Một số vướng mắc
Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 75 việc với số tiền hơn 33 tỷ đồng phải hoãn thi hành do chờ kết quả xét xử tranh chấp tài sản bị cưỡng chế của tòa án. Tìm hiểu ở Chi cục THADS TP Bắc Giang, đơn vị còn 12 vụ việc ở tình trạng trên. Đơn cử như vụ việc của vợ chồng ông Trần Văn Th và bà Vũ Thị B ở phường Lê Lợi.
Do làm ăn thua lỗ, hai vợ chồng ông Th phải kê biên tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, khi cơ quan THA đến làm việc thì các con ông không đồng ý và tiếp tục kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế.
Từ năm 2016 đến nay, TAND tỉnh đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhiều lần nhưng chưa có kết quả. Nguyên nhân chính do các đương sự không đồng ý với kết quả xét xử khiến hơn 26 tỷ đồng phải thi hành vẫn chưa được giải quyết.
Hay như Công ty TNHH MTV Trọng Tấn (Tân Yên) phải thi hành hơn 125 triệu đồng cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang và hơn 17,537 tỷ đồng cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Bắc Giang.
Sau khi có bản án của tòa án năm 2013, Cục THADS tỉnh đã kê biên tài sản của công ty không thế chấp cho ngân hàng nhưng sau đó phải hoãn thi hành vì chưa nhận được kết quả giải quyết tranh chấp tài sản kê biên của TAND huyện Tân Yên.
Được biết, tài sản này của công ty liên quan đến nhiều người, có giá trị lớn, hơn nữa việc thẩm định giá trị máy móc, thiết bị gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, năm 2019, tòa án cấp huyện còn chưa chuyển giao 10 bản án, quyết định cho cơ quan THA đúng thời hạn. Ở một số vụ việc, cơ quan THADS nhiều lần đề nghị tòa án trả lời, giải thích rõ bản án, quyết định đối với tiền vật chứng, tang vật đã xét xử song vẫn chậm hoặc chưa nhận được văn bản trả lời.
Theo bà Nguyễn Thị Bốn, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Lạng Giang, với những vụ việc về đất đai, tòa án yêu cầu chấp hành viên cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến việc hình thành khối tài sản chung như thời điểm hình thành tài sản, thành viên liên quan đến từng tài sản, hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, công sức đóng góp...
Thực tế, những nội dung này rất khó thực hiện vì vẫn còn trường hợp UBND cấp xã không cung cấp được thông tin về số tờ, số thửa, diện tích đất; một số cơ quan đăng ký đất đai cung cấp thông tin chậm hoặc không đầy đủ dẫn đến trình tự, thủ tục của nhiều hồ sơ THA bị kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.
Tăng cường phối hợp
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh được biết, hiện toàn tỉnh còn tồn hơn 3.100 việc với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, Cục THADS tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đồng thời thường xuyên phối hợp với các cơ quan trong khối tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) lập danh sách số tiền, vật chứng tồn đọng nhằm thống nhất biện pháp xử lý. Ban chỉ đạo THADS cùng cấp cũng vào cuộc tích cực để chỉ đạo xử lý dứt điểm số tiền, vật chứng tồn đọng. Dự kiến, kết quả xử lý sẽ được báo cáo về Cục THADS tỉnh trước ngày 15/6/2020.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc nêu trên.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do khối lượng công việc của các ngành đều tăng, một số quy định của pháp luật còn trùng chéo, không sát thực tiễn còn có những nguyên nhân chủ quan như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa theo sát vụ việc; chưa có cơ chế về công tác phối hợp xác minh điều kiện THA, trao đổi thông tin giữa các đương sự trong quá trình tố tụng để bảo đảm hiệu lực thi hành.
Để khắc phục những khó khăn trên, Cục THADS đã đề nghị TAND tỉnh có văn bản chỉ đạo việc thụ lý, đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp, các vụ việc có liên quan đến xác định, phân chia, xử lý tài sản chung; chuyển giao bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị khi có yêu cầu của cơ quan THADS.
Thời gian qua, ngành tòa án tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bị cáo, đương sự và những người liên quan tự nguyện nộp các khoản bồi thường, khắc phục hậu quả cùng các khoản phải THA khác nhằm giảm áp lực cho ngành THA. Ngoài ra, để hạn chế thấp nhất tình trạng tẩu tán tài sản, cơ quan công an, tòa án các cấp đã kịp thời ra các quyết định bảo đảm hoặc kê biên tài sản đến khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Sưu tầm
Theo baobacgiang.com.vn