực tế đang diễn ra trong quá trình thực hiện Luật thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014. Do vậy có trường hợp xác định người phải thi hành án có điều kiện để thi hành án là tài sản chung với một số đồng sở hữu tài sản chung khác nhưng do chưa có hướng dẫn quy định cụ thể tư cách tố tụng của các chủ thể khi có yêu cầu khởi kiện chia tài sản chung (người được thi hành án, Chấp hành viên) cũng như thủ tục Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu chia tài sản chung trong trường hợp theo quy định điều 74 Luật Thi hành án dân sự như thế nào nên không thể xác định được kỷ phần của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự.
 
          Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng các quy định của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014). Vì vậy đề nghị Liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể:

          - Về mức thu của từng loại chi phí thông báo thi hành án do người phải thi hành án, ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án phải chịu;

          - Về điều kiện hoãn thi hành án trong trường hợp vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

          - Về điều kiện, trình tự thủ tục trong việc xét giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án trong trường hợp số tiền còn phải thi hành từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

          - Về trường hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án chỉ xem xét số tiền còn phải thu, nộp ngân sách nhà nước là điều kiện để miễn, giảm; không cộng số tiền lãi suất chậm thi hành vào để thành tổng số tiền phải thi hành án rồi mới xem xét là là điều kiện, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án;

          - Về trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung đối với các chủ thể là các đồng sở hữu chung, người được thi hành án và Chấp hành viên.

          Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự mang tính đồng bộ, thống nhất với các Luật chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi để công tác Thi hành dân sự cũng như công tác Kiểm sát thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao.

 
                                                                  Đào Thị Hảo


Theo Trang Thông tin điện tử VKSND tỉnh Tuyên Quang

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: