Sign In

MỘT SỐ SAI PHẠM QUA CÔNG TÁC KIỂM TRA NĂM 2018

22/10/2018

        Để làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thi hành án dân sự (THADS) của các đơn vị Chi cục THADS tỉnh Gia Lai, đã tham mưu cho Cục trưởng ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh và thành lập Đoàn, tổ chức kiểm tra toàn diện trên các lĩnh vực công tác THADS, Văn phòng, Nghiệp vụ kế toán thi hành án, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS đối với 12 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (Ayun Pa, Đak Đoa, Kông Chro, Krông Pa, Chư Sê, Đak Pơ, Chư Pah, Ia Grai, Phú Thiện, Đức Cơ, Ia Pa và Kbang).
        Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018 ban hành kèm theo Quyết định số 2566/QĐ-BTP ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Quyết định số 30/QĐ-TCTHADS ngày 09/01/2018 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018.
        Năm 2018, Cục THADS tỉnh Gia Lai, đã  kiểm tra toàn diện công tác thi hành án dân sự đối với  12 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện.
        Qua công tác kiểm tra các đơn vị, nhìn chung đều mắc những tồn tại, vi phạm thường gặp cụ thể như sau:
        1. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành:
        - Chậm xây dựng các quy chế trong hoạt động, công tác  như: Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quy chế tiếp công dân, quy chế phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương.
        - Việc thực hiện Quy chế làm việc của đơn vị trong công tác họp cơ quan đôi lúc chưa kịp thời; Biên bản các cuộc họp cơ quan chưa phản ánh rõ nội dung, không có phần kết luận của người chủ trì; các Văn bản chỉ đạo, quán triệt của Cục THADS tỉnh chưa được triển khai đầy đủ đến toàn thể công chức, người lao động.
        2. Công tác nghiệp vụ và tổ chức thi hành án:
- Việc thụ lý, ra quyết định thi hành án; Việc áp dụng biểu mẫu nghiệp vụ THA
+ Ban hành nhiều Quyết định thi hành án chủ động trong cùng một Bản án không đúng quy định tại  Điều 6 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.
+ Quyết định thi hành án theo yêu cầu không thể hiện đầy đủ tên, địa chỉ của đương sự; chậm ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi có căn cứ theo quy định.
+ Việc áp dụng biểu mẫu nghiệp vụ THA án chưa đảm bảo đúng theo qui định tại Thông tư 01/2016/TT-BTP  ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
- Việc lập, sử dụng, quản lý và lưu trữ hồ sơ, sổ sách thi hành án:
+ Các loại sổ sách nghiệp vụ được lập đầy đủ nhưng không thực hiện việc kết sổ theo định kỳ hàng quý, không chốt sổ vào cuối năm nghiệp vụ theo quy định.
 + Hồ sơ đang tổ chức thi hành chưa thực hiện việc sắp xếp, cập nhật văn bản, giấy tờ và đánh bút lục theo trình tự thời gian. Hồ sơ giải quyết xong chậm hoàn thiện chứng từ, tài liệu, đánh bút lục, lên danh mục trình Thủ trưởng đơn vị ký duyệt để đưa vào lưu trữ theo quy định tại Điều 31 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp.
- Việc phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án:
+ Việc phân loại án chưa có điều kiện thi hành chưa đảm bảo chính xác, vi phạm điều 44a Luật Thi hành án dân sự; việc chuyển tải danh sách án chưa có điều kiện thi hành lên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự tỉnh không kịp thời, đầy đủ; Quyết định việc chưa có điều kiện thi hành án không giao hoặc gửi cho UBND cấp xã nơi người phải thi hành án cư trú để niêm yết theo quy định. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án sơ sài, không đầy đủ, rõ ràng; việc xác minh tài sản, điều kiện THA không thực hiện tại cơ quan có chức năng chưa đúng qui định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự như: Xác minh tài sản lại tiến hành tại Công an xã, không xác minh tại Ngân hàng đối với tài sản đã thế chấp, không xác minh tài sản là nhà, đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, chưa xử lý tài sản thế chấp theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự nhưng vẫn xác định là việc chưa có điều kiện thi hành.
+ Chậm tổ chức thi hành án đối với các vụ việc thuộc diện thi hành án chủ động; chậm xác minh điều kiện thi hành án, không xác minh theo định kỳ và chưa chuyển sổ theo dõi riêng đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành, vi phạm khoản 5, Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 17/8/2015 của Chính phủ và  khoản 2, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.
+ Chậm thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản đối với vụ việc có điều kiện thi hành án; việc áp dụng các quy định của pháp luật trong quá trình kê biên, xử lý tài sản của Chấp hành viên chưa đảm bảo phù hợp.
+ Hồ sơ thi hành án không có tài liệu thể hiện việc thông báo về THA, giao các Quyết định về THA cho đương sự  hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vi phạm về thủ tục thông báo, niêm yết theo  Điều 39, 40, 41,42 Luật Thi hành án dân sự, Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.
- Việc thu chi tiền thi hành án, xử lý vật chứng, tài sản thi hành án:                                                                         
+ Chậm chi trả tiền cho đương sự, chậm nộp tiền án phí, sung công vào ngân sách nhà nước, chậm xử lý vật chứng, tài sản, vi phạm Điều 13, điều 17 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016.
+ Việc chi trả tiền THA vi phạm Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015. Cụ thể như: Chưa thông báo bằng văn bản cho người được nhận tiền; chi trả tiền thông qua hình thức chuyển trả theo đường Bưu cục nhưng hồ sơ không thể hiện báo phát người nhận; chi trả bằng tiền mặt cho cơ quan, tổ chức.
         3. Công tác tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Một số đơn vị chưa quan tâm bố trí phòng tiếp dân và ban hành Quy chế tiếp công dân theo hướng dẫn của Cục THADS tỉnh.
-  Kỹ năng xử lý đơn, thư đầu vào của công chức phụ trách công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn lúng túng do đó việc phân loại đơn, thư kiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh còn hạn chế, dẫn đến nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ theo quy trình, thậm chí có đơn vị còn vi phạm thời hạn ban hành thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện việc thông báo nhận đơn và kết quả giải quyết đơn cho các cơ quan đã chuyển đơn.                     
        4. Công tác Văn thư – Lưu trữ
  Việc mở sổ đăng ký và việc xử lý văn bản đến, văn bản đi chưa đảm bảo theo quy định của Thông tư 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội Vụ về việc hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; việc thực hiện các Quy trình nghiệp vụ Lưu trữ  (Quy trình thu thập, bổ sung tài liệu vào lưu trữ, Quy trình chỉnh lý tài liệu, Quy trình khai thác và sử dụng tài liệu, Quy trình hủy tài liệu hết giá trị) chưa được triển khai đầy đủ.
        5. Công tác tài chính kế toán nghiệp vụ thi hành án.
- Sử dụng một số biểu mẫu kế toán nghiệp vụ, phiếu thu, phiếu chi, lưu biên lai chưa đúng quy định theo thông tư 91/TT-BTC ngày 17/6/2010.
- Việc kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa kế toán nghiệp vụ và Chấp hành viên được thực hiện nhưng vẫn chưa đảm bảo chính xác, còn có sự chênh lệch số liệu giữa báo cáo thống kê và báo cáo kế toán nghiệp vụ.
- Chưa thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, đối chiếu biên lai giữa Chấp hành viên với Kế toán nghiệp vụ THA.
        6. Công tác quản lý, thuê kho vật chứng; Việc giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ:
 Việc giao nhận vật chứng, tài sản chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định. Công tác bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ chưa chặt chẽ, vật chứng không gắn thẻ kho, việc sắp xếp vật chứng, tài sản chưa khoa học, vẫn còn để lẫn lộn, không ngăn nắp. Điều kiện về diện tích, vệ sinh và an toàn của kho vật chứng chưa được đảm bảo.
        Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong năm 2019 và những năm tiếp theo, công tác kiểm tra toàn diện cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, chúng tôi đơn vị tham mưu, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đưa ra một số kinh nghiệm như sau:
       Thứ nhất. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục THADS tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, quán triệt đến cán bộ, công chức đơn vị những quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của cấp trên và các cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan đến công tác chuyên môn và các hoạt động thường xuyên của đơn vị; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của đơn vị, nhất là chế độ Hội họp.
       Thứ hai. Nghiêm túc thực hiện việc khắc phục những vi phạm thường gặp, kiến nghị, kết luận của Đoàn kiểm tra đó là:
- Thực hiện tốt việc lập, sử dụng , bảo quản và lưu trữ sổ sách, hồ sơ thi hành án; hoạt động thu chi tiền thi hành án; giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ; công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo đúng quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư Pháp.
- Tổ chức việc thi hành án phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục được quy định tại Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan thi hành án dân sự được ban hành kèm Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Tiến hành xác minh, phân loại án kịp thời, chính xác; thực hiện thu hồi các Quyết định việc chưa có điều kiện thi hành án chưa đảm bảo theo qui định Điều 44, Điều 44a của Luật Thi hành án dân sự và nhanh chóng tổ chức thi hành dứt điểm các việc có điều kiện. Cương quyết tiến hành cưỡng chế đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành án, chấm dứt việc kéo dài, chậm tổ chức thi hành án.
- Chú trọng công tác tiếp công dân; rà soát, bố trí phân công chức thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu công việc. Lãnh đạo đơn vị cần nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất và tổ chức đối thoại để kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tìm hiểu, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Từ đó, tập trung, chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm, triệt để ngay từ cơ sở, tránh hiện tượng kéo dài, gây bức xức khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
- Thực hiện công tác tài chính, kế toán nghiệp vụ THA phải đảm bảo đúng pháp luật và đúng quy định tại Thông tư  91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010. Việc quản lý kho và quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ phải nghiêm ngặt, chặt chẽ theo Thông tư  01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 và thông tư  01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư Pháp về Quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự.
- Tăng cường thường xuyên việc kiểm tra đối với cán bộ công chức và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể Lãnh đạo đơn vị đối với công tác tự kiểm tra toàn diện các hoạt động của đơn vị nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, tồn tại và tự khắc phục trước khi có các Đoàn kiểm tra, giám sát của Cục, Viện Kiểm sát nhân dân, UBKT và HĐND cùng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát theo Chương trình hàng năm.
- Lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất họp bàn, cùng thảo luận, tháo gỡ khó khăn,vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án và các hoạt động, công tác có liên quan.
        Thứ ba. Ngay sau khi có Kết luận kiểm tra của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, yêu cầu các đơn vị được kiểm tra phải nhanh chóng tổ chức quán triệt nội dung Kết luận đến toàn thể cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm mà Kết luận đã nêu, đồng thời tổ chức kiểm điểm làm rõ nội dung để xảy ra sai phạm của từng cá nhân; tổ chức báo cáo kết quả khắc phục sai phạm và việc thực hiện kiểm điểm về Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai để theo dõi, giám sát.
        Thứ tư. Chi cục trưởng Chi cục THADS cấp huyện thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, nhất là Trưởng Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện để làm tốt công tác tham lưu về hoạt động THADS trên địa bàn nhằm kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ việc phức tạp, vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài góp phần xây dựng nhiệm vụ chính trị về THADS tại địa phương ngày càng phát triển.
       Thứ năm. Thực hiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với các Quy chế phối hợp giữa cơ quan THADS với các ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an; chủ động phối hợp Ngân hàng trên địa bàn và các ngành chức năng của huyện để kịp thời triển khai, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS, hạn chế thấp nhất việc phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo; kiềm chế tốt đơn thư vượt cấp trong hoạt động về THADS tại địa bàn.


Theo Nhóm tác giả: Phạm Văn Đề, Nguyễn Thị Huyền

Các tin đã đưa ngày: