Trường hợp người được THA, người phải THA là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Theo đó, khi có sự kiện pháp lý làm phát sinh việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA mà do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà chưa thực hiện được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA thì cơ quan THADS sẽ ra quyết định hoãn THA.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” trong trường hợp này. Nếu dẫn chiếu đến quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế thì chưa thực sự hợp lý vì đó là trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của việc xác định thời hiệu yêu cầu THA.
Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ THA của người phải THA để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan THADS xử lý tài sản để THA.
Như vậy, các quy định pháp luật trong trường hợp này chưa có sự thống nhất, cơ quan THADS phải hoãn THA hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế? Do đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này để thuận lợi hơn cho cơ quan THADS trong quá trình áp dụng.
Ngoài ra, nhiều địa phương cũng gặp vướng mắc khi áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 48 Luật THADS về trường hợp hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Quy định này vẫn có điểm chưa thống nhất với quy định khác dẫn đến việc thực thi các quyết định hoãn THA theo yêu cầu của người có thẩm quyền vấp phải vướng mắc trong thực tế.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 103, Luật THADS quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
Thực tiễn đã xảy ra trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, cơ quan THADS chuẩn bị thực hiện cưỡng chế THA để giao tài sản cho người trúng đấu giá thì nhận được yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị.
Trong trường hợp này, cơ quan THADS có được tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá không? Nếu cơ quan THADS quyết định hoãn THA thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá. Còn nếu không hoãn THA thì vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 48, Luật THADS.
Do vậy, thực tế đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung, sửa đổi quy định tại khoản 2, Điều 48, Luật THADS theo hướng thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA khi nhận được yêu cầu hoãn THA của những người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế THA đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 103, Luật THADS để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.