Sign In

Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành dân sự

13/06/2024

Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành dân sự
Nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, công chức đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao kết quả trong công tác thi hành dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, phấn đấu trở thành địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 ở mức khá trong toàn quốc. Ngày 03/6/2024 Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự.
          THADS thành phố Đà Nẵng là đơn vị có lượng thụ lý cao so với toàn quốc, bình quân hàng năm thi hành 15 nghìn việc (đứng thứ 25/63 tỉnh, thành) tương ứng với 17 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 3/63 tỉnh, thành). Trong những năm qua, công tác THADS trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thành uỷ, UBND thành phố, sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức toàn Ngành, công tác THADS trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, qua đó góp phần tích cực bảo đảm trật tự kỷ cương, an toàn xã hội, tạo cơ sở xã hội nền tảng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
         
           Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế sau: Kết quả cả 02 chỉ tiêu THADS cơ bản được giao về việc và về tiền 03 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) đều không hoàn thành; Kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa cao để kịp thời giải phóng các nguồn lực tài chính, đầu tư bị ách tắc trong các tranh chấp; Lượng án có điều kiện trên 01 năm nhưng chưa tổ chức thi hành xong còn nhiều, thời gian thi hành án còn kéo dài ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tuy đã có chỉ đạo, đôn đốc nhưng vẫn còn kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, thành phố có lượng án thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cao (về việc đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, về tiền đứng thứ 2/63 tỉnh, thành) nhưng kết quả còn đạt thấp, thiếu ổn định và bền vững.

         
             Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan THADS trên địa bàn như: Trình độ, năng lực, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Chấp hành viên chưa đồng đều, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phương pháp làm việc của Thủ trưởng một số đơn vị còn hạn chế, chưa khoa học, hiệu quả, chưa quyết liệt đeo bám công việc. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân đặc thù của hoạt động THADS như đây là khâu cuối của quá trình tố tụng, vì vậy, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các hoạt động tố tụng trước đó như công tác truy tìm, truy nguyên, kê biên, phong toả tài sản…; hiệu lực của công tác THADS phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng hỗ trợ cưỡng chế và các tổ chức nắm giữ thông tin tài sản; ngoài ra, đây là quá trình cụ thể và hiện thực hoá các bản án, quyết định trong thực tiễn cuộc sống, va chạm trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân nên thường xuyên vấp phải sự trốn tránh, chây ỳ, chống đối, xúc phạm, đe doạ của đương sự. Hơn nữa, khối lượng thụ lý mới hàng năm ngày càng tăng cả về số lượng vụ việc và quy mô tài sản phải xử lý, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, đặc biệt là án tín dụng ngân hàng và án kinh doanh thương mại. Nhiều việc còn tồn đọng do khó khăn từ giai đoạn Covid-19 chưa được xử lý dứt điểm. Thành phố phải nhận uỷ thác nhiều vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng phức tạp, có giá trị rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn do bản án chưa xác định đầy đủ, chính xác hiện trạng, trạng thái pháp lý của tài sản kê biên hoặc do liên ngành trung ương chưa thống nhất về đường lối xử lý. Số lượng công chức, Chấp hành viên chưa bảo đảm về số lượng, áp lực công việc lớn, bình quân mỗi năm mỗi Chấp hành viên phải xử lý 260 việc tương ứng với trên 304 tỷ đồng.
 
           
           Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi và phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án dân sự, yên tâm công tác, phát huy năng lực, vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

                                                                                             Mai Phương - Văn phòng Cục THADS TP Đà Nẵng

Các tin đã đưa ngày: