Sign In

Bất cập trong công tác xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi bổ sung năm 2014)

14/06/2017

        Vấn đề xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã thể hiện sâu sắc hơn tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật nói chung và trong lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng; nhằm mục đích giải quyết những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết ngay đó là tình trạng án tồn đọng kéo dài từ năm này đến năm khác do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Điều đó đã góp phần làm cho công tác thi hành án dân sự trên toàn quốc có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.

        Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật vẫn còn bộc lộ một số vấn đề bất cập, không phù hợp với thực tế. Cụ thể theo quy định tại Điều 61 quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp Ngân sách Nhà nước như sau:
        “1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
        a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
        b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
        2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
        a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
        3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
        a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
        b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.
        4. Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.
        5. Người phải thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định.
          Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
        6. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Điều này.”
       
        Mặt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANGTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Tòa án nhân dân Tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước thì thi hành một phần nghĩa là người phải thi hành án phải nộp được ít nhất bằng một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án.

        Như vậy, đối với trường hợp mà người phải thi hành án nộp các khoản thu nộp ngân sách nhà nước từ 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) trở lên mà chưa thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành án, thì không được xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án. Trong thực tế, có rất nhiều Bản án, Quyết định tuyên phạt người phải thi hành án phải nộp số tiền vào ngân sách Nhà nước với số tiền rất lớn (trên 5 triệu đồng), mà đa số họ không có điều kiện thi hành án, mặc dù Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ các bước thủ tục theo quy định của pháp luật, đồng thời động viên, thuyết phục họ rất nhiều lần để họ nộp một phần nghĩa vụ thi hành án, bằng 1/50 số tiền phải thi hành án để được xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án, nhưng người phải thi hành án cương quyết không nộp hoặc họ muốn nộp nhưng lại không có điều kiện, thậm chí có trường hợp còn thách thức pháp luật, để mặc không quan tâm đến nghĩa vụ của mình.

        Mặt khác theo quy định tại khoản 1, Điều 61 Luật thi hành án dân sự thì điều kiện được xét miễn, giảm là người phải thi hành án không có tài sản, hoặc nguồn thu nhập để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

        Một số trường hợp Tòa án  xác định người phải thi hành án không có nơi cư trú rõ ràng, địa chỉ sống lang thang, hay tại thời điểm xác minh điều kiện của người phải thi hành án được biết họ không còn cư trú ở địa phương, đi đâu và làm gì chính quyền địa phương không rõ vì khi bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống họ không khai báo cho chính quyền địa phương biết, thì những trường hợp này không được xét, miễn nghĩa vụ thi hành án. Đó cũng là một trong các lý do làm cho loại án chủ động (Loại việc mà người phải thi hành án phải có nghĩa vụ nộp các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước) tồn đọng ngày càng nhiều.

        Trong thời gian đến, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cần phải sữa đổi, bổ sung điều luật và ban hành các văn bản hướng dẫn công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước phù hợp với thực tế hơn. Cụ thể sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm thời gian xét miễn, giảm và không cần thiết buộc người phải thi hành án nộp một phần nghĩa vụ thi hành án, vì thực tế người phải thi hành án là người không tự nguyện thi hành án và không có điều kiện để thi hành án. Nếu sửa đổi luật theo hướng này, thì chắc chắn lượng án tồn đọng hàng năm sẽ được giảm đáng kể, không tạo ra gánh nặng cho các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương../.
                      Nguyễn Trọng Tài – Chi cục Thi hành án dân sự TP. Quy Nhơn

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: