Giải quyết án khó
Trong năm 2018, Chi cục THADS TX An Nhơn thụ lý 1.147 việc, giải quyết xong 636/775 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 82% (vượt chỉ tiêu 9%). Về tiền, tổng số thụ lý là gần 64 tỉ đồng, giải quyết xong 9,2/16,6 tỉ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 56% (vượt chỉ tiêu 21%).
Đặc biệt, trong năm qua, có 10 vụ việc có tranh chấp phức tạp kéo dài nhưng đương sự đã tự nguyện giao tài sản để Chi cục xử lý THA, không phải tổ chức cưỡng chế. Điển hình là vụ Chu Văn Hậu, Nguyễn Thị Thìn (ở Nhơn Hưng), phát sinh từ năm 1999. Đây là vụ tranh chấp phức tạp, kéo dài, liên quan đến tài sản thế chấp nhưng chưa đảm bảo tính pháp lý. Trong năm 2018, Chi cục tiếp tục kiên trì động viên, giáo dục thuyết phục đương sự, đến nay đã tự nguyện thực hiện xong.
Khu đất được gia đình ông Nguyễn Minh Tĩnh thế chấp vay ngân hàng (ảnh trên) và trên bản vẽ (ảnh dưới) gồm nhiều phần đất cho thấy mức độ phức tạp của vụ việc.
Thêm một trường hợp đáng chú ý là vụ Hà Văn Hổ, Nguyễn Thị Kim Khánh (ở Nhơn Hòa). Vụ việc tranh chấp tộc họ Hà này rất phức tạp, kéo dài từ năm 2012. Ông Hổ - bà Khánh phải giao nhà để THA nhưng chưa có chỗ ở, trong khi 2 người con bị bệnh hiểm nghèo, dễ ảnh hưởng đến tính mạng nếu tổ chức cưỡng chế giao nhà. Chi cục THADS TX An Nhơn phải kiên trì phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan động viên, thuyết phục, vận dụng các chính sách ưu đãi thì gia đình này mới tự nguyện giao nhà, đất, không phải tổ chức cưỡng chế THA.
Đặc biệt, theo Phó Chi cục trưởng Lê Thành Long, một số vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng có tài sản thế chấp, nhưng tài sản thế chấp giữa hồ sơ, giấy tờ và thực tế có sự khác biệt lớn về đặc điểm hiện trạng, mốc giới, diện tích dẫn đến không thể kê biên xử lý THA. Như vụ Nguyễn Minh Tĩnh, Phan Thị Hiếu (ở phường Bình Định) dùng “sổ đỏ” của cha để vay ngân hàng từ năm 2009. Đáng nói là “sổ đỏ” bao gồm cả đất ở, đất vườn, đất ruộng; không thể xác định mốc giới của phần diện tích 55 m2 đất được thế chấp. Bên cạnh đó, khi tổ chức THA, trên diện tích này lại có công trình xây dựng.
“Việc THA kéo dài hơn 5 năm, phải qua nhiều lần thuyết phục, vận động, gia đình ông Tĩnh mới nộp lại khoản tiền gốc đã vay, còn tiền lãi phát sinh ngân hàng chấp nhận không thu nữa”, ông Long cho hay.
Kiên trì, linh hoạt
Để đạt được kết quả ấn tượng đó, Chi cục THADS TX An Nhơn đã thường xuyên và kịp thời tổ chức rà soát toàn bộ các vụ việc đang tổ chức thi hành của từng chấp hành viên. Qua đó, xác định khó khăn vướng mắc, chỉ đạo biện pháp tổ chức thi hành, phương pháp thi hành; trong đó luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên đương sự tự nguyện THA.
Đáng chú ý, chấp hành viên thường xuyên phối hợp chặt chẽ UBND xã, khu vực, thôn để nắm bắt tình hình, điều kiện THA, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của người phải THA. Từ đó, có biện pháp tuyên truyền, động viên, giáo dục, thuyết phục phù hợp để họ tự nguyện THA. Đồng thời, phải cương quyết áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế để thi hành.
“Mặt khác, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan nội chính, cơ quan chuyên môn thuộc UBND thị xã để tuyên truyền, động viên giải thích các bên thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có liên quan đến công tác THADS”, Chi cục trưởng Võ Công Hoàng cho biết.
Theo Chủ tịch UBND TX An Nhơn Đặng Vĩnh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo THADS của thị xã, có những vụ việc kéo dài cũng bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”, người trong cuộc không ai nhường ai, có người lại “được voi đòi tiên”. “Với các vụ việc phức tạp, kéo dài mà người phải THA có hoàn cảnh ngặt nghèo, bên cạnh kiên trì vận động, chúng tôi còn vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ”, ông Sơn chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG
Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=15&macmp=17&mabb=120763
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn