Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI). Trong đó, công tác thi hành án dân sự được đánh giá đạt chỉ số 79,1% - tăng16,3% so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016.
Báo cáo PCI năm 2020 được thực hiện vào năm cuối của nhiệm kỳ của Chính phủ, vì vậy ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động và chất lượng điều hành của chính quyền địa phương năm 2020, báo cáo còn so sánh, đánh giá kết quả đạt được của cả giai đoạn 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020. Các phân tích trong PCI 2020 dựa trên 7 bộ dữ liệu là số liệu thu thập được từ việc điều tra tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Thi hành án về việc và tiền đều tăng
Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo, công tác Thi hành án dân sự được đánh giá tại mục Thiết chế pháp lý. Đây là mục đánh giá về chất lượng giải quyết các vụ việc thông qua tòa án và tình tình an ninh trật tự tại các địa phương. Theo đó, Báo cáo nêu rõ: “79,1% doanh nghiệp cho biết: Phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng trong điều tra 2020, tăng so với 62,8% của năm 2016”.
Qua kết quả của PCI cho thấy sự chuyển động tích cực của công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến nay. Cụ thể, tăng 16,3% so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016. Điều này đã phản ánh sự nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận của Hệ thống Thi hành án dân sự trong nhiệm kỳ qua dưới góc nhìn và đánh giá của doanh nghiệp.
Có thể nói, kết quả đánh giá về công tác thi hành án dân sự theo Báo cáo PCI là chính xác và khách quan. Điều này đã được thể hiện qua kết quả thực tế và được công bố chính thức tại các Báo cáo hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội. Trong suốt nhiệm kỳ qua, kết quả thi hành án về việc và tiền đều tăng cả về tỷ lệ % và giá trị thi hành tuyệt đối; kết quả thi hành án về việc và về tiền đạt được năm luôn sau cao hơn năm trước.
Theo số liệu tại các Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội: năm 2016, thi hành xong trên 29 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,74%); năm 2017, thi hành xong trên 35 nghìn tỷ đồng (đạt 38,31%); năm 2018, thi hành xong trên 34 nghìn tỷ (đạt 38,35%); đặc biệt từ năm 2019 đến năm 2020 số thi hành xong tăng mạnh. Nếu như năm 2019, thi hành xong gần 53 nghìn tỷ đồng (đạt 35,46%) thì năm 2020 đã thi hành xong gần 54 nghìn tỷ đồng (đạt 40,10%). Các kết quả này cũng đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hàng năm đánh giá đồng tình qua các Báo cáo thẩm tra về công tác thi hành án của Chính phủ.
Nhìn lại kết quả của cả nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020), số việc và tiền thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiệm kỳ này cũng cao hơn nhiệm kỳ trước. Về việc, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước); về tiền thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Riêng năm 2020, số tiền thi hành xong tăng trên 24 nghìn tỷ đồng (tăng 84,82% về tiền) so với năm 2016.
Đảm bảo bản án, quyết định của tòa án được thực thi nhanh chóng
Với kết quả nêu trên, công tác THADS trong những năm qua luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá biểu dương và ghi nhận, góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nêu rõ: “Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt (nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 – 2020, đạt tỉ lệ 32,04%”.
Có thể thấy, những kết quả của công tác thi hành án dân sự thời gian qua theo đánh giá của PCI là đáng khích lệ, điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã luôn đồng hành, mong muốn và tiếp tục kỳ vọng công tác thi hành án dân sự có những cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các tranh chấp; đảm bảo bản án, quyết định của tòa án liên quan đến doanh nghiệp được thực thi nhanh chóng, thuận lợi từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Năm 2021 là năm khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới của chính quyền các cấp và việc “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đã được xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam trong 10 năm tới. Việc tiếp tục nâng cao kết quả công tác thi hành án dân sự sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đột phá nhiệm vụ trên, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo./.
Vy Anh
https://dangcongsan.vn/
Theo cổng thông tin điện tử bộ tư pháp