Sign In

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

08/12/2020

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực 01/12/2020. Trang TTĐT của Cục giới thiệu những điểm mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP so với Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

1. Về cơ quan quản lý công chức

Nghị định 138/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa quy định của Nghị đinh 24, tuy nhiên đã quy định cụ thể đối với các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương mới là cơ quản lý công chức, bổ sung  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào cơ quan quản lý công chức, cụ thể cơ quan quản lý công chức bao gồm:
a) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương;
b) Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương;
c) Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;
d) Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
đ) Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Ưu tiên trong tuyển dụng công chức
+ Nghị định 138/2020/NĐ-CP bổ sung đối tượng học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
+ Nghị định 138/2020/NĐ-CP bỏ quy định đối tượng đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được cộng 2,5 điểm vào kết quả vòng 2 quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

3. Thi tuyển công chức

Nghị định 138 kế thừa  Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP cũng định thi công chức thông qua 02 vòng, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung như sau:
+ Tại vòng 1: Nghị định 161/2018/NĐ-CP chỉ quy định thi trắc nghiệm, còn Nghị định 138 nêu rõ vòng 1 thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung.
– Nội dung thi vòng 1 gồm 3 phần: phần 1 kiến thức chung, phần 2 ngoại ngữ, phần 3 tin học. Nội dung 3 phần này cơ bản giống quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP, tuy nhiên đối với phần kiến thức chung thì bỏ bớt một số nội dung không thi như: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; đồng thời bổ sung thi  các kiến thức khác để đánh giá năng lực.
– Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:
Nghị định 138 quy định nhiều đối tượng được miễn thi ngoại ngữ hơn so với quy định trước đây, cụ thể: Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định;
Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
– Miễn phần thi tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin. So với Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi theo Nghị định 161 thì Nghị định 138 mở rộng đối tượng được miễn thi tin học hơn.

+ Tại vòng 2: Thi nghiệp vụ chuyên ngành
Nghị định 24 và Nghị định 161 quy định 02 hình thức thi là thi viết hoặc phỏng vấn. Nghị định 138 quy định 3 hình thức thi, cụ thể: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết.
Nghị định 138/2020/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Trường hợp cơ quan quản lý công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi tại vòng 2 thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.

4. Xét tuyển công chức

 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định cụ thể đối tượng xét tuyển công chức bao gồm:
+ Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
+ Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

5. Chế độ tập sự

+ Về thời gian tập sự thì Nghị định 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định của Nghị định 24, cụ thể: 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C; 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D.  Nghị định 138 bổ sung quy định:
– Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

 Không điều động, bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng cơ quan, tổ chức hoặc sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
+ Chế độ chính sách đối với người tập sự, người hướng dẫn tập sự thì Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định như Nghị định 24/2010/NĐ-CP.

6. Xét nâng ngạch công chức

+ Đây là quy định mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP nhằm hướng dẫn quy định của Luật cán bộ, công chức được sửa đổi năm 2019, cụ thể: công chức đáp ứng đủ điều kiện thi nâng ngạch thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:
– Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
– Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

+ Về thành tích xuất sắc thì Nghị định 138 quy định cụ thể phải đạt từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên mới được xem xét.

7. Bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý

+ Nghị định 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định của Nghị định 24, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg  Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, theo đó thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
+ Nghị định 138 đã bổ sung quy định: Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.
+ Quy định cụ thể trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức từ trung ương tới địa phương: Quy trình bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, uy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác đến…

8. Bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý

+ Nghị định 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định của Nghị định 24, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg về bổ nhiệm lại công chức, tuy nhiên bổ sung thêm quy định Các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
+ Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
+ Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên;
+ Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.


9. Luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý

+ Bên cạnh việc kế thừa quy định của Nghị định 24 về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý phải nằm trong quy hoạch, Nghị định 138 còn bổ sung thêm 02 trường hợp luân chuyển:
– Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan;
– Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.

+ Bổ sung quy định về Điều kiện về độ tuổi luân chuyển:
– Còn thời gian công tác ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển;
– Riêng công chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ.

+ Bổ sung quy định Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm (36 tháng) đối với một lần luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
+ Bổ sung quy định về đánh giá, nhận xét đối với công chức luân chuyển. Bố trí công chức sau luân chuyển.
+ Bổ sung quy định về Chế độ, chính sách đối với công chức luân chuyển như:
– Công chức luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ đảm nhiệm trước khi luân chuyển thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
– Công chức luân chuyển đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
-Công chức luân chuyển được hưởng các chính sách về bố trí nhà ở công vụ, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí và các chính sách khác (nếu có)…

10. Chính sách đối với người có tài năng

Đây là quy định mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP để cụ thể hóa quy định của Luật cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019, như: Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; 2. Chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc; Chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm;  Chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác…

 

Các tin đã đưa ngày: