Sign In

Kỷ niệm 76 năm Ngày giải phóng thị xã Tuyên Quang (17/8/1945-17/8/2021): Nhớ ngày giải phóng thị xã năm ấy

18/08/2021

Kỷ niệm 76 năm Ngày giải phóng thị xã Tuyên Quang (17/8/1945-17/8/2021): Nhớ ngày giải phóng thị xã năm ấy
Bước sang tháng 6 năm 1945, ở tỉnh Tuyên Quang, hầu hết các địa phương đã khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ còn tỉnh lỵ Tuyên Quang là chưa được giải phóng, quân Nhật chiếm đóng vùng này còn khá mạnh. Tuy nhiên, tại thị xã Tuyên Quang lúc bấy giờ phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lên cao, điều kiện thuận lợi cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đã chín muồi...
 

Một góc thị xã Tuyên Quang xưa.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở các huyện trong tỉnh, nhiều mũi quân cách mạng từng bước áp sát thị xã Tuyên Quang móc nối lại các cơ sở cách mạng, xây dựng thêm các cở sở mới, đồng thời củng cố các đội tự vệ. Cơ sở cách mạng lan rộng khắp thị xã và vùng phụ cận. Quân Nhật hầu như không còn kiểm soát nổi tình hình ở những nơi chúng không đóng quân. Tình thế trực tiếp của cách mạng ngày càng tới gần.

Trước diễn biến hết sức khẩn trương của phong trào cách mạng, tháng 7/1945, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Tuyên Quang được thành lập do đồng chí Tạ Xuân Thu làm Bí thư, chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt ở những vùng đã giải phóng và chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Sau ngày phát xít Đức, Ý đầu hàng vô điều kiện (07/5/1945), ngày 07/8/1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với Nhật và chỉ một tuần đã đánh bại đội quân Quan Đông chủ lực của phát xít Nhật, nước Nhật đứng bên bờ vực bại trận, quân Nhật ở Đông Dương bị đẩy vào tình thế bất lợi, mất tinh thần chiến đấu, hoang mang, rệu rã cao độ... Thời cơ cách mạng đã tới. Nắm vững và triệt để tận dụng thời cơ cách mạng, tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, đã diễn ra các sự kiện lịch sự trọng đại: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15/8/1945) quyết định lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra bản Quân lệnh số 1, phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Đại hội Quốc dân Tân Trào (ngày 16/8/1945), biểu thị ý chí và quyết tâm sắt đá Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc; bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 16/8/1945, trên đường về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, đồng chí Song Hào nhận được lệnh quay trở lại chỉ đạo cuộc tấn giải phóng thị xã Tuyên Quang. Ủy ban khởi nghĩa Tuyên Quang được thành lập, gồm các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu, Nguyễn Công Bình...

Đêm 16/8/1945, các đơn vị giải phóng quân từ Sơn Dương, Chiêm Hóa và đội du kích người Dao từ Thành Coóc, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn cùng hội quân tập kết ở Ỷ La, chờ lệnh khởi nghĩa.

2 giờ sáng ngày 17/8/1945, đồng chí Song Hào, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số 1 ra lệnh nổ súng giải phóng thị xã Tuyên Quang. Quân giải phóng chia làm 2 mũi: Một mũi vòng xuống phía nam thị xã vừa tấn công vừa khống chế đường rút lui của quân Nhật, đồng thời chặn đường tiếp viện của địch từ thị xã Phú Thọ lên; một mũi tiến theo triền sông Lô rồi tỏa làm 2 hướng đánh chiếm trại lính bảo an và các công sở của địch. Do làm tốt công tác địch vận, quân giải phóng tới đâu cũng được lính gác mở cổng đón vào. Vì vậy, chỉ vài tiếng sau giờ nổ súng, ta đã chiếm được các vị trí trọng yếu như trại lính bảo an, nhà băng, sở cẩm, nhà đoan... Tại dinh tỉnh trưởng, khi quân ta tiến vào, bọn lính gác vội vang hạ súng, tỉnh trưởng Dương Thiệu Chinh hoảng sợ xin đầu hàng. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Tạ Xuân Thu tiếp nhận đầu hàng của Dương Thiệu Chinh và buộc hắn phải điện báo cho Nhật về sự đầu hàng của mình và yêu cầu của quân giải phóng là: Quân Nhật phải đầu hàng không điều kiện, giao nộp toàn bộ vũ khí, đổi lại chúng sẽ được an toàn rút khỏi Tuyên Quang. Hầu hết các vùng của thị xã Tuyên Quang đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng, trừ trại lính Nhật đóng trong thành Nhà Mạc, dưới chân núi Thổ Sơn.

