Ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, tại Điều thứ 3 quy định: Ban Tư pháp xã có quyền… “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”… và Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên ghi nhận sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành Thi hành án dân sự (THADS) ngày nay. Năm 1993, hệ thống THADS được chuyển giao từ Tòa án sang các cơ quan của Chính phủ
và trở thành một hệ thống cơ quan độc lập về tổ chức và hoạt động. Từ đó đến nay, ngành THADS đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng. Ngày 19/7 có ý nghĩa vô cùng to lớn, là nguồn động viên, khích lệ tinh thần đối với những người đã và đang làm trong ngành THADS.
Để thiết thực chào mừng 74 năm
"Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự" ngành THADS thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức nhiều hoạt động thi đua, thi đấu thể thao, văn nghệ… mang nhiều kết quả thắng lợi
. Những hoạt động phong trào đã góp phần tạo sự thống nhất từ tư duy đến hành động của công chức và người lao động trong ngành THADS thành phố, từ đó tạo đà thúc đẩy, làm chuyển biến kết quả công tác trong năm.
Trong 74 năm qua, Hệ thống THADS đã đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo công lý được thực thi. Trong thành tựu chung của Hệ thống cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành THADS TP Cần Thơ, hoạt động của ngành THADS thành phố ngày càng đi vào nề nếp, đạt được nhiều kết quả khả quan, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc được bố trí ngày một hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm, tinh thần phục vụ nhân dân không ngừng được tăng cường.
Để tiếp tục nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2020, tiến tới chào mừng kỷ niệm 75 năm
“Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự” và những năm tiếp theo, ngành THADS TP cần tiếp tục quan tâm:
Thứ nhất, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan liên quan, tạo sự đồng thuận trong công tác THADS, đặc biệt là trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, khó khăn.
Thứ hai, tiếp tục triển khai kịp thời kế hoạch công tác hàng năm, quan tâm đầy đủ các phong trào thi đua, đoàn thể, xây dựng và giữa vững tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được cấp trên giao.
Thứ ba, tập trung công tác giải quyết, phân loại án làm cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đặc biệt quan tâm các vụ, việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, thu ngân sách Nhà nước… thực hiện có hiệu quả việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, xử lý tang vật… góp phần tháo gỡ khó khăn về chỉ tiêu việc và giá trị được giao.
Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, phát huy dân chủ và nhân rộng các phong trào đoàn thể; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; chấp hành tốt Chuẩn mực đạo đức của ngành Tư pháp.
Thứ năm, khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến khiếu nại, tố cáo; tránh vụ lợi, nhũng nhiểu nhân dân; tăng cường trao đổi nghiêp vụ trong toàn ngành; công tác báo cáo, thống kê đảm bảo chính xác, kịp thời; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước tiết kiệm, đúng quy định và đạt hiệu quả.