5 giờ sáng ngày 17/8/1945, từ các hướng, quân ta dổ về vây chặt trại lính Nhật. Chủ trương của Ủy ban khởi nghĩa là kết hợp giữa bao vây với dùng sức mạnh của quần chúng cách mạng để áp đảo quân Nhật, đồng thời kêu gọi quân Nhật đầu hàng, hết sức tránh nổ súng gây đổ máu không cần thiết. Theo tinh thần đó, sau khi chặn mọi ngả đường ra vào thành, một cuộc mít tinh, diễu hành với sự tham gia của hàng nghìn người đã được tổ chức. Quần chúng diễu hành giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đả đảo phát xít Nhật!”.

Thành phố Tuyên Quang ngày nay. Ảnh: Hoàng Thảo

Trước áp lực mạnh mẽ của cách mạng, quân Nhật trong thành hết sức hoang mang, nhưng vẫn ngoan cố, xin được điều đình với ta. Ủy ban khởi nghĩa yêu cầu quân Nhật phải dứt khoát tuyên bố đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí và cam đoan tôn trọng mọi quy định của Việt Minh. Nhằm kéo dài thời gian điều đình để chờ quân cứu viện, quân Nhật nêu lý do là vũ khí chúng đã thống kê gửi về Hà Nội chờ giao nộp cho quân Đồng Minh do vậy không thể nộp toàn bộ được mà chỉ nộp số vũ khí lấy được của Pháp khi đảo chính tháng 3/1945, số còn lại phải chờ xin ý kiến cấp trên.

Trước thái độ ngoan cố của Nhật, quân ta tiếp tục vậy hãm, không cho chúng ra khỏi thành để mua nhu yếu phẩm. Đêm 18/8, một toán quân Nhật từ Đoan Hùng (Phú Thọ) kéo lên chi viện tới Cầu Chả thì bị quân ta chặn đánh, chúng liều mạng mở đường máu chạy thoát vào thành. Sáng 19/8, cánh quân Nhật từ Hà Giang về tới Ỷ La thì bị quân ta chặn đánh. Được tin có tiếp viện, quân Nhật trong thành trở mặt, nổ súng vào các vị trí của ta đang kiểm soát, đồng thời cho một bộ phận đánh ra ngoài hỏng mở đường đón cánh quân từ Hà Giang, nhưng bị ta đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải quay lại cố thủ trong thành.

Thái độ ngoan cố, lật lọng của quân Nhật buộc ta phải hành động kiên quyết hơn. Ngày 20/8, một cuộc mít tinh, tuần hành lớn lại được tổ chức, quân ta nổ súng đe dọa tấn công vào thành. Tình thế bị vây hãm hoàn toàn bất lợi, có khả năng bị tiêu diệt, bọn Nhật lại xin điều đình. Lúc nay Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh cũng nhận được tin khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thắng lợi, Nhật đã đầu hàng, đề nghị ta mở đường cho chúng rút quân từ Tuyên Quang, Hà Giang về Hà Nội. Để nhanh chóng giải quyết vấn đề quân Nhật, sẵn sàng đối phó với tình hình mới, ta chấp thuận điều kiện đầu hàng của quân Nhật và cho phép chúng rút khỏi Tuyên Quang.

Ngày 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa vào trại lính Nhật tiếp nhận sự đầu hàng của chúng. Cùng ngày, những tên phát xit Nhật cuối cùng cũng rút khỏi Tuyên Quang. Thị xã Tuyên Quang được giải phóng.

Ngày 22/8/1945, thị xã Tuyên Quang sôi động không khí tự do, độc lập, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ giương cao khắp nơi. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Sân vận động thị xã (Quảng trường Nguyễn Tất Thành ngày nay). Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Công Bình làm Chủ tịch ra mắt trước hàng vạn nhân dân các dân tộc thị xã Tuyên Quang.

Thị xã Tuyên Quang được giải phóng đánh dấu mốc thắng lợi hoàn toàn quá trình khởi nghĩa giành chính quyền trong đấu tranh giành độc lập. tự do của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang; đồng thời đóng góp quan trọng vào sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại của nhân dân ta.

Bảy mươi sáu năm đã qua, biết bao biến chuyển đối với thị xã nhỏ bé, thơ mộng và yên bình bên dòng Lô lịch sử ngày ấy... Giờ đây, thị xã Tuyên Quang đã là thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn tiêu chí đô thị loại II, một thành phố trẻ đầy năng động đang trên đà phát triển. Cùng với việc bố trí các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, nhiều tuyến đường, phố được mở mới, nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của một đô thị mới. Trong đó, có tuyến đường giữa lòng thanh phố mang tên: 17 tháng 8 - ngày giải phóng thị xã. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 12,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 80,5 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% xuống còn 0,66% năm 2020... Phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, thành phố Tuyên Quang đang ra sức phát triển nhanh hơn, bên vững hơn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Việt Thanh

(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang)

Các tin đã đưa ngày